|
Toàn cảnh buổi phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan.
|
Đại học Chulalongkorn - một trong những trường đại học danh tiếng và lâu đời nhất tại Thái Lan, có bề dày truyền thống hơn 100 năm, nơi "ươm mầm" cho rất nhiều thế hệ tài năng của Thái Lan và nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng dự sự kiện có: Phó Chủ tịch thứ nhất Hạ viện Thái Lan Padipat Suntiphada, các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam; Hiệu trưởng Đại học Chulalongkorn Bundhit Eua-Aporn cùng khoảng 300 đại biểu là các học giả, chuyên gia, sinh viên và các cơ quan thông tấn truyền thông của Thái Lan.
Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với chủ đề: "Tăng cường sự gắn bó, tin cậy và quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan vì một tương lai chung hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững".
"Thưa Ngài Padipat Suntiphada, Phó Chủ tịch thứ nhất Hạ viện Thái Lan,
Thưa ông Bundhit Eua-Aporn, Hiệu trưởng Đại học Chulalongkorn,
Thưa Quý vị và các bạn,
Tôi vui mừng tới thăm và phát biểu tại Đại học Chulalongkorn, một trong những đại học danh tiếng và lâu đời nhất tại Thái Lan, với bề dày truyền thống hơn 100 năm, nơi "ươm mầm" cho rất nhiều thế hệ tài năng của Thái Lan và nhiều quốc gia trên thế giới.
Đặt chân đến Thái Lan - xứ sở chùa vàng, đất nước của những nụ cười, một cường quốc du lịch hàng đầu thế giới, chúng tôi cảm nhận được sức sống mạnh mẽ của một đất nước có nền kinh tế phát triển năng động, song vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và cốt cách ung dung, tự tại của người dân, nổi bật với phong cách Thainess (chỉ người dân Thái mới có), Xa-bai Xa-nục (phải luôn sống vui vẻ), Chai Dên (bình tĩnh để duy trì hình ảnh bản thân).
Hình ảnh Thái Lan từ lâu đã trở nên gần gũi với người dân Việt Nam. Hàng triệu khán giả Việt Nam đã say mê theo dõi bộ phim "Ngược dòng thời gian để yêu anh", để rồi sau đó, lên đường đi thăm cố đô Ayutthaya. Ẩm thực Thái Lan như pạt Thái, Tom Yum Kung là những món ăn hấp dẫn với người dân Việt Nam. Các chuỗi siêu thị của Thái Lan, như Big C, Mega Market, B’mart đã trở thành những điểm mua sắm quen thuộc của nhiều gia đình Việt Nam. Hình ảnh huấn luyện viên bóng đá Kiatisuk Senamuang; những võ sỹ Muay Thái người Việt giành nhiều huy chương vàng tại các đấu trường quốc tế như Nguyễn Trần Duy Nhất, Bùi Yến Ly, đã gần gũi với người dân yêu thể thao của cả hai nước.
Việt Nam và Thái Lan là hai nước láng giềng gắn bó lâu đời, cùng chia sẻ dòng nước Mekong và nhiều nét tương đồng về văn hóa, lịch sử và tôn giáo... Hai nước cùng có chung nền văn minh lúa nước mà tiêu biểu là Lễ hội cày ruộng ở Thái Lan và Lễ Tịch điền ở Việt Nam, cầu mong cho một mùa màng bội thu. Tín ngưỡng Phật giáo thịnh hành hơn 2.000 năm qua ở cả Việt Nam và Thái Lan đã tạo nên những con người vị tha, giàu lòng yêu thương đồng loại, hướng thiện và yêu chuộng hòa bình. Hai nước chúng ta cũng là ngôi nhà chung của nhiều dân tộc. Trong số khoảng 70 dân tộc tại Thái Lan và 54 dân tộc anh em tại Việt Nam, có những dân tộc sinh sống tại cả hai quốc gia như H’mông, Khơ mú, Dao, Lô Lô…
Thái Lan và các địa danh như Nakhon Phanom, Udon Thani, Phichit cũng đã ghi lại một phần dấu ấn trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Thái Lan là nước Đông Nam Á duy nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm điểm dừng chân trên con đường từ nước ngoài trở về gây dựng sự nghiệp cách mạng Việt Nam trước năm 1930. Trong hai năm sinh sống tại Thái Lan (1928 - 1929), "Thầu Chín" - bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiếng Thái - không chỉ để lại những tình cảm sâu sắc trong cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan mà còn nhận được sự yêu quý, ngưỡng mộ của nhiều người dân Thái Lan. Đây chính là nền móng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa nhân dân hai nước. Ngày nay, ba khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các địa phương này đã trở thành những biểu tượng vô giá của tình hữu nghị Việt Nam - Thái Lan.
Những điểm tương đồng mà hai nước sẻ chia, cùng khát vọng chung về hòa bình, độc lập, tự cường là chất keo tự nhiên gắn kết hai dân tộc chúng ta, là nền tảng bền vững cho mối quan hệ hai nước không ngừng phát triển.
Thưa Quý vị và các bạn,
Cộng đồng quốc tế đang đứng trước một thời khắc quan trọng, liên quan đến vấn đề sống còn đối với vận mệnh của cả nhân loại: đó là chiến tranh và hòa bình.
Chúng ta đang chứng kiến vòng xoáy xung đột và bạo lực leo thang ở nhiều khu vực trên thế giới, từ Tây Phi cho đến Kavkaz, Đông Âu, Trung Đông, gần đây nhất là ở Dải Gaza, vẫn gây ra nhiều đau thương không kể xiết đối với người dân, cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người dân vô tội. Nguy cơ xung đột ngày càng lớn khi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cường quyền, dân tộc vị kỷ, đang đe dọa luật pháp quốc tế và xói mòn tính hiệu quả của các thể chế đa phương, thúc đẩy chạy đua vũ trang ở nhiều nơi trên thế giới. Chính vì thế, giữ vững hòa bình, đẩy lùi và ngăn ngừa chiến tranh, xung đột trở thành đòi hỏi cấp bách, như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định: "Thế giới cần hòa bình hơn bao giờ hết". Hòa bình, ổn định là nền tảng cho phát triển bền vững.
Đồng thời, những thách thức an ninh phi truyền thống đang làm trầm trọng thêm những bất ổn toàn cầu, đe dọa các thành tựu phát triển của cả nhân loại trong nhiều thập kỷ. Vẫn còn hơn 1 tỷ người trên thế giới sống trong cảnh đói nghèo. Toàn cầu hóa, liên kết kinh tế tiếp tục tiến triển nhưng chủ nghĩa dân túy, xu hướng bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh của kinh tế thế giới ngày càng rõ nét… Khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, nhưng vẫn chưa thể có phương cách ứng phó thật hiệu quả với dịch bệnh, thiên tai và các hệ lụy của biến đổi khí hậu.
Thưa Quý vị và các bạn,
Là một đất nước chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh, Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình và luôn nỗ lực đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột. Với tinh thần đó, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả. Với các nước láng giềng, khu vực, các đối tác, bạn bè truyền thống, Việt Nam trước sau như một mong muốn "là bạn, đối tác tin cậy và có trách nhiệm", không ngừng củng cố quan hệ tin cậy, hợp tác cùng có lợi. Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng tương lai của đất nước chúng tôi gắn liền với hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và toàn thế giới.
Để có nền hòa bình lâu dài và bền vững, tất cả các nước, trong đó có Việt Nam và Thái Lan cùng các nước thành viên ASEAN, đều có trách nhiệm đóng góp vào việc thúc đẩy đối thoại, hợp tác; tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, trong đó có việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực. Bất kỳ hành động hiếu chiến nào cũng phải bị lên án. Bất cứ nỗ lực thúc đẩy đối thoại, ngăn ngừa xung đột nào cũng phải được trân trọng. Đây là vấn đề sống còn của ngày hôm nay, đồng thời là trách nhiệm của chúng ta với các thế hệ mai sau.
Thưa Quý vị và các bạn,
Cùng nằm ở vị trí kết nối hai đại dương Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Việt Nam và Thái Lan chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, với ASEAN đóng vai trò trung tâm.
Quá trình chuyển dịch trọng tâm quyền lực thế giới từ Tây sang Đông được đẩy nhanh trong những thập kỷ qua đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò địa - chiến lược quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với tư cách là một trung tâm chính trị, kinh tế của thế giới và động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Khu vực này chiếm hơn 60% GDP toàn cầu; tập trung 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới; là "vườn ươm" của hàng chục cơ chế hợp tác, sáng kiến liên kết trong nhiều lĩnh vực, mở ra cơ hội phát triển to lớn cho tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực. Với tiềm năng phát triển lớn lao và sự giao thoa lợi ích chiến lược của các nước lớn tại đây, có thể nói, chưa bao giờ tương lai của thế giới lại gắn liền châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương như hiện nay.
Nhưng cũng chưa bao giờ ở châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương lại xuất hiện nhiều thách thức đa chiều, phức tạp, nổi lên cùng một thời điểm như bây giờ. Các tranh chấp lãnh thổ, điểm nóng ở khu vực vẫn diễn biến phức tạp; các nguy cơ đối với an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở nhiều vùng biển của khu vực vẫn chưa được bảo đảm. Đồng thời, cạnh tranh chiến lược nước lớn, nguy cơ đối đầu và chia rẽ xuất phát từ sự nghi kỵ, thiếu hụt lòng tin giữa các nước lớn đang trở thành mối đe dọa hàng đầu đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Đây cũng là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực...
Đứng trước những thách thức đa chiều đó, không một quốc gia nào dù hùng mạnh đến mấy có thể tự mình giải quyết được. Giải pháp duy nhất là tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế; thúc đẩy tất cả các nước, nhất là các nước lớn, đóng góp có trách nhiệm vào bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác và ổn định của khu vực; cùng nhau phát huy vai trò và hiệu quả của các cơ chế hợp tác khu vực trong việc gìn giữ hòa bình và ứng phó với các thách thức chung.
Trong một khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đang chuyển mình mạnh mẽ, ASEAN tiếp tục khẳng định là hình mẫu thành công của hợp tác khu vực và đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì hòa bình, ổn định, ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong khu vực.
Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN có thể khẳng định, khả năng thích ứng và tự điều chỉnh linh hoạt chính là nền tảng cho sức sống bền vững của Cộng đồng ASEAN trong môi trường an ninh đầy biến động. Thành công của ASEAN và các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt còn là minh chứng sinh động cho tính hiệu quả của "phương cách ASEAN", giá trị của tinh thần hợp tác cùng có lợi và năng lực điều hòa và cân bằng các mối quan hệ và lợi ích để duy trì vị thế chiến lược trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Việt Nam đánh giá cao vai trò, đóng góp của Thái Lan trong quá trình hình thành và phát triển của ASEAN. Về phần mình, Việt Nam rất tự hào trở thành gạch nối giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, góp phần thúc đẩy tiến trình trình nhất thể hóa khu vực. Hai nước chúng ta cùng các nước ASEAN chia sẻ lợi ích chiến lược trong đề cao đối thoại, hợp tác, các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, củng cố vai trò trung tâm và gắn kết, liên kết của ASEAN.
Trong bối cảnh mới, xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết, gắn kết và tự cường, có vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, có quan hệ tốt với các đối tác ngoài khu vực, là một định hướng ưu tiên của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan. Cùng với các nước thành viên ASEAN khác, hai nước chúng ta cần phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau và hỗ trợ các nước thành viên kém phát triển hơn trong ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển, hoàn tất thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN 2025; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác ASEAN và các chiến lược, sáng kiến về hội nhập, kết nối, các thỏa thuận tự do thương mại. Trước những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, chúng ta cần kiên trì thúc đẩy đối thoại, củng cố lòng tin, giải quyết hòa bình các bất đồng, tranh chấp, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, đàm phán Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Để kiến tạo không gian phát triển mới cho ASEAN, cần tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ với các đối tác; tăng cường liên kết, kết nối sâu rộng hơn. Và quan trọng hơn là tích cực góp phần xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045 trên tinh thần "lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu và động lực", trong đó có việc củng cố đoàn kết, gắn kết và bản lĩnh vững vàng của ASEAN. Trước mắt, cần tận dụng hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong các lĩnh vực an ninh và phát triển, vừa nâng cao khả năng thích ứng, vừa bảo đảm tính độc lập, tự cường của Cộng đồng trước những "giông bão" của thời đại.
Cùng với đó, Việt Nam sẽ cùng Thái Lan và các nước tiểu vùng Mekong và các đối tác Mekong thúc đẩy hợp tác và nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác tiểu vùng, trong đó có các cơ chế hợp tác Mekong và Mekong với các đối tác, đặc biệt là hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và Khuôn khổ Ayeyawadi - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), hướng tới quản lý và sử dụng công bằng, bền vững nguồn nước và các tài nguyên liên quan sông Mekong để ứng phó hiệu quả với các thách thức và biến động trong lưu vực và xây dựng tiểu vùng đoàn kết, kết nối và phát triển thịnh vượng.
Thưa Quý vị và các bạn,
Qua gần nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao (1976 - 2023), đặc biệt từ đầu những năm 1990, quan hệ Việt Nam và Thái Lan phát triển ngày càng vững mạnh, bền chặt. Mốc son nổi bật là chuyến thăm chính thức Thái Lan đầu tiên của Tổng Bí thư Đỗ Mười (tháng 10/1993) và sự ra đời của Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Thái Lan (tháng 2/2004). Cũng trong giai đoạn này, chúng ta đã hiện thực hóa mong muốn chung như lời của cố Thủ tướng Thái Lan Chatichai Choonhavan năm 1989 là "Biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường". Đây là đóng góp hết sức to lớn của hai nước chúng ta vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực giai đoạn đó.
Ngày nay, quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Thái Lan ngày càng gần gũi, tin cậy; phát triển toàn diện, mạnh mẽ, thực chất trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào việc tạo dựng một tương lai chung hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. Chính sự gắn kết về lợi ích và những điểm tương đồng về tư duy chiến lược là động lực quan trọng để Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên trong ASEAN thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam vào ngày 26/6/2013 nhân dịp chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mở ra giai đoạn phát triển mới, toàn diện và sâu sắc hơn cho hợp tác giữa hai nước. Thái Lan cũng là quốc gia duy nhất Việt Nam có cơ chế họp "Nội các chung". Tại cuộc họp Nội các chung tháng 7/2015, hai bên nhất trí hướng tới quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường.
Các chuyến thăm, trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp được triển khai toàn diện, đồng bộ trên các kênh Đảng, Nhà nước, Nghị viện và giữa nhân dân hai nước. Quan hệ quốc phòng, an ninh được tăng cường, góp phần củng cố tin cậy chính trị. Các cơ chế hợp tác song phương được duy trì thường xuyên, hiệu quả. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đạt những kết quả vượt bậc, ngày càng gắn kết và mở rộng sang các lĩnh vực mới, như kinh tế số, kinh tế xanh, năng lượng sạch… Sau 10 năm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược, kim ngạch thương mại song phương tăng gần 230% (từ 9,4 tỷ USD năm 2013 lên 21,6 tỷ USD năm 2022).
Hiện trong ASEAN, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư lớn thứ 2 của Việt Nam (tổng vốn đăng ký đạt gần 14 tỷ USD). Các nhà đầu tư lớn của Thái Lan đã hiện diện và thành công tại hầu hết tất cả các tỉnh, thành của Việt Nam. Hợp tác về văn hóa, du lịch, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân… phát triển mạnh mẽ, góp phần tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Trao đổi du lịch giữa hai nước ngày càng sôi động (trước đại dịch COVID-19, có 510.000 lượt khách Thái Lan đến Việt Nam trong cả năm 2019; tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2023, có hơn 826.000 lượt khách Việt Nam đến Thái Lan và hơn 391.000 khách Thái Lan đến Việt Nam). Cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan, với hơn 100.000 người, được Chính phủ Thái Lan ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại, đóng góp tích cực vào phát triển của Thái Lan và là cầu nối quan trọng, gắn kết nhân dân hai nước. Trong dịp này, tôi sẽ đến thăm tỉnh Udon Thani, nơi có cộng đồng lớn người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, và cũng là nơi “Phố Việt Nam” đầu tiên trên thế giới được một nước sở tại chính thức công nhận.
Thưa Quý vị và các bạn,
Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa sự gắn bó, tin cậy và quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Thái Lan. Phát huy những thành tựu hợp tác to lớn của gần 50 năm qua, đã đến lúc chúng ta cùng nỗ lực hướng tới nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện trong tương lai gần. Điều này sẽ tạo động lực mới cho quan hệ song phương, tăng cường sự tin cậy, gắn kết và phối hợp giữa hai nước nhằm ứng phó với các thách thức của thời đại, mang lại những lợi ích thiết thực, cụ thể cho nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Một mối quan hệ ở tầm cao mới như vậy cũng góp phần định hình một cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó nhu cầu và lợi ích của các nước đang phát triển được bảo đảm; có triển vọng là hình mẫu cho việc ứng phó hiệu quả với các thách thức và tận dụng cơ hội của thời đại, góp phần nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của cả hai nước.
Để phát triển sâu sắc và toàn diện hơn nữa nội hàm quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, tôi đề xuất 5 hướng lớn sau:
Một là, tăng cường tin cậy chính trị và hợp tác an ninh, quốc phòng. Cần thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả trên tất cả các kênh: Đảng, Nhà nước, Nghị viện và giữa người dân với người dân. Phát huy hiệu quả các cơ chế, thỏa thuận hợp tác hiện có, đặc biệt là họp Nội các chung; thiết lập các cơ chế hợp tác mới trên cơ sở phát huy các thế mạnh, lợi thế của cả hai nước, tăng cường tính bổ trợ lẫn nhau. Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; tăng cường hợp tác xử lý tội phạm xuyên quốc gia, ma túy, buôn lậu, khủng bố…; không cho phép các thế lực thù địch sử dụng lãnh thổ nước này chống phá nước kia.
Hai là, chúng ta đứng trước cơ hội to lớn, đưa hợp tác kinh tế Việt Nam – Thái Lan sang giai đoạn phát triển mới, với tầm mức mới và tư duy mới, trong đó hai nước chúng ta đoàn kết hơn, gắn bó hơn và sáng tạo hơn với phương châm “tin cậy, trách nhiệm, chân thành, hợp tác cùng thắng, cùng có lợi và cùng tiến”. Một mặt, hai nước tiếp tục hợp tác, hỗ trợ và bổ sung cho nhau, khắc phục những điểm bất lợi, tăng cường năng lực, sức mạnh mỗi nước. Đồng thời, chúng ta phát huy các thế mạnh tương đồng của hai nền kinh tế, tạo nên sức mạnh cộng hưởng, tạo nên những giá trị và thương hiệu mạnh, nâng cao vị thế của hai nước trên thương trường thế giới, đem lại lợi ích thiết thực cho các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân của cả hai nước.
Ba là, tăng cường gắn kết kinh tế sâu rộng và triển khai hiệu quả Chiến lược “Ba kết nối”. Tranh thủ, tận dụng hiệu quả xu hướng chuyển dịch của các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu để tăng cường kết nối các chuỗi cung ứng; làm mới các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác hình thành các chuỗi cung ứng mới có tính chiến lược và giá trị gia tăng cao trong những lĩnh vực hai bên có tiềm năng, trong đó có nông nghiệp, hướng tới trở thành nhân tố quan trọng bảo đảm an ninh lương thực ở tầm toàn cầu.
Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 25 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn; mở rộng đầu tư giữa hai nước. Đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế trên cơ sở "cùng có lợi, cùng thắng", nhất là kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các địa phương hai nước, gồm cả các tỉnh miền Trung Việt Nam với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan; kết nối hạ tầng đường bộ, đường thủy, tiếp tục phát triển Hành lang Kinh tế Đông - Tây và Hành lang Kinh tế phía Nam; mở thêm các tuyến đường bay giữa hai nước. Cần phối hợp triển khai hiệu quả Chiến lược Tăng trưởng Xanh đến năm 2030 của Việt Nam và Mô hình Kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh của Thái Lan, trong đó có các lĩnh vực chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, năng lượng xanh…, nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng và đóng góp thiết thực vào các vấn đề cấp bách của thời đại.
Bốn là, đẩy mạnh hợp tác du lịch, văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân. Phát huy giá trị các khu di tích Bác Hồ tại Thái Lan như những biểu tượng của quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Tăng cường kết nối du lịch theo khuôn khổ "hai quốc gia, một điểm đến" nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh du lịch của cả hai nước. Phát huy hiệu quả và mở rộng các lĩnh vực hợp tác của 19 cặp tỉnh, thành phố kết nghĩa giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy hình thành các cặp địa phương kết nghĩa mới. Phát huy vai trò tích cực của cộng đồng người Việt tại Thái Lan trong vun đắp tình đoàn kết, gắn kết giữa nhân dân hai nước. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy tiếng Thái và tiếng Việt và thành lập các trung tâm ngôn ngữ, giáo dục tại mỗi nước.
Năm là, đề cao chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế, tăng cường phối hợp chặt chẽ trong các khuôn khổ hợp tác đa phương. Cùng với việc đề cao vai trò và vị thế của ASEAN, hai nước cần đóng góp tích cực và phối hợp lập trường trong các vấn đề toàn cầu tại LHQ, trong đó có vấn đề hòa bình và an ninh, gìn giữ hòa bình quốc tế, cứu trợ nhân đạo, thúc đẩy phát triển bền vững, ứng phó với các thách thức toàn cầu; Phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong; Tăng cường ủng hộ nhau tại các diễn đàn khu vực, liên khu vực khác, trong đó có Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM)…
Để hiện thực hóa các định hướng nêu trên, Quốc hội Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác toàn diện, hiệu quả với Nghị viện Thái Lan, phát huy vai trò vừa là một kênh đối ngoại mang tính Nhà nước, vừa mang tính Nhân dân sâu sắc, góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Thái Lan ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, như Liên minh Nghị viện thế giới, Liên minh nghị viện ASEAN, cùng nhau vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết với nhân dân các nước ASEAN và nhân dân trên toàn thế giới.
Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai quốc hội, trong đó trọng tâm là Thỏa thuận Hợp tác đầu tiên giữa Nghị viện hai nước vừa được ký kết nhân dịp chuyến thăm này; tăng cường trao đổi kinh nghiệm về công tác lập pháp và giám sát tối cao; tạo các khuôn khổ pháp lý thuận lợi để những người Thái Lan đang sinh sống ở Việt Nam hòa nhập, ổn định cuộc sống và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ hai nước trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo xung lực mới cho phát triển của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt - Thái.
Thưa Quý vị và các bạn!
Quan hệ Việt Nam - Thái Lan đang ở vào thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử quan hệ hai nước. Điều này khiến tôi liên tưởng đến mùa hoa Ratchaphruek, quốc hoa của Thái Lan, vàng rực khoe sắc khắp mọi miền Thái Lan, và mùa hoa sen, quốc hoa của Việt Nam, thắm sắc tỏa hương trên các xóm làng Việt Nam. Mỗi loài hoa một hương sắc, một vẻ đẹp, song cả hai đều mang trong mình sức sống mãnh liệt, bền bỉ, bất chấp những khắc nghiệt của hoàn cảnh, kết tinh những giá trị cao đẹp cho cuộc sống, mang lại niềm tin mãnh liệt cho người dân ở mỗi đất nước của chúng ta. Quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn kết bền chặt, hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và Thái Lan đã vượt qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày càng đơm hoa kết trái, vì một tương lai an bình, hạnh phúc và thịnh vượng của nhân dân hai nước, vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Quý vị!".
Lê Tuyết
Nguồn: vov.vn