Vượt thách thức, bứt tốc tăng trưởng kinh tế cuối năm
(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: Tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35 điểm %; quý IV giảm 0,22 điểm % so với kịch bản không có bão số 3. Ứớc cả năm, tăng trưởng GDP có thể giảm 0,15 điểm % so với kịch bản tăng trưởng 6,8-7%. Đặc biệt, cơn bão số 3 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều địa phương vốn là các động lực tăng trưởng của cả nước. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5 điểm %.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, so với kịch bản tăng trưởng GRDP ước tính lần 1 cho địa phương tại thời điểm tháng 7/2024, suy giảm tăng trưởng cả năm của Hà Nội là 0,2 điểm %; Hải Phòng là 0,63 điểm %, Quảng Ninh là 0,65 điểm %, Cao Bằng là 0,51 điểm %, Lào Cai là 0,63 điểm %, Tuyên Quang là 0,5 điểm %, Yên Bái là 0,53 điểm %, Thái Nguyên là 0,59 điểm %.

Quảng Ninh là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bão số 3. Theo báo cáo, ước tính thiệt hại của tỉnh này lên tới 24.876 tỷ đồng. Mặc dù hiện tại, ở tỉnh này các hoạt động sản xuất kinh doanh đã được khôi phục trở lại, một số cơ sở lưu trú, du lịch cũng đã mở cửa trở lại nhưng theo ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh đang rà soát, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024 đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Sau 5 ngày khi bão đi qua, Quảng Ninh đã đón khách du lịch trở lại.

Không chỉ ở Quảng Ninh, bão số 3 cũng đã gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp ở các địa phương và thời gian phục hồi dự kiến sẽ dài hơn so với các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ Chính phủ và các chính sách khôi phục kinh tế, Việt Nam có thể kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ trong các tháng cuối năm.

Ông Vũ Đức Hảo, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: Ngành nông nghiệp hướng dẫn các địa phương trong tỉnh tập trung bơm thoát, tiêu úng không để ngập kéo dài, gây thiệt hại. Với diện tích lúa giai đoạn trỗ - chín sữa - chín sáp, sau khi tháo cạn nước trong ruộng, người dân dựng lúa bằng cách túm 3 - 4 gốc lúa bằng dây thành hình chân kiềng để cho cây đứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa chắc và chín.

Đối với hoạt động ngân hàng, để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại công văn số 7417/NHNN-TD ngày 9/9/2024, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh Quảng Ninh đã có công văn số 785/QUN1, ngày 10/9/2024 đề nghị các tổ chức tín dụng chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng thiệt hại do bão số 3.

Bên cạnh đó, chi nhánh tổ chức tín dụng xem xét miễn giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành; thực hiện xử lý nợ xử lý rủi ro theo các quy định hiện hành đối với khách hàng thiệt hại nặng mất khả năng chi trả.

Cùng với việc chia sẻ thiệt hại, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã ổn định sản xuất, kinh doanh cũng như đề xuất Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng hỗ trợ. Ông Jung Hyeok, Tổng giám đốc Công ty LS Metal Vina đại diện cho nhóm doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Deep C đề xuất, một phần tiền lương của người lao động do ngừng sản xuất cần được bảo hiểm xã hội chi trả và điều này sẽ giúp các công ty giữ chân người lao động, giảm bớt gánh nặng tài chính…

Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ phạm vi, đối tượng hỗ trợ là người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất. Thời gian hỗ trợ chủ yếu trong tháng 9 và tháng 10/2024. Một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh.

Trước những động thái kịp thời của Chính phủ cũng như sự nhanh chóng triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất của người dân, doanh nghiệp, Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu quý IV/2024 của Ngân hàng UOB vừa công bố cũng đưa ra những dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên, vẫn còn những nghi ngờ về tính bền vững của mức tăng trưởng này trong bối cảnh toàn cầu.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực xuất khẩu. Khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại, khả năng Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao sẽ gặp thách thức. Việc duy trì mức độ tăng trưởng ổn định cũng đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải cách cơ cấu kinh tế, đặc biệt là nâng cao năng suất lao động và cải thiện môi trường kinh doanh. Chính phủ tiếp tục thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng.

Dự báo của UOB về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2024-2025 là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Với các chính sách điều hành linh hoạt, sự ổn định trong lạm phát và khả năng thu hút FDI mạnh mẽ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, vượt qua các thách thức toàn cầu và khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế thế giới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất