Đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021. (Ảnh: VGP)

Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm, nhất quán các nghị quyết, kết luận của các hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, của kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XV và các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, nhất là trong thời gian còn lại của năm 2021 theo Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 12/8/2021 và Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, phát triến kinh tế-xã hội; trong đó tập trung một số nội dung trọng tâm.

Cụ thể, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao:

Tiếp tục theo dõi sát, nắm chắc tình hình, diễn biến dịch COVID-19, có biện pháp linh hoạt đối với tình huống cụ thể trong công tác phòng, chống dịch gắn với từng bước mở cửa lại nền kinh tế. Không được lơ là, chủ quan; sẵn sàng nguồn lực, phương án ứng phó với nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt lưu ý đối với các địa bàn chưa được tiêm bao phủ vaccine mũi 1. Giám sát y tế chặt chẽ người về từ vùng dịch; thực hiện xét nghiệm, cách ly phù hợp điều kiện thực tiễn tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Khẩn trương triển khai các chính sách tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, sản xuất trong nước vaccine, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế và nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.

Triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh; có chính sách phù hợp về phí, lệ phí để kích cầu du lịch nội địa, xây dựng phương án chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, trọng điểm; bảo đảm an toàn và tiến độ thi công các công trình trong mùa bão lũ. Kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền hoặc chủ động sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn chồng chéo, cản trở hoạt động đầu tư công.

Chủ động tạo mặt bằng sạch, nguồn cung lao động, hạ tầng kết nối, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các dự án đầu tư trong nước, nước ngoài, nhất là các dự án FDI lớn; tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, trực tuyến.

Khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Tăng cường phòng ngừa, phát hiện và xử lý theo quy định các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, thuốc, sinh phẩm, vaccine liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Các bộ, cơ quan: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc theo lĩnh vực quản lý, nhiệm vụ được giao khẩn trương xây dựng nội dung cụ thể về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 25/11/2021 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về vấn đề này.

Chuẩn bị, thực hiện tốt công tác tổng kết năm 2021 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022 của bộ, cơ quan, địa phương.

Cho phép không thực hiện cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đã được giao từ đầu năm 2021 theo quy định tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ.

Người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và UBND cấp tỉnh chủ động điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 đã được kéo dài sang năm 2021 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang 2021-2025 hoặc thu hồi vốn ứng trước và nghĩa vụ thanh toán của ngân sách Trung ương. Chính phủ sẽ thành lập các tổ công tác đi kiểm tra đôn đốc.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, theo quy định. Rà soát, bổ sung số người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và các đối tượng chưa được hỗ trợ.

Rà soát, sắp xếp, bổ sung nguồn lực cho công tác y tế trường học, bảo đảm mỗi cơ sở giáo dục có đầu mối y tế trường học thường trực để triển khai tổ chức tiêm vaccine cho học sinh và phối hợp với ngành y tế thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó làm rõ các cơ chế, chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách cần thiết khác để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp chuyên đề vào tháng 12/2021. Giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để điều chỉnh nội dung báo cáo tại kỳ họp tháng 12/2021 của Quốc hội.

Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các dự án đầu tư công.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục có giải pháp chống thất thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ và cân đối ngân sách; triệt để tiết kiệm, cắt giảm chi thường xuyên, nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; chủ động phương án huy động nguồn lực để đáp ứng kịp thời nhu cầu chi phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, khắc phục hậu quả thiên tai và các nhiệm vụ cấp bách khác.

Xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung nội dung về chính sách miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cho cơ sở, doanh nghiệp giáo dục và các dịch vụ giáo dục trong 2 năm bị ảnh hưởng 2020-2021 và cho giai đoạn 2022-2027 nhằm giảm chi phí trong vận hành, khuyến khích, huy động các nguồn lực công-tư vào phát triển, phục hồi một cách nhanh nhất và duy trì hoạt động trong các năm tiếp theo; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh; theo dõi sát tình hình nợ xấu để kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình.

Khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trình Chính phủ trong quý IV/2021.

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng (trong đó có các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập) thông qua các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, căn cứ khả năng tài chính miễn, giảm lãi suất cho vay, tiếp tục cho vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh theo quy định.

Hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống COVID-19

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống COVID-19 trong tình hình mới, báo cáo Chính phủ cho ý kiến trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Chủ trì, phối hợp với các địa phương để điều hành phân bổ vaccine phù hợp. Đẩy mạnh tiêm vaccine bao phủ mũi 1, mũi 2 và cơ bản tiêm xong trong tháng 11/2021 cho người từ 18 tuổi trở lên; tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả; tiêm tăng cường cho các đối tượng nguy cơ cao. Rà soát, kịp thời điều chuyển vaccine tại những địa phương tiêm chậm để chuyển sang các địa phương khác đang có nhu cầu. Tiếp tục thúc đẩy đàm phán, mua nhập khẩu thuốc điều trị COVID-19. Xây dựng kế hoạch vaccine theo từng tháng đến cuối năm 2021 và cho năm 2022. Đẩy nhanh thử nghiệm vaccine, thuốc điều trị COVID-19, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để sớm xem xét, cấp phép sản xuất trong nước. Đối với thuốc mới điều trị COVID-19 sản xuất trong nước, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy và xem xét cụ thể theo thẩm quyền và theo quy định hiện hành, bảo đảm đúng quy định, khoa học, hợp lý, hiệu quả.

Đồng ý về chủ trương việc thừa nhận kết quả cấp phép thuốc mới điều trị COVID-19 của các nước tiên tiến để sử dụng tại Việt Nam. Giao Bộ Y tế triển khai thực hiện cụ thể theo quy định hiện hành, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về việc xã hội hóa, kết hợp công tư trong phòng, chống dịch bệnh; công khai giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch trong tháng 11/2021. Phối hợp với Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chung về giá xét nghiệm, bảo đảm công khai, minh bạch. Đề xuất kế hoạch mua sắm tập trung trang thiết bị, vật tư y tế, bảo đảm kit xét nghiệm và thuốc dự trữ tại các vùng, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng và các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành thống nhất mẫu “hộ chiếu vaccine” của Việt Nam, tạo thuận lợi cho xuất nhập cảnh và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hỗ trợ có hiệu quả người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ có hiệu quả người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh phù hợp một số quy định để tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời cho giáo viên mầm non ngoài công lập và người sử dụng lao động tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Tập trung bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, nhất là đối với trẻ em, người già, người nghèo, người yếu thế... không để sót, lọt đối tượng, địa bàn cần hỗ trợ. Phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ nêu trên.

Đẩy nhanh triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động gắn với đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm thất nghiệp. Xây dựng phương án hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc tại các đô thị lớn, khu công nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho lao động hồi hương.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là đối với các mặt hàng y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 và hàng hóa phục vụ dịp Tết.

Tập trung chỉ đạo phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới; cải thiện nguồn cung, năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh trở lại sau khi chuyển sang phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Có phương án bảo đảm an ninh năng lượng, theo dõi, dự báo cung cầu, có các biện pháp bình ổn và giảm thiểu tác động của biến động giá năng lượng. Rà soát thúc đẩy, tháo gỡ vướng mắc trong các dự án năng lượng; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn và điều hành giá xăng dầu hợp lý.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, bảo đảm kế hoạch sản xuất đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm và dịp Tết; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, không để xảy ra đột biến, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp; kịp thời xử lý bảo đảm cung ứng, tiêu thụ nông sản, khắc phục tình trạng ứ đọng, tăng giảm giá bất thường, trong đó có giá thịt lợn.

Tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai để chủ động, kịp thời tham mưu, chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên; các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, bố trí lực lượng thường trực ứng phó nguy cơ cháy rừng tại các vùng có nguy cơ cháy cao, nhất là trong những tháng mùa khô tới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, không để bùng phát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục... Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương theo dõi, đánh giá cụ thể tình hình nguồn nước tại từng vùng để chỉ đạo phương án sản xuất vụ Đông Xuân phù hợp, nhất là tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai quyết liệt chính sách phát triển các dự án nhà ở xã hội, tạo điều kiện để công nhân, người lao động được mua, thuê nhà để ở.

Từng bước mở cửa đường bay quốc tế gắn với an toàn phòng, chống dịch

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 trình Quốc hội tại kỳ họp chuyên đề vào tháng 12/2021. Sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đường bộ cao tốc khác trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định để xem xét, quyết định.

Tiếp tục bảo đảm thông suốt vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, xây dựng lộ trình từng bước mở cửa đường bay quốc tế gắn với an toàn phòng, chống dịch, góp phần phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức triển khai Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) sau khi được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ hai.

Nghiên cứu, đề xuất các chương trình, kế hoạch hành động, sáng kiến về giảm phát thải phù hợp với các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2021.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp mở lại hoạt động du lịch gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh; chỉ đạo thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại một số địa bàn.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp cơ quan, địa phương tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và cơ quan liên quan hỗ trợ, thúc đẩy nhanh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư y tế trong nước. Triển khai Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia về sản xuất vaccine đến năm 2030 và các trương trình khoa học công nghệ phục vụ phòng, chống dịch.

Hướng dẫn và có giải pháp phù hợp cho việc đi học trở lại của học sinh, sinh viên

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương tổng kết, đánh giá việc dạy, học trực tuyến; kịp thời hướng dẫn và có giải pháp phù hợp cho việc đi học trở lại của học sinh, sinh viên gắn với áp dụng các mô hình “lớp học xanh”, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Chủ động làm việc với Bộ Tài chính, cơ quan liên quan về nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng các chương trình dạy và học trên truyền hình; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.

Đề xuất chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục đào tạo để thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên; khẩn trương rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền các chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non ngoài công lập không có thu nhập trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy bên trong từng bộ, cơ quan gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước; xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã có đủ điều kiện giai đoạn 2022-2025; tiếp tục đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các quy định về nền hành chính công vụ minh bạch, liêm chính.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để các cơ sở giáo dục công lập chưa có nhân viên chuyên trách y tế trường học có thể hợp đồng tạm thời (6 tháng) với y tế cơ sở, y tế tư nhân hoặc người có trình độ chuyên môn y khoa để thực hiện nhiệm vụ thường trực phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục.

Trên cơ sở kết quả Hội nghị toàn quốc của Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước trong tháng 11/ 2021.

Tập trung thanh tra, kịp thời phát hiện các hành vi tiêu cực trong mua sắm trang thiết bị y tế

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiếp tục rà soát pháp luật để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thanh tra, kịp thời phát hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vaccine liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Sớm ban hành kết luận thanh tra đối với các vụ việc được dư luận quan tâm.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác tiếp công dân định kỳ, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh; tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng.

Chủ động mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm

Bộ Quốc phòng chủ động bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia; thực hiện tốt công tác cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai trong mùa bão lũ; quản lý chặt chẽ, bảo đảm an ninh khu vực biên giới gắn với phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội.

Bộ Công an nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ, chủ động, kịp thời triển khai các biện pháp giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra điểm nóng; thực hiện tốt công tác cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai.

Chủ động mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, truy nã tội phạm tập trung vào các loại tội phạm cướp giật, trộm cắp, đánh bạc, hoạt động “tín dụng đen”, siết nợ, đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng, ma túy, buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, vệ sinh an toàn thực phẩm, mua bán, tàng trữ pháo, các loại tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch.

Tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh; đồng thời rà soát quy trình cấp thị thực, thủ tục xuất nhập cảnh theo hướng tạo thuận lợi gắn với phòng, chống dịch COVID-19.

Thúc đẩy đàm phán công nhận lẫn nhau về ‘hộ chiếu vaccine’

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan chủ động triển khai các kết quả của hoạt động đối ngoại cấp cao; tiếp tục đẩy mạnh chiến lược ngoại giao vaccine, hợp tác quốc tế ứng phó với dịch COVID-19, góp phần phục hồi kinh tế; triển khai kịp thời, hiệu quả công tác bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Thúc đẩy đàm phán công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine” với các nước nhằm mở cửa an toàn cho du lịch quốc tế phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh để tạo thuận lợi cho đi lại của chuyên gia, nhà đầu tư, người Việt Nam ở nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ và có chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Đề xuất tăng cường đối thoại cấp cao với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế; tận dụng các khuôn khổ, cơ chế hợp tác (quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện, các chuyến thăm cấp cao, mạng lưới FTA,...) nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Tích cực truyền thông thông điệp để thống nhất nhận thức và hành động

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, trung thực, chính xác, khách quan. Tích cực truyền thông thông điệp để thống nhất nhận thức và hành động theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; kết quả trong công tác điều trị, những nỗ lực vượt khó khăn của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự tham gia tích cực, đóng góp của người dân và doanh nghiệp chung tay hỗ trợ phòng, chống dịch.

Cùng Bộ Ngoại giao đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đối ngoại gắn với phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, nhất là chuyển đổi số các ngành, các địa phương; chỉ đạo kết nối, liên thông dữ liệu. Khẩn trương thống nhất các công cụ công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu, phục vụ kiểm soát, phòng, chống dịch, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đa dạng hóa các biện pháp, hình thức tuyên truyền, định hướng dư luận, thông tin kịp thời, khách quan, chính xác, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tạo đồng thuận, tin tưởng của người dân, doanh nghiệp về chủ trương, chính sách, biện pháp phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ động cung cấp thông tin chính thống; kịp thời phản bác thông tin sai sự thật, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch và tình hình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho các sự kiện lớn, quan trọng của đất nước.

Sớm khắc phục, xử lý các dự án tồn tại, yếu kém

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc khắc phục khó khăn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; sớm khắc phục, xử lý các dự án tồn tại, yếu kém theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền; tổ chức tổng kết công tác cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020, làm rõ mặt được, chưa được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để xây dựng, phê duyệt đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 theo quy định.

Các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương xây dựng hoặc ban hành Kế hoạch xây dựng để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản xử lý kiến nghị phản ánh về quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 8059/VPCP-PL ngày 3/11/2021 của Văn phòng Chính phủ.

Các bộ, cơ quan, địa phương phối hợp với Văn phòng Chính phủ đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; thúc đẩy triển khai kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu tổng hợp phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1498/QĐ-TTg ngày 11/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ sớm trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng thống kê, cập nhật đầy đủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp vào phần mềm thống kê theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Thời gian hoàn thành chậm nhất là ngày 20/11/2021.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết này; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; kịp thời báo cáo và đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất