Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO kỳ vọng Việt Nam tiên phong triển khai một số sáng kiến mới
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên Lidia Brito. (Ảnh: Tuấn Việt)

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên Lidia Brito. (Ảnh: Tuấn Việt)

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hoan nghênh chuyến thăm đầu tiên của Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên Lidia Brito tới Việt Nam và tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN-8) tại Cao Bằng.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh vai trò của UNESCO trong việc tăng cường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau. Qua đó, góp phần duy trì, củng cố hoà bình, phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới; khẳng định Việt Nam, với tư cách là thành viên được các quốc gia tín nhiệm bầu cử vào 6 cơ chế quan trọng của UNESCO, sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế của mình và đóng góp thực chất, hiệu quả vào công việc chung của tổ chức.

Trong thời gian qua, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO thể hiện sự “toàn diện, thực chất và hiệu quả". Đồng thời, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trụ sở UNESCO dự kiến vào tháng 10/2024 tới sẽ là một dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ hai bên.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO Lidia Brito và lãnh đạo UNESCO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển và hội nhập quốc tế, bảo tồn và phát huy giá trị các khu di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, công viên địa chất toàn cầu, các khu dự trữ sinh quyển; tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo, mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu, kết nối với cộng đồng các nhà  khoa học quốc tế, vinh danh các danh nhân Việt Nam; hỗ trợ quá trình rà soát và cải tiến các trung tâm khoa học dạng II do UNESCO bảo trợ thành lập tại Việt Nam.

Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: Tuấn Việt)

Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: Tuấn Việt)

Về phía UNESCO, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên Lidia Brito bày tỏ vui mừng khi đến thăm Việt Nam, đất nước mà tất cả các lãnh đạo UNESCO luôn mong được đặt chân đến ít nhất một lần.

Đồng thời, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO Lidia Brito đánh giá, Việt Nam là quốc gia thành viên chủ động và tích cực, luôn đưa ra những sáng kiến, khuyến nghị có tính chiến lược đối với các vấn đề chung của UNESCO. Thay mặt Tổng Giám đốc UNESCO, bà Lidia Brito bày tỏ lời cảm ơn chân thành vì những đóng góp của Việt Nam đối với tổ chức nói chung, cũng như đối với các chương trình của UNESCO trong thời gian qua.

Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO Lidia Brito chúc mừng Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn vừa được Hội đồng chuyên gia quốc tế biểu quyết gia nhập Mạng lưới với số phiếu tuyệt đối. Đồng thời, gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và Chính phủ Việt Nam khi đã đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế APGN-8. Đây là một trong những hội nghị quan trọng của Mạng lưới, nhất là nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập và phát triển.

UNESCO sẽ công bố một sáng kiến mới liên quan đến đẩy mạnh hợp tác ngoại giao khoa học, với mục tiêu xây dựng và phát triển cầu nối giữa cộng đồng khoa học và giới hoạch định chính sách.

Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO tin tưởng, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện sáng kiến này. Đồng thời, thông tin UNESCO đang thúc đẩy chương trình hợp tác về nguồn nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong và nhận định Việt Nam là một nhân tố đóng vai trò quan trọng trong chương trình này.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Tuấn Việt)

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Tuấn Việt)

Tại buổi tiếp, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO Lidia Brito, thay mặt Lãnh đạo UNESCO gửi lời chia buồn sâu sắc đến người dân và chính phủ Việt Nam về thiệt hại do siêu bão Yagi gây ra trong những ngày qua; khẳng định UNESCO và các cơ quan khác của Liên hợp quốc sẵn sàng chung tay, hỗ trợ Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai./.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APGN 8)

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra từ 8-15/9 với khoảng 800 đến 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra các hoạt động: Lễ Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Mạng lưới CVĐC toàn cầu (2004 - 2024); các cuộc họp của Hội đồng CVĐC toàn cầu để đánh giá các hồ sơ thẩm định và tái thẩm định danh hiệu, cuộc họp của Ban Điều phối và Ban Tư vấn của Mạng lưới châu Á - Thái Bình Dương, các phiên hội thảo tổng thể và chuyên đề, cuộc họp song phương giữa các CVĐC; hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm và tổ chức các gian hàng quảng bá hình ảnh du lịch địa phương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất