Khẳng định vai trò của tỉnh Bình Dương với khu vực Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương ngày 19/3/2022. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương ngày 19/3/2022. (Ảnh: TTXVN)

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự sáng tạo, quyết liệt và nỗ lực của các đồng chí lãnh đạo, cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Dương trong thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra tại các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, Bình Dương có đầy đủ yếu tố phát triển mạnh, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Giai đoạn gần đây, Bình Dương luôn nằm trong nhóm tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực và đạt được kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực: GRDP tăng 2,62%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp - thương mại và dịch vụ đạt trên 89,2%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,5%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 58 tỷ đô la Mỹ, tăng 17,8%;...

Tuy nhiên, Bình Dương vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần có những giải pháp quyết liệt để đạt các mục tiêu đã đề ra. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng tuy được chú trọng đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa chưa tương xứng với sự phát triển chung của tỉnh. Mặc dù có điều kiện thuận lợi nhưng việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục… chưa cao.

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) xếp trong nhóm thấp, cần được cải thiện... Những hạn chế, khó khăn cần được phân tích, đánh giá nghiêm túc, thấu đáo, xác định rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để trên cơ sở đó phát huy nhiều thành tích đã đạt được và đề ra nhiệm vụ, yêu cầu giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của Bình Dương

Trong thời gian tới, dự báo tình hình trong và ngoài nước còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến nước ta nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng, do đó, tỉnh Bình Dương cần xác định rõ quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, tỉnh phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, kịch bản ứng phó, bám sát thực tiễn để điều chỉnh linh hoạt, thích ứng với tình hình và các tình huống có thể xảy ra; nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tỉnh với khu vực Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ đó điều chỉnh chính sách phù hợp với điều kiện, tình hình của địa phương.

Tỉnh Bình Dương cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa trên tinh thần tự lực, tự cường, mạnh mẽ, chủ động hơn nữa, triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Lãnh đạo chủ chốt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện hiệu quả phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tạo nền tảng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội; tăng cường rà soát đối tượng để triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 theo đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra, nhất là tiêm “vét” cho các đối tượng có nguy cơ cao.

Đồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh, quyết liệt hơn nữa trong đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, văn hóa, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên và các công trình khác); tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tập trung công tác đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động, quan tâm phát triển giáo dục nghề nghiệp; phát triển hạ tầng số, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu.

Chú trọng phát triển hệ sinh thái công nghiệp phát triển xanh, thông minh, bền vững

Tỉnh Bình Dương cần chú trọng phát triển hệ sinh thái công nghiệp theo hướng phát triển xanh, thông minh, bền vững, bao trùm; đẩy mạnh phát triển các ngành chế biến chế tạo, nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ; hoàn thiện các chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông sản, phục vụ đắc lực phát triển công nghiệp.

Đồng thời, Bình Dương tiếp tục chú trọng công tác quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài; phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đồng thời hóa giải được các khó khăn, thách thức của địa phương, huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển. Việc đầu tư phải xác định trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Cùng với đó, tỉnh Bình Dương tập trung chuyển đổi số mạnh hơn, xây dựng xã hội số, công dân số, có cách làm phù hợp, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan để xây dựng chương trình, kế hoạch và linh hoạt điều chỉnh khi cần thiết.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh; tăng cường dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm; tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Về đầu tư phần tuyến còn lại của tuyến đường cao tốc Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn cả cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn trong năm 2023-2024, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tỉnh Bình Dương chủ động thực hiện đầu tư đoạn còn lại của tuyến cao tốc Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh (đoạn qua tỉnh Bình Dương) từ nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét hướng dẫn chỉ đạo.

Về đề nghị giao UBND tỉnh Bình Dương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án đường Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị của tỉnh Bình Dương và ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh; giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo hình thức đối tác công tư, tạo tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch, góp phần kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Bình Dương với Bình Phước và với vùng Tây Nguyên.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương thực hiện Dự án kéo dài thêm 1,8 km từ ga Suối Tiên đến phường Bình Thắng, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương của Dự án Đường sắt Đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Dương chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan, triển khai các thủ tục đầu tư dự án kéo dài tuyến đường sắt Đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên thêm 1,8 km từ ga Suối Tiên đến phường Bình Thắng, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương và xây dựng phương án kêu gọi đầu tư bằng các nguồn vốn hợp pháp, thực hiện theo quy định của Luật Đường sắt, Luật Đầu tư công và các quy định khác có liên quan.

Trong quá trình thực hiện, tỉnh Bình Dương cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo đồng bộ với các yêu cầu về tiêu chuẩn, trang thiết bị, công nghệ và tổ chức khai thác, vận hành đồng bộ Dự án Đường sắt Đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được triển khai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng Công ty Becamex được dùng cổ tức hàng năm sau thuế để tăng vốn điều lệ

Về lộ trình thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương và thực hiện theo các quy định hiện hành Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Tổng Công ty Becamex); Nhà nước tiếp tục nắm giữ tỷ lệ 36% phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương và thực hiện theo các quy định hiện hành Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Tổng Công ty Becamex) được dùng cổ tức hàng năm sau thuế để tăng vốn điều lệ giai đoạn 2021-2025, đảm bảo yêu cầu vốn cho Tổng Công ty phát triển.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất cụ thể tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp và Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ nêu trên theo quy định của pháp luật có liên quan, khẩn trương hoàn thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2022./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất