Cuba kiên định, sáng tạo lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
 Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Cuba ở thủ đô La Habana
(Ảnh: AFP/TTXVN)

Sự kiên định con đường đi lên CNXH là nền tảng quan trọng ổn định và phát triển đất nước.

Tháng 1/1959, cách mạng Cuba thành công và ngay sau đó, lãnh tụ Fidel Castro tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa (XHCN) của Cách mạng Cuba và kiên định đường lối cách mạng trong suốt 60 năm qua. Ngày 3/10/1965, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Fidel, Đảng Cộng sản Cuba (PCC) được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức cách mạng cùng tồn tại trước đó. PCC là chính đảng cầm quyền duy nhất của giai cấp công nhân và nhân dân Cuba. Đảng được dẫn dắt bởi các tư tưởng của José Martí, các tư tưởng chính trị của Mác, Ăngghen và Lênin; được hiến pháp quy định là “lực lượng lãnh đạo xã hội và đất nước”.

Con đường thực hiện mục tiêu CNXH của Cuba dựa trên hai nguyên tắc trụ cột được lãnh tụ Fidel đề ra: Quyền lãnh đạo chính trị của Đảng Cộng sản và vai trò chủ đạo của Nhà nước trong nền kinh tế.

Năm 1991, sau sự sụp đổ của Liên Xô, Cuba đứng trước những thử thách gay gắt về lý luận con đường đi lên CNXH, sự dao động về chính trị tư tưởng và niềm tin trong nội bộ. Lợi dụng hoàn cảnh đó, các thế lực thù địch thực hiện nhiều thủ đoạn chống phá Cuba cả về chính trị và kinh tế. Chính phủ Cuba kêu gọi các tầng lớp nhân dân siết chặt đoàn kết, tự lực tự cường để nhanh chóng thoát ra khỏi thời kỳ khủng hoảng.

Từ năm 1993 Cuba từng bước điều chỉnh các chính sách kinh tế, đối ngoại phù hợp với tình hình mới. Nhờ tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với các nước Mỹ - Latinh; bình thường hóa quan hệ thương mại với các nước châu Âu; thúc đẩy trao đổi kinh tế với Trung Quốc, Ấn Độ,... kinh tế Cuba đã từng bước phục hồi và dần thoát khỏi kỳ khó khăn. Tháng 10/2004, Cuba tuyên bố chấm dứt Thời kỳ đặc biệt chuyển sang giai đoạn mới tự lực tự cường, chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại trên cơ sở các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp, áp đặt vào sự lựa chọn thể chế chính trị của mỗi nước.

Từ năm 2008 Cuba bắt đầu triển khai tiến trình cải cách “cập nhật hóa” mô hình phát triển nhằm tạo đột phá mới đối với nền kinh tế Cuba. Chủ trương này được chính thức hóa tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (4/2011) và tiếp tục được bổ sung, phát triển tại Đại hội VII, được cụ thể hóa ở các Hội nghị Trung ương. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz Canel Bermudez phát biểu trước Quốc hội khóa IX sau khi nhậm chức khẳng định: “Hiện đại hóa mô hình xã hội và kinh tế nhưng vẫn kiên định giữ vững hệ thống XHCN”, tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH là duy nhất, là mục tiêu lý tưởng của Đảng và nhân dân Cuba.

Sáng tạo lý luận gắn với thực tiễn thúc đẩy cải cách kinh tế - xã hội

Trong quá trình xây dựng và phát triển, PCC luôn coi trọng đổi mới, sáng tạo lý luận, coi đâylà nền tảng căn bản dẫn dắt cách mạng Cuba. Trong các văn kiện của Đảng đều nhấn mạnh, tinh thần kiên định và không ngừng đổi mới, sáng tạo lý luận để xử lý kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra. Văn kiện Đại hội VI (4/2011) của PCC chỉ rõ: “Đảng phải kiên trì vai trò lãnh đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với hình thái ý thức; đồng thời, phải kiên trì sáng tạo lý luận và thực tiễn, tạo nên sức thuyết phục và sức hiệu triệu trong công tác tư tưởng lý luận của Đảng”.

Đại hội VI của PCC đã dựa trên nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, xây dựng thể chế chính sách “cập nhật hóa” các mô hình kinh tế - xã hội như: Mở rộng mô hình kinh tế tự doanh, cung cấp tín dụng cho các lao động tự doanh; cắt giảm lực lượng lao động dôi dư trong khu vực nhà nước; cắt giảm bao cấp, trước mắt cắt bỏ bao cấp đối với một số mặt hàng không thiết yếu; thực hiện chính sách thuế mới và từng bước xóa bỏ chế độ hai đồng tiền... tạo đột phá trong tư duy về con đường đi lên CNXH ở Cuba.

Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất (tháng 1/2012) của PCC đã thông qua Nghị quyết về công tác Đảng với mục tiêu nâng cao năng lực, sức chiến đấu, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng, tăng cường quan hệ mật thiết với các tổ chức nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, giáo điều, chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa cơ hội... Nhiều vấn đề lý luận về các nhiệm vụ kinh tế, chính trị và xã hội trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH từng bước được làm sáng tỏ hơn.

Tại Đại hội lần thứ VII của Đảng (4/2016), những vấn đề đổi mới sáng tạo lý luận tiếp tục được bổ sung, phát triển ở mức độ sâu sắc hơn, gắn nhiều hơn với thực tiễn của đất nước và xu thế phát triển mới của thời đại. Các vấn đề lý luận về mô hình kinh tế - xã hội XHCN; Tầm nhìn quốc gia về các trụ cột và lĩnh vực chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030; về “Đường lối kinh tế và xã hội của Đảng và Cách mạng” được đề ra từ Đại hội VI; về các mục tiêu công tác Đảng do Hội nghị Đảng toàn quốc lần thứ nhất (1/2012) thông qua... được chú trọng làm sáng tỏ, nhất là những nội dung cấp thiết như xóa bỏ bao cấp, tinh giảm biên chế, phát triển kinh tế tự doanh, mở cửa thị trường nội địa, coi trọng hợp tác kinh tế và đầu tư nước ngoài nâng cao hiệu quả lao động, thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh và bền vững.

Các chủ trương đổi mới của Đại hội VII tiếp tục được cụ thể hóa tại Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (tháng 5/2017) và được Quốc hội thông qua gồm 3 văn kiện: Khái niệm hóa Mô hình kinh tế - xã hội Cuba phát triển XHCN; Định hướng Chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và Cách mạng Cuba giai đoạn 2016 - 2021; Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030. Đặc biệt là chương trình sửa đổi Hiến pháp (dự kiến thông qua vào tháng 4/2019) với hàng loạt vấn đề như: Mục tiêu của CNXH, vai trò của thị trường, các hình thức mới về sở hữu tư liệu sản xuất trong đó có sở hữu tư nhân, tầm quan trọng của đầu tư nước ngoài, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; tái khẳng định tính chất XHCN, quyền lãnh đạo cao nhất của Đảng...

Kinh tế - xã hội phát triển tạo thế vững chắc tiếp tục thực hiện con đường đã chọn.

Kiên định con đường đi lên CNXH và kiên trì đổi mới, sáng tạo lý luận, nhất là những vấn đề lý luận trong đường lối “cập nhật hóa” mô hình kinh tế - xã hội  đã giúp Cuba ổn định và phát triển; từng bước giải quyết tốt các vấn đề kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Từ Đại hội VI đến nay, tầng lớp doanh nhân ở Cuba đã xuất hiện, kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển. Nhiều biện pháp khuyến khích kinh tế đã động viên người dân hăng hái tham gia sản xuất, cải thiện năng lực cung ứng hàng hóa; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực. Kinh tế Cuba giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng trung bình 2,8%/năm (năm 2015 đạt 4%) và là nước có thu nhập bình quân đầu người đạt mức khá cao: 20.646 USD/người/năm 2013, xếp hạng 55/185 quốc gia. Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao trong khu vực (0,815 điểm vào năm 2013, xếp hạng 44 thế giới). Chủ trương phát triển kinh tế tự doanh (2), mở rộng đầu tư nước ngoài (3), mở cửa thị trường nội địa đã mang lại những thay đổi đáng kể trong đời sống kinh tế - xã hội Cuba. Du lịch, vận tải và viễn thông, nông nghiệp và xây dựng là những ngành đóng góp lớn vào sự gia tăng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội ở Cuba. Người Cuba luôn chú trọng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người, hướng tới xây dựng nền văn hóa và con người phát triển toàn diện. Cuba không chỉ nổi tiếng thế giới về tinh thần dân tộc, ý chí kiên cường trong đấu tranh giành độc lập, sự bền bỉ vượt khó đi lên từ đổ nát và cấm vận trong thời bình mà còn nổi tiếng về sự phấn đấu vì những quyền cơ bản của con người: "quyền có nhà ở, quyền được đi học, quyền được chăm sóc y tế miễn phí và quyền được lao động".

Cuba có nền giáo dục rất phát triển, tỷ lệ giáo dục luôn đứng đầu các quốc gia trong khu vực Mỹ - Latinh. Giáo dục Cuba đề cao cả về chính trị và ý thức hệ, xây dựng niềm tin vào mục tiêu do Đảng và Chính phủ đề ra. Giáo dục phát triển góp phần giúp Cuba có chỉ số về phát triển con người cao, xuất khẩu chất xám mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn với khoảng 10-11 tỷ USD/năm. Cuba hiện có hơn 80.000 chuyên gia, trong đó khoảng hơn 50.000 là các chuyên gia y tế đang làm việc tại hơn 60 quốc gia trên thế giới.

Về y tế người dân Cuba được khám, chữa bệnh miễn phí và được dùng những loại thuốc tốt nhất. Cuba là quốc gia đầu tiên chế được vắc xin phòng, chống bệnh ung thư và nhiều loại thuốc đặc biệt khác có tác dụng cao trong phòng và chữa bệnh; là quốc gia đầu tiên thành công trong việc ngăn chặn vi rút HIV truyền từ mẹ sang con (năm 2015)... Tuổi thọ bình quân của người Cuba ngày càng cao, hiện là 80 tuổi (xếp thứ 32 thế giới).

Nhờ sửa đổi một số chính sách, du lịch Cuba cũng phát triển mạnh, mỗi năm tạo nguồn thu ngoại tệ 2,5-3 tỷ USD. Trong 10 năm qua, Cuba đã tăng gấp ba thị phần du lịch tại Caribe thông qua các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng và cải thiện một số chính sách về kinh tế. Số lượng khách du lịch hàng năm thường xuyên đạt kỷ lục mới với mức tăng trung bình gần 20% mỗi năm; năm 2018 đạt mốc 5 triệu lượt khách. “Du lịch y tế” là một loại hình du lịch khá độc đáo gắn với phát triển các bệnh viện đặc biệt, điều trị riêng cho người nước ngoài. Đây cũng là một trong những nguồn thu nhập quan trọng cho đất nước với mức thu mỗi năm khoảng 2,5 tỷ USD...

Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng đa số đa số người dân Cuba tin rằng đây là bước phát triển tốt đẹp của của đất nước. Những chính sách và thành quả kinh tế - xã hội nổi bật đã đạt được sẽ là nền tảng vững chắc để Đảng và Nhà nước Cuba kế thừa, tiếp tục tiến trình hiện đại hóa, đưa đất nước tiếp tục phát triển ổn định, bền vững./.

Phương Vinh

Chú thích:

(1) Cuba đã cấp phép cho 580.000 doanh nghiệp tư nhân, tăng gấp 5 lần kể từ năm 2010. Tổng cộng, khu vực tư nhân hiện đang sử dụng 29% lực lượng lao động. Internet đã được cải thiện đáng kể.

(2) Năm 2014, Cuba bắt đầu giới thiệu cho các doanh nghiệp nước ngoài một loạt lĩnh vực ưu tiên thu hút vốn đầu tư và được cập nhật hàng năm. Cuba đã giới thiệu khoảng 456 dự án có trị giá vượt 10,7 tỷ USD. Đến nay đã có khoảng 100 dự án được cấp phép với trị giá đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Cuba đang tích cực cải thiện các chính sách theo hướng thông thoáng hơn, tạo môi trường thuận lợi trong lĩnh vực này.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất