|
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Chile Gabriel Boric Font hội đàm. (Ảnh: TTXVN)
|
Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường trên cương vị mới, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cả về song phương và đa phương. Chuyến thăm cho thấy triển vọng quan hệ giữa Việt Nam với Chile và Peru rất tươi sáng. Việc tăng cường quan hệ với hai nước Nam Mỹ này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các nước Mỹ Latinh khác.
Trong khi đó, việc Chủ tịch nước tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC 2024, đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Diễn đàn, tiếp tục khẳng định đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế quốc tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng của khu vực.
Tiếp nối truyền thống, kết nối tương lai
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức hai nước Chile và Peru, Chủ tịch nước Lương Cường đã có chương trình làm việc hết sức phong phú, thực chất, hiệu quả, bao gồm các cuộc gặp hẹp, hội đàm chính thức, hội kiến với lãnh đạo cấp cao, gặp gỡ với lãnh đạo địa phương và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Chile và Peru, có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Trường Đại học Chile; dự lễ khai trương Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Chile; gặp gỡ cán bộ nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Chile; thăm, làm việc với Tập đoàn Viettel tại Peru (Bitel).
Điểm đáng chú ý nhất trong các cuộc làm việc với lãnh đạo cả hai nước Peru và Chile là những tình cảm, sự trân trọng và nể phục mà bạn dành cho Việt Nam về tinh thần bất khuất, tự cường, ý chí vươn lên mạnh mẽ cả trong những năm tháng gian khổ nhất của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc cho tới sự phát triển vượt bậc, năng động của nền kinh tế Việt Nam khi bước vào giai đoạn đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, cũng như vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế ngày nay. Phía bạn cũng luôn gợi lại những ký ức đẹp đẽ về tình đoàn kết, hữu nghị mà các thế hệ thanh niên ở khu vực Mỹ Latinh đã dành cho Viêt Nam trước đây, trong đó có nhiều người đã và đang giữ các chức vụ cao trong chính phủ hiện nay. Chính vì lẽ đó, lãnh đạo Việt Nam cũng như các nước Chile và Peru đều mong muốn tiếp tục vun đắp và phát huy những truyền thống đoàn kết hữu nghị để hướng tới tương lai hợp tác hiệu quả, thực chất và sâu sắc hơn trong tất cả các lĩnh vực.
Tại Chile, trong cuộc gặp gỡ hữu nghị tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Santiago, cựu Tổng thống Chile Michelle Bachelet đã nhắc lại những kỷ niệm không thể nào quên trong những chuyến thăm tới Việt Nam ở nhiều cương vị khác nhau, những tình cảm ấm áp, gần gũi và chân tình mà các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã dành cho cá nhân bà và nhân dân Chile; đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ tinh thần bất khuất, kiên cường của người dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc; trở thành một biểu tượng trong lòng những người yêu hòa bình trên thế giới.
Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Isabel Allende, con gái cố Tổng thống Salvador Allende, người đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Chile, chia sẻ mong muốn chuyến thăm của Chủ tịch nước sẽ là một dấu ấn lịch sử, qua đó giúp hai nước siết chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương. Bà cho rằng dù hai bên đã có một Hiệp định Tự do Thương mại được ký kết và đã đem lại nhiều kết quả tích cực, song cần phải xích lại gần nhau hơn nữa, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế thương mại mà cần phải tiếp tục làm sâu sắc hơn cả trong các lĩnh vực khác, cùng chung tay đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, vì hoà bình và hợp tác trên thế thế giới.
Chủ tịch nước cũng đã có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Đại học Chile, cơ sở giáo dục đại học lớn nhất và lâu đời nhất ở Chile, trước đông đảo lãnh đạo, giảng viên, các chuyên gia nghiên cứu và sinh viên của trường, trong đó đề cập đến những điểm tương đồng lịch sử quan hệ Việt Nam – Chile, con đường phát triển và đường lối đối ngoại của Việt Nam, cũng như tầm nhìn và định hướng quan hệ giữa hai nước trong tương lai. Trên cơ sở những nét tương đồng, mối quan hệ hợp tác truyền thống với nhiều kết quả tích cực trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại, an ninh – quốc phòng, Chủ tịch nước cũng đề nghị đẩy mạnh hợp tác giáo dục, giao lưu văn hóa, nghệ thuật và phát triển hợp tác du lịch, qua đó tăng cường giao lưu nhân dân và hiểu biết lẫn nhau. Trong quá trình đó, Đại học Chile có thể có những đóng góp quan trọng và Việt Nam khuyến khích sự hợp tác giữa các trường đại học của hai nước. Đây được coi là yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy hiểu biết, chia sẻ tri thức, hợp tác đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ về định hướng này của Chủ tịch nước, Hiệu trưởng Đại học Chile Rosa Reves cho biết, hợp tác giữa Đại học Chile và các Đại học của Việt Nam là một vấn đề hết sức quan trọng và chúng ta đang ở một thời điểm hết sức thuận lợi để có thể triển khai hướng đi này.
Theo bà Rosa Reves, Đại học Chile đã có một chương trình giảng dạy mới liên quan tới bộ môn nghiên cứu về châu Á của Viện Quốc tế, bao gồm cả bậc tiến sỹ. Đó là những học phần ở cấp độ khoa học cao nhất trong vấn đề nghiên cứu mối quan hệ giữa Chile và châu Á, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, bà Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuyên truyền và giáo dục cho các sinh viên Chile, đặc biệt là các lớp sinh viên mới, về đất nước, con người và nền văn hoá lâu đời của Việt Nam, qua đó giúp cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng được lan toả và bền chặt.
Còn tại Peru thì đó là dấu ấn về một dân tộc Việt Nam cần cù, sáng tạo và năng động với đại diện tiêu biểu là công ty viễn thông Bitel thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tại Peru. Sau 10 năm vượt qua một hành trình đầy khó khăn và thử thách khi đối diện với những rào cản, từ thiên nhiên đến văn hóa, từ ngôn ngữ đến những cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, giờ đây Bitel đã trở thành nhà mạng sở hữu hạ tầng mạng lưới lớn nhất tại Peru và có hệ thống kênh phân phối rộng khắp trên cả nước với trụ sở đóng tại tất cả các bang của Peru. Chính Thị trưởng Lima Rafael Lopez trong buổi tiếp Chủ tịch nước Lương Cường đã phải thốt lên rằng các bạn Việt Nam đã giúp thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận với công nghệ của người dân Peru. Giờ đây bất kỳ người dân Peru nào, từ những vùng núi xa xôi hẻo lánh, từ những vùng nông thôn nghèo khó cho tới các thành phố lớn đều có sự hiện diện của mạng viễn thông Việt Nam. Tập thể cán bộ nhân viên Bitel đã biết phát huy phẩm chất "Bộ đội cụ Hồ", từng bước khẳng định vị thế của mình, đồng thời cũng là sợi dây gắn kết tình đoàn kết và hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Peru.
Trong chuyến thăm tới hai nước bạn bè Mỹ Latinh, nhiều văn kiện quan trọng đã được ký kết như Tuyên bố chung Việt Nam - Chile, Tuyên bố chung về việc tăng cường quan hệ song phương Việt Nam – Peru và gần 10 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, nông nghiệp, văn hóa và xúc tiến thương mại… , tạo cơ sở cho việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Chile và quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Peru.
Chủ tịch nước cũng đã được Tổng thống Peru Dina Boluarte trao tặng Huân chương “Mặt trời Peru” cấp Đại thập tự, phần thưởng cao quí nhất của Nhà nước Peru; Thị trưởng thành phố Lima Rafael Lopez trao tặng Chìa khoá biểu tượng và công nhận Khách mời danh dự của Lima, qua đó thể hiện sự coi trọng đặc biệt đối với chuyến thăm, đồng thời cho thấy sự trân trọng và những tình cảm mà Nhà nước và nhân dân Peru dành cho Chủ tịch nước nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.
Trả lời phỏng vấn nhóm phóng viên tháp tùng đoàn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định chuyến thăm chính thức Chile và Peru của Chủ tịch nước đã truyền tải thông điệp quan trọng đến bạn bè quốc tế, đặc biệt với các nước trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe về chính sách đối ngoại nhất quán, sự coi trong các nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, trong đó có Chile và Peru. Chuyến thăm đã tạo xung lực mới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với Chile và Peru trong nhiều lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp, an ninh - quốc phòng, giáo dục, du lịch và mở rộng sang các lĩnh vực mới, nhiều tiềm năng như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng, dầu khí, viễn thông...
Tiếp tục đóng góp tích cực, trách nhiệm vào các vấn đề toàn cầu
|
Chủ tịch nước Lương Cường dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31. (Ảnh: TTXVN)
|
Trong bối cảnh thế giới đang trải qua những chuyển động phức tạp, khó lường và APEC cũng đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội mới sau 35 năm hình thành và phát triển của mình, sự tham gia và những đóng góp tích cực, trách nhiệm, xây dựng của Việt Nam tại Diễn đàn APEC càng có ý nghĩa quan trọng.
Chủ tịch nước Lương Cường và các thành viên đoàn Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực tại tất cả hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao. Trong hơn 2 ngày làm việc, Chủ tịch nước đã tham dự tất cả hoạt động của các nhà Lãnh đạo APEC, từ Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2024, Đối thoại giữa các Nhà Lãnh đạo APEC với các khách mời, cho tới phiên ăn trưa - Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC. Cùng với đó, Chủ tịch nước cũng có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương với Lãnh đạo cấp cao các đối tác quan trọng của Việt Nam, trao đổi với các Chủ tịch/CEO các tập đoàn lớn.
Chủ tịch nước đã nêu nhiều đề xuất mang tính chiến lược và đột phá nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của APEC trong hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, ứng phó với các thách thức đặt ra với cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng. Những chia sẻ của Chủ tịch nước tại Tuần lễ cấp cao APEC một lần nữa chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, một Việt Nam năng động, đổi mới sáng tạo và là điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư quốc tế. Các phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của các Lãnh đạo APEC và cộng đồng doanh nghiệp.
Chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2024, Chủ tịch nước khẳng định: Thế giới đang trải qua những chuyển đổi to lớn, mang tính thời đại, tác động sâu rộng đến môi trường kinh tế chính trị quốc tế, đến từng quốc gia, thậm chí đến từng doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, APEC chính là nơi để cùng suy ngẫm, trao đổi, và xây dựng một hệ thống quản trị kinh tế quốc tế thuận lợi nhất cho sự phát triển của các nền kinh tế thành viên. Chủ tịch nước khẳng định sau gần bốn thập kỷ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng của hòa bình, điểm sáng của kinh tế thế giới và đất nước của những cơ hội.
Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với tâm thế mới, với khát vọng mãnh liệt phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và với niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng. Hành trang của Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh, năng động với quy mô thứ 35 thế giới; có hệ thống chính trị vững mạnh, ổn định, lấy nhân dân làm trung tâm; một dân tộc yêu nước, tự tin, tự lực, tự cường, với dân số hơn 100 triệu người; và nhiều bạn bè, đối tác quốc tế rộng khắp năm châu. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước chỉ rõ, sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực từ thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch cho đến hạ tầng, logistics và các ngành công nghệ cao.
Đúng như đánh giá của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: “Việc Chủ tịch nước phát biểu tại Hội nghị Thượng định doanh nghiệp APEC 2024, trao đổi với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp vừa đóng góp trực tiếp vào thành công của Hội nghị vừa khuyến khích sự ủng hộ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp đối với tiến trình hợp tác APEC, yếu tố không thể thiếu cho thành công của Diễn đàn”.
Với chủ đề “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng”, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31 khẳng định quyết tâm hiện thực hóa Tầm nhìn Putrajaya 2040 về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, tự cường và hòa bình, bảo đảm mọi người dân được tham gia và thụ hưởng từ tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm. Hội nghị cũng nhấn mạnh ưu tiên duy trì APEC là diễn đàn hợp tác năng động và tự cường, dựa trên các nguyên tắc cơ bản như tự nguyện, không ràng buộc và đồng thuận.
Để APEC tiếp tục đứng vững trước thách thức và nắm bắt hiệu quả các cơ hội, Chủ tịch nước đề xuất 3 định hướng hợp tác lớn cho APEC thời gian tới, trong đó gồm tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ; đẩy mạnh các chương trình hợp tác, sáng kiến về tăng trưởng bao trùm, công nghệ bao trùm; không ngừng nâng cao năng lực thể chế và quản trị toàn cầu.
Có thể khẳng định trong hơn 25 năm tham gia APEC, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong hợp tác APEC, và luôn được đánh giá là thành viên có nhiều đóng góp tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả vào việc hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn hợp tác của APEC cũng như nâng cao vai trò của Diễn đàn. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của kinh tế khu vực và thế giới trong giai đoạn mới; đẩy mạnh các nội dung hợp tác thế mạnh, truyền thống của APEC là tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại và đầu tư; đồng thời chuẩn bị chu đáo, bài bản để tổ chức thành công Năm APEC 2027 tại Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Tầm nhìn APEC 2040 cũng như nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của đất nước.
Hoài Nam
Nguồn: baotintuc.vn