(TTĐN) - Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ, ngày 5/10 (giờ địa phương) tại Paris (Pháp), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tham dự các phiên họp chính thức và có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp “Vì một chủ nghĩa đa phương đổi mới” của hội nghị. Trang Thông tin đối ngoại điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự và phát biểu tại phiên họp “Vì một chủ nghĩa đa phương đổi mới”. (Ảnh: TTXVN)
|
Thưa Ngài Chủ tịch,
Thưa các Quý vị,
Thời gian gần đây, đã có không ít hoài nghi về vai trò của các khuôn khổ đa phương, nhất là khi chúng ta chứng kiến ngày càng thường xuyên những biểu hiện của sự phân tách, chia rẽ, thậm chí đối đầu, đã và đang cản trở hiệu quả hoạt động của nhiều thể chế đa phương.
Tuy vậy, cũng chính trong khó khăn, chủ nghĩa đa phương lại thể hiện rõ vai trò không thể thay thế. Các thể chế đa phương, với nền tảng là luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tạo khuôn khổ để thúc đẩy hợp tác, phối hợp hành động trong ứng phó với các thách thức chung như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, tội phạm mạng… Các cơ chế đa phương cũng có thể đi đầu trong việc xây dựng các khuôn khổ pháp lý, các khung quản trị toàn cầu về các vấn đề mới nổi, giúp các quốc gia tận dụng được những cơ hội lịch sử đang có được từ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ. Cách đây 10 ngày, tại Hội nghị Thượng đỉnh tương lai, chúng ta đã thông qua những văn kiện quan trọng, mang tính định hướng cho tương lai hợp tác toàn cầu. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh của chủ nghĩa đa phương.
Với niềm tin mạnh mẽ vào chủ nghĩa đa phương, chúng tôi muốn chia sẻ tầm nhìn sau:
Thứ nhất, chủ nghĩa đa phương cần gắn liền với các tiến trình chuyển đổi lớn, nhất là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Không gian Pháp ngữ cũng cần thích ứng với xu hướng này, hỗ trợ các thành viên nâng cao năng lực về công nghệ, phát triển năng lượng sạch và thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Khoa học, công nghệ là chìa khóa để cộng đồng Pháp ngữ có thể tạo nên những đột phá trong tương lai.
Thứ hai, đây là thời điểm các thể chế đa phương, trong đó có Pháp ngữ, cần đẩy mạnh cải tổ để có thể ứng phó với những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và không gian Pháp ngữ. Tôi mong muốn Pháp ngữ sẽ đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung hơn vào ưu tiên của các thành viên, nhất là về hợp tác kinh tế và phối hợp triển khai các văn kiện của Hội nghị Thượng đỉnh tương lai.
Thứ ba, chủ nghĩa đa phương chỉ có thể thành công nếu bảo đảm được tính bao trùm, toàn diện, lấy người dân làm trung tâm, đặc biệt là thế hệ trẻ. Vì vậy, tôi ủng hộ việc Pháp ngữ tiếp tục thúc đẩy các chương trình giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa, giáo dục thông qua tiếng Pháp. Điều này không chỉ giúp chúng ta duy trì được một ngôn ngữ đẹp gắn kết các thành viên Pháp ngữ, mà còn giúp lan tỏa các kết quả hợp tác Pháp ngữ đến với mọi người dân.
Việt Nam tin rằng một chủ nghĩa đa phương đổi mới phải hướng đến tương lai hoà bình, thịnh vượng và bền vững với mọi quốc gia và người dân. Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung nhằm hiện thực hóa những mục tiêu này.
Xin cảm ơn!
Nguồn: baotintuc.vn