Xuất khẩu thuỷ sản cuối năm tăng tốc mạnh, mục tiêu đạt kim ngạch 10 tỷ USD
Mục tiêu 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 của ngành thủy sản được các chuyên gia dự đoán sẽ dễ dàng đạt được. (Ảnh: Cục Thuỷ sản)

Mục tiêu 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 của ngành thủy sản được các chuyên gia dự đoán sẽ dễ dàng đạt được. (Ảnh: Cục Thuỷ sản)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), sau khi về đích năm 2023 ở mức 9,2 tỷ USD, tương đương 92% mục tiêu đề ra từ đầu năm, ngành thủy sản đặt mục tiêu thận trọng cho năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 10 tỷ USD, tăng 3% so với 2023.

VASEP cho biết, trong tháng 7/2024, xuất khẩu thủy sản là 915,172 triệu USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam là hơn 5,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu hàng thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2024 sang các thị trường chủ lực như: Đứng đầu trong top thị trường xuất khẩu thuỷ sản là nhóm các nước thành viên trong CPTPP với 1,36 tỷ USD, tăng 3,2%; Hoa Kỳ là 952 triệu USD, tăng 11,6%; Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là 931 triệu USD, tăng 10,1%; EU là 597 triệu USD, tăng 9,4%; Hàn Quốc là 435 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Đơn cử như: Tôm các loại đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 8%; cá tra đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 9%; cá ngừ đạt 558 triệu USD, tăng 21,8%, các loại nhuyễn thể (mực, bạch tuột,...) đạt hơn 456 triệu USD, tăng 6,4%.

Điều đáng mừng là xuất khẩu thủy sản đang ghi nhận tín hiệu khả quan khi bước sang đầu quý III/2024 với nhiều đơn hàng được ký kết và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Với đà này, mục tiêu 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 của ngành thủy sản được các chuyên gia dự đoán sẽ dễ dàng đạt được.

Theo ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hùng Cá cho biết: “Kể từ sau dịch số lượng xuất khẩu mỗi ngày mỗi tăng, đặc biệt là trong năm 2024 sản lượng xuất khẩu của công ty tăng từ 10 đến 20%. Những năm trước, mỗi tháng công ty chúng tôi xuất khoảng 300 container thì năm nay mỗi tháng chúng tôi xuất khoảng 360 container. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi sản xuất không kịp cho các đơn hàng từ đối tác nước ngoài ”.

Không chỉ riêng mặt hàng cá, các doanh nghiệp trong ngành tôm cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Trần Anh Khoa – Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa chia sẻ: "Đơn hàng trong những tháng cuối năm nay tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm trước từ 10 đến 15%. Hiện tại đã có nhiều khách hàng nước ngoài đã đến công ty chúng tôi đặt hàng và nhiệm vụ của Anh Khoa Seafood là chuẩn bị nguồn nguyên liệu, tăng thời gian sản xuất để phục vụ cho tất cả các đơn hàng vào cuối năm nay”.

Trước những khó khăn và thách thức do suy giảm kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã kịp thời điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu vào thị trường Mỹ và EU. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến ngành thủy sản đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động xuất khẩu.

Theo nhận định của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cơ hội xuất khẩu trong nửa cuối năm nay là rất lớn. Khi nước ta đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển các đơn hàng của Mỹ và các lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc.

Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn khẳng định: "Với cái đà này, cộng thêm các hoạt động xúc tiến thương mại của Chính phủ, doanh nghiệp tăng cường mở rộng thêm nhiều thị trường ngách như thị trường Halal – đây là một thị trường có tiềm năng rất lớn. Năm ngoái, thị trường này nhập hơn 9 triệu tấn, năm nay chắc chắn sẽ hơn. Sản lượng hơn, xuất khẩu hơn thì chúng ta sẽ về đích sớm. Qua đó đến năm 2025 sẽ tạo tiền đề để ngành thủy sản về đích theo kế hoạch xuất khẩu năm 2021 - 2025”.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay, các doanh nghiệp thủy sản cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường.

Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc vào một thị trường. Đồng thời, tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam. Đồng thời, cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất