Tài nguyên biển đảo Việt Nam: Tiềm năng và lợi thế
Biển Gành Dầu (Phú Quốc) nắng ấm quanh năm, không khí trong lành với nhiều cảnh quan đẹp (Ảnh: Thanh Bùi) 

Với bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam, tỷ lệ khoảng 100km2 đất liền/1km bờ biển (mức trung bình trên thế giới 600 km2 đất liền/1km bờ biển); hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa..., các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền).

Trên vùng biển Việt Nam đã phát hiện khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau; phát hiện khoảng 1.300 loài trên các hải đảo. Đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái đã cung cấp nguồn lợi hải sản to lớn cho nền kinh tế. Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản khai thác của cả nước đạt trên 7,74 triệu tấn; trong 6 tháng đầu năm 2019, con số này đã đạt 3,77 triệu tấn.

Biển Việt Nam có khoảng 35 loại hình khoáng sản với trữ lượng khai thác khác nhau. Trong đó dầu khí là tài nguyên lớn nhất ở thềm lục địa, có tầm chiến lược quan trọng. Ngành dầu khí Việt Nam đã đạt mốc khai thác 100 triệu tấn dầu thô năm 2011; mốc 200 triệu tấn dầu thô năm 2012. Năm 2013, xuất khẩu dầu thô đạt 300 triệu tấn.

Biển Việt Nam còn có tiềm năng băng cháy-loại hình tài nguyên mới của thế giới; vùng ven biển còn chứa đựng tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng như titan, zircon, thiếc, vàng, sắt, mangan, thạch cao, đất hiếm…

Với 125 bãi biển lớn nhỏ, nắng ấm quanh năm, không khí trong lành với nhiều cảnh quan đẹp... là điều kiện lý tưởng để xây dựng các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp. Bãi biển Đà Nẵng được tạp chí Forbes bầu chọn là 1 trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh.

Việt Nam cũng là 1 trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới là Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang. Bên cạnh đó, đảo và vùng ven biển tập trung nhiều di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều di tích văn hóa-lịch sử; các lễ hội dân gian của cư dân miền biển; tín ngưỡng, phong tục tập quán liên quan đến biển…

Với lợi thế này, ngành du lịch biển Việt Nam hàng năm thu hút khoảng 15 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu khách quốc tế, đạt tốc độ tăng bình quân 13%/năm.

Một lợi thế quan trọng khác là vùng biển Việt Nam thuộc Biển Đông - một trong những con đường giao thương hàng hải quốc tế nhộn nhịp nhất trên thế giới, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bờ biển mở ra cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam nên rất thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế và hội nhập kinh tế biển.

Theo báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, bờ biển nước ta có 10 điểm có thể xây dựng cảng biển nước sâu và nhiều điểm cảng trung bình với tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 50 triệu tấn/năm. Đến nay Việt Nam đã ký hiệp định hàng hải thương mại với 26 quốc gia. Việt Nam đã phát triển được 30 cảng biển với 166 bến cảng, 350 cầu cảng với tổng chiều dài khoảng 45.000m; xây dựng 18 khu kinh tế ven biển… Mặt khác, vùng biển rộng lớn với nhiều đảo cũng là không gian trọng yếu để bảo đảm an ninh-quốc phòng.

Biển đảo là điều kiện đặc biệt cần thiết để Việt Nam phát triển ngành kinh tế mũi nhọn thuỷ sản (Ảnh: Thanh Bùi)

Từ bao đời nay biển đảo không những cung cấp nguồn lợi cho cư dân trong nước, mà còn là điều kiện đặc biệt cần thiết để Việt Nam phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như: thuỷ sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tầu, du lịch... Hiện tại, kinh tế biển và vùng ven biển có vai trò vô cùng quan trọng, đóng góp khoảng 50% GDP cả nước.

Việc khai thác, bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo ngày càng được chú trọng tuyên truyền những kiến thức pháp luật cho người dân để thuận lợi trong khai thác và góp phần vào việc bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 có những nội dung cụ thể như sau:

1. Tài nguyên biển và hải đảo

Theo Điều 3, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định: Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

2. Những hành vi bị nghiêm cấm

Theo Điều 8, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định những hành vi sau bị nghiêm cấm

- Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo trái quy định của pháp luật.

- Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công bố.

- Lợi dụng việc điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

- Thực hiện các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển quy định tại Điều 24 của Luật và trên quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 41 của Luật.

- Hủy hoại, làm suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo.

- Nhận chìm vật, chất ở vùng biển Việt Nam mà không có giấy phép, trái quy định của pháp luật.

- Cung cấp, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo không đúng quy định của pháp luật.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

 Tàu cá ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Ảnh: Thanh Bùi)

3. Khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo

Theo Điều 41 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định việc khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo như sau:

- Việc khai thác, sử dụng tài nguyên đối với quần đảo, đảo được thực hiện như đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên trên đất liền theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

- Đối với quần đảo, đảo phải bảo vệ, bảo tồn, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này, nghiêm cấm các hoạt động sau đây:

+ Xây dựng mới công trình xây dựng; lắp đặt thiết bị;

+ Tác động làm thay đổi địa hình, địa mạo, chất lượng đất;

+ Khai thác, đào đắp, cải tạo đất, đá; khai thác khoáng sản, nước ngầm; mang những thành tạo tự nhiên ra khỏi quần đảo, đảo;

+ Khai hoang, chặt cây, xâm hại thảm thực vật; mang thực vật hoang dã ra khỏi quần đảo, đảo;

+ Săn bắt, mang động vật ra khỏi quần đảo, đảo; chăn thả gia súc, đưa sinh vật ngoại lai lên quần đảo, đảo;

+ Thải hoặc đưa chất thải lên quần đảo, đảo.

- Việc khai thác, sử dụng tài nguyên đối với bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Đối với bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 41 của Luật, nghiêm cấm các hoạt động sau đây:

+ Xây dựng mới công trình xây dựng; lắp đặt thiết bị;

+ Tác động làm thay đổi địa hình, địa mạo;

+ Khai hoang, khai thác, đào đắp, cải tạo đất, đá; khai thác khoáng sản; mang những thành tạo tự nhiên ra khỏi bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm;

+ Thải hoặc đưa chất thải lên bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm.

- Các hoạt động quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 41 được phép thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh của Nhà nước Việt Nam; thực hiện công tác quản lý nhà nước;

- Phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, điều tra, khảo sát, đánh giá về các điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; thực hiện chương trình, đề án, dự án của Nhà nước;

- Phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn;

- Các trường hợp khác được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận./.

Thanh Bùi

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất