Lập Hội đồng thẩm định Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Thành phố Huế với dòng sông Hương thơ mộng chảy qua và hệ thống cây xanh bao phủ góp phần tôn tạo cho cảnh quan di tích thêm phần hoành tráng nhưng mềm mại và gần gũi với thiên nhiên. (Ảnh: TTXVN)

Thành phố Huế với dòng sông Hương thơ mộng chảy qua và hệ thống cây xanh bao phủ góp phần tôn tạo cho cảnh quan di tích thêm phần hoành tráng nhưng mềm mại và gần gũi với thiên nhiên. (Ảnh: TTXVN)

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Đây là nội dung chính của Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 30/8/2024 về việc thành lập Hội đồng thẩm định Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành.

Các Ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Nội vụ; Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Tư pháp; Giao thông vận tải; Quốc phòng; Công an; Tài chính; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Theo Quyết định, Hội đồng thẩm định hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương được Chính phủ thông qua.Bộ Nội vụ là cơ quan Thường trực của Hội đồng, tổng hợp, dự thảo kết quả thẩm định của Hội đồng bảo đảm đúng quy định của pháp luật, báo cáo Chủ tịch Hội đồng.

Du khách quốc tế tham quan Đại Nội Huế. (Ảnh: TTXVN)

Du khách quốc tế tham quan Đại Nội Huế. (Ảnh: TTXVN)

Kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định do ngân sách nhà nước cấp, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của Bộ Nội vụ và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1745/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên-Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 9-10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%; thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, người dân có thẻ bảo hiểm 100%, xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên-Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố festival, trung tâm văn hóa-du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: TTXVN)

Thừa Thiên-Huế hình thành 3 trung tâm đô thị, gồm: Đô thị trung tâm (gồm thành phố Huế, quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà), Đô thị vùng Tây Bắc (gồm thị xã Phong Điền-Quảng Điền-A Lưới), Đô thị vùng Đông Nam (gồm các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông). Tỉnh phát triển các hành lang kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây và đô thị hướng biển; các trung tâm động lực: thành phố Huế, khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô và Khu công nghiệp Phong Điền.

Phát triển kinh tế Thừa Thiên-Huế theo hướng hiện đại, kinh tế xanh, kinh tế số, bền vững, có lợi thế với cơ cấu dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp gắn với không gian phát triển đặc thù của thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa và thiên nhiên, đặc biệt là Quần thể Di tích Cố đô Huế; hình thành đô thị trung tâm với hai trục phát triển và các đô thị động lực; kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây và đô thị hướng biển, thúc đẩy liên kết nội vùng.

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên-Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên-Huế năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quá trình thực hiện quy hoạch tỉnh phải đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; tập trung phối hợp với bộ, ngành hoàn thành thủ tục về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tỉnh luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất