|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)
|
Sáng 23/11, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Armenia Alen Simonyan và Đoàn đại biểu Quốc hội Cộng hòa Armenia rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Tiễn Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan và Đoàn tại sân bay Nội Bài có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Phạm Phú Bình; Đại sứ Armenia tại Việt Nam Suren Baghdasaryan.
Trong thời gian thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan và Đoàn đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì lễ đón Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan và Đoàn đại biểu Quốc hội Armenia. Ngay sau lễ đón, hai Chủ tịch Quốc hội đã tiến hành hội đàm.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan và Đoàn.
Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan và Đoàn dự thính phiên họp Quốc hội; tham quan: Văn Miếu-Quốc Tử Giám tại Thủ đô Hà Nội, Tập đoàn ôtô Hyundai-Thành Công và Khu danh thắng Tràng An tại tỉnh Ninh Bình, Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Armenia là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu cơ quan lập pháp Armenia sau hơn 30 năm thiêt lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước; thể hiện việc Armenia coi trọng quan hệ truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan, lãnh đạo hai bên nhất trí, thời gian qua, quan hệ giữa Việt Nam và Armenia đã có những bước phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực. Các hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao được quan tâm thúc đẩy.
Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại song phương được tăng cường; kim ngạch thương mại 10 tháng năm 2024 đạt gần 424 triệu USD; tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2023. Armenia đã có một số dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Việt Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Armenia, đặc biệt là trong các lĩnh vực có lợi thế như nông nghiệp, chế biến thực phẩm và dệt may.
Cho rằng tiềm năng, lợi thế giữa hai nước còn rất lớn, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, triển khai hiệu quả cơ chế, thỏa thuận hợp tác hiện có, góp phần củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước; đẩy mạnh triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá đối với hợp tác kinh tế-thương mại song phương.
Hai bên tăng cường trao đổi, thông tin cho nhau về các vấn đề cùng quan tâm và chính sách đối ngoại của mỗi bên; tiếp tục phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn khu vực, ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam về vấn đề Biển Đông giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Chính phủ hai nước tăng cường đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác, tạo khung pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh giao lưu, tìm hiểu thị trường và cơ hội hợp tác, đầu tư, trao đổi hàng hóa trong từng lĩnh vực cụ thể, nhất là kiểm dịch thực vật, động vật, công nhận lẫn nhau về chứng nhận chất lượng sản phẩm, tránh đánh thuế hai lần.
Hai Chủ tịch Quốc hội nhất trí tiếp tục trao đổi, thống nhất về cấp học bổng cho sinh viên trao đổi giữa hai nước; tiếp tục tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa thường xuyên; đề nghị cơ quan hữu quan của hai bên xem xét các chính sách ưu đãi thị thực để tạo thuận lợi cho công dân khi du lịch, tìm hiểu văn hóa.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Alen Simonyan đánh giá, quan hệ giữa Quốc hội hai nước tiếp tục được duy trì, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương. Tuy nhiên, việc trao đổi đoàn các cấp chưa thường xuyên, chủ yếu là tiếp xúc bên lề các hội nghị, diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hội đồng liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF).
Để tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai Quốc hội, hai Chủ tịch Quốc hội nhất trí tăng cường tiếp xúc, trao đổi Đoàn giữa Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội hai nước, trao đổi kinh nghiệm xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế phục vụ công cuộc phát triển của mỗi nước và hoạt động nghị viện.
Hai bên xem xét hướng tới ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội nhằm tạo khung pháp lý để thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện, góp phần xây dựng tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam-Armenia.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Armenia là dấu ấn quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai cơ quan lập pháp và giữa hai nước trong giai đoạn mới./.
Diệp Trương
Nguồn: vietnamplus.vn