Hướng dẫn thực hiện Hiệp định Việt Nam-Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội
Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo Hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ)

Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo Hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ)

Sáng 30/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị hướng dẫn thực hiện Hiệp định Việt Nam-Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội nhằm khắc phục vấn đề đóng 2 lần (song trùng); hướng tới ghi nhận, tính cộng gộp thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội ở cả nước cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp Hàn Quốc tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

Khái quát những nội dung cơ bản của Hiệp định Việt Nam-Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh, phạm vi áp dụng (Điều 2) đối với Việt Nam là Luật Bảo hiểm xã hội (chỉ áp dụng với hai chế độ hưu trí và tử tuất); đối với Hàn Quốc là Luật Hưu trí quốc gia.

Đối tượng áp dụng (Điều 3) người lao động là công dân Việt Nam, công dân Hàn Quốc và thân nhân hoặc người thừa kế của những người này theo quy định của pháp luật mỗi nước.

Trường hợp lao động phái cử (Điều 6), người lao động của một bên ký kết được cử đi làm việc ở bên ký kết còn lại thì chỉ áp dụng pháp luật của bên ký kết đầu tiên trong thời gian 60 tháng đầu và có thể kéo dài thêm không quá 36 tháng (hết thời gian trên sẽ chỉ áp dụng pháp luật của nước người lao động đến làm việc).

Theo ông Trần Hải Nam, Luật Bảo hiểm năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) cũng quy định, người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác (điểm g Khoản 1 Điều 2).

Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc khi làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Ngoại trừ các trường hợp di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu (theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ Luật lao động) hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác (khoản 2 Điều 2).

Luật Bảo hiểm năm 2024 cũng quy định, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác (Khoản 6 Điều 3).

Việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25% mức bình quân tiền lương/thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (Khoản 4 Điều 66, Khoản 3 Điều 99).

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài hơn 78.600 người, đạt 62,91% kế hoạch. Số lao động Việt Nam hiện nay đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là khoảng 650.000 người.

Đến tháng 6/2024, có hơn 155.300 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Trong số đó, số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là hơn 12.000 người (chiếm 7,9% trên tổng số người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam); số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động hơn 143.000 (chiếm 92,1%)./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất