Năng lượng và mỏ là trụ cột hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone. (Ảnh: TTXVN)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone. (Ảnh: TTXVN)

Chúc mừng Lào đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 44 - 45 và AIPA 45, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Lào là thành viên có trách nhiệm, có vai trò và tiếng nói ngày càng được coi trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển ổn định, bền vững của khu vực, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Thời gian qua, quan hệ hợp tác hai nước tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, thiết thực. Quan hệ chính trị tin cậy, nổi bật là cuộc gặp thường niên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước (tháng 9/2024) và các chuyến thăm lẫn nhau. Hợp tác quốc phòng - an ninh được tăng cường. Kết nối kinh tế - thương mại được thúc đẩy, trong đó kim ngạch thương mại hai chiều ước đạt 1,7 tỷ USD trong 10 tháng năm 2024, ước tính sẽ đạt mục tiêu tăng 10 - 15% như kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ đề ra.

Đặc biệt đánh giá cao hợp tác năng lượng và mỏ giữa Việt Nam - Lào thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, các hoạt động hợp tác sôi nổi, liên tục phát triển, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, đây là một trong những trụ cột hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới.

Để triển khai Thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam - Lào tháng 9/2024 và chuẩn bị tổng kết, đánh giá, đề ra phương hướng hợp tác trong năm 2025 tại Kỳ họp 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào do hai Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì vào đầu năm 2025, Phó Thủ tướng đề nghị hai bên đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ đã được giao trong hợp tác mua bán điện, mua bán than và tăng cường đầu tư giữa hai nước.

Đối với hợp tác trong lĩnh vực mua bán điện, hai bên cần tập trung triển khai Biên bản ghi nhớ về mua bán điện giữa hai nước (ký năm 2006). Trường hợp đến năm 2030, công suất nhập khẩu điện của Việt Nam từ Lào có khả năng vượt 5.000MW, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Công Thương Việt Nam cùng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào báo cáo kịp thời để hai Chính phủ xem xét khả năng điều chỉnh nội dung của Bản ghi nhớ hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào, kết nối hệ thống điện và mua bán điện giữa hai Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào cần chỉ đạo rà soát tổng thể các dự án điện tại Lào mong muốn bán điện về Việt Nam giai đoạn từ sau năm 2025 đến hết năm 2030, gửi Bộ Công Thương Việt Nam tổng hợp, nghiên cứu và báo cáo lên Chính phủ. Phó Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ Công Thương Việt Nam đã khẩn trương thành lập Tổ công tác mua bán điện giữa Việt Nam và Lào với Tổ trưởng là lãnh đạo Bộ. Điều này thể hiện cam kết rất cao từ phía Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác mua bán điện giữa hai nước.

Đối với hợp tác lĩnh vực mua bán than, khẳng định nguồn than đá từ Lào trong thời gian tới sẽ là một trong những nguồn cung đầu vào quan trọng cho sản xuất điện của Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương cùng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào thúc đẩy nghiên cứu việc xây dựng, đàm phán, phấn đấu ký kết hiệp định về hợp tác thương mại than nhân dịp Kỳ họp 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng đánh giá cao việc hợp tác, liên danh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Lào trong triển khai xây dựng tuyến băng tải giữa hai nước; tin tưởng thời gian tới, sẽ có nhiều liên danh hơn nữa giữa doanh nghiệp hai nước để triển khai những dự án hợp tác trọng điểm, đóng góp vào sự phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế hai nước nói chung.

Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: TTXVN)

Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone cảm ơn Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và coi trọng mối quan hệ hợp tác với Lào. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và mỏ tại Lào.

Đáng chú ý, hai bên đã cam kết công suất mua bán điện đến năm 2025 là 3.000 MW, đến 2030 là 5.000 MW. Đến nay, Việt Nam đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ Lào với tổng công suất 2.939 MW; tổng công suất đã ký hợp đồng mua bán điện là 2.239 MW, chiếm 74,3% công suất cam kết đến 2025.

Bộ trưởng Phosay Sayasone đề xuất hai bên cần tiếp tục trao đổi sâu sắc ở các cấp để năng lượng và mỏ trở thành thế mạnh trong trong hợp tác giữa hai nước; tin tưởng các hoạt động trong lĩnh vực này sẽ ngày càng hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất