Thủ tướng Trung Quốc thăm Việt Nam: Nâng cao hiệu quả, chất lượng hợp tác
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam tại Bắc Kinh về chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Ảnh: VOV)

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam tại Bắc Kinh về chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Ảnh: VOV)

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam tại Bắc Kinh về chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết, đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên sau 11 năm của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng hai nước sẽ tập trung thảo luận các biện pháp cụ thể, tích cực thúc đẩy, mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng các lĩnh vực hợp tác, đưa hợp tác thực chất giữa Việt Nam và Trung Quốc đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành quả thiết thực, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

PV: Xin Đại sứ đánh giá ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường?

Đại sứ Phạm Sao Mai: Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Quốc Vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12-14/10/2024.

Đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau 11 năm của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Lý Cường trên cương vị Thủ tướng Quốc vụ viện, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cá nhân Thủ tướng Lý Cường đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa rất đặc biệt đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đúng vào dịp hai bên đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950 - 18/1/2025), cũng như ngay sau các chuyến thăm quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước như chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2023), chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (8/2024) và chuyến công tác dự WEF Đại Liên, làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính (6/2024).

Chuyến thăm là sự tiếp nối truyền thống giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng “6 hơn”.

Dự kiến, trong chuyến thăm, Thủ tướng Lý Cường sẽ lần lượt có các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Lãnh đạo cấp cao hai bên sẽ đi sâu thảo luận những biện pháp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị; trong đó, hai Thủ tướng sẽ tập trung thảo luận các biện pháp cụ thể, tích cực thúc đẩy mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng các lĩnh vực hợp tác, đưa hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành quả thiết thực, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

PV: Đại sứ có thể chia sẻ những điểm nổi bật trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc?

Đại sứ Phạm Sao Mai: Tháng 12/2023, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Thời gian qua, trên cơ sở định hướng “6 hơn” đã được Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước nhất trí nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, với sự nỗ lực chung của hai bên, quan hệ hai Đảng, hai nước duy trì đà phát triển rất tích cực, lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, hình thành không khí hợp tác sôi động, hiệu quả, thiết thực và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, thể hiện ở một số phương diện sau:

Một là, trao đổi cấp cao và các cấp ngày càng được tăng cường. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội (Nhân đại) và Mặt trận Tổ quốc (Chính hiệp) hai nước thông qua các hình thức linh hoạt, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, củng cố vững chắc cho nền tảng chính trị của quan hệ hai Đảng, hai nước.

Đặc biệt, sau các chuyến thăm lẫn nhau mang tính lịch sử của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10/2022), Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2023) và mới đây nhất là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc thành công trên mọi phương diện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (8/2024) đã góp phần thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, hợp tác trên các lĩnh vực đạt được nhiều tiến triển tích cực, toàn diện, thực chất, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Trong các cuộc tiếp xúc, hai bên đều khẳng định coi nước kia là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước mình. Trung Quốc nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam và luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

Hai là, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và có nhiều khởi sắc. Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga). Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 148,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc đạt 43,6 tỷ USD (tăng 1% so với cùng kỳ); nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 105 tỷ USD (tăng tới 32,5%).

Từ nay đến hết năm 2024, với đà cải thiện mạnh mẽ về thương mại trong nửa đầu năm, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc có thể sẽ tiến sát mốc 200 tỷ USD. Hiện hai bên đang tích cực thúc đẩy "kết nối cứng" giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu; nâng cấp "kết nối mềm" về hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh nhằm tạo thuận lợi và nâng cao hơn nữa giao lưu thương mại giữa hai bên.

Về đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án FDI đầu tư mới vào Việt Nam (chiếm 29,3%) và đứng thứ hai với vốn đầu tư 3,2 tỷ USD (chiếm 13% tổng vốn đầu tư). Hai bên cũng tích cực phối hợp từng bước tháo gỡ giải quyết vướng mắc tồn đọng trong một số dự án hợp tác kinh tế trước đây, tạo không khí tích cực cho các dự án hợp tác mới giữa hai nước.

Ba là, hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân đạt nhiều thành quả thiết thực, đáng khích lệ; hợp tác giữa các địa phương diễn ra sôi động. Đến nay, đã có gần 60 tỉnh, thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương hai bên đã thiết lập và tổ chức định kỳ nhiều cơ chế, chương trình hợp tác. Hiện mỗi tuần có hơn 200 chuyến bay qua lại giữa hai nước; đang có hơn 23.000 du học sinh Việt Nam đang sinh sống, học tập ở Trung Quốc, gấp đôi so với giai đoạn trước dịch COVID-19; khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam không ngừng gia tăng, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt trên 2,4 triệu lượt.

Bốn là, hai bên đã đạt nhiều thành quả trong việc xây dựng đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương biên giới, tạo điều kiện để nhân dân ở khu vực biên giới hai nước an cư lạc nghiệp, chung sống hài hòa.

Hai bên nỗ lực duy trì trao đổi, kiểm soát bất đồng trên biển, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; tích cực triển khai các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, thúc đẩy thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, phấn đấu xây dựng COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Ngoài ra, hai bên cũng tích cực phối hợp tại các diễn đàn đa phương nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.

PV: Đại sứ kỳ vọng như thế nào về những kết quả đạt được trong chuyến thăm với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời gian tới?

Đại sứ Phạm Sao Mai: Thông qua chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, tôi hy vọng rằng hai bên sẽ đạt được những kết quả cụ thể, thực chất.

Thứ nhất, chuyến thăm sẽ đưa ra các biện pháp nhằm triển khai toàn diện nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước, tiếp tục nâng cao tin cậy chính trị và làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo hướng bền vững, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần vào xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Thứ hai, chuyến thăm sẽ góp phần xác định những trọng tâm và các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục, du lịch, khoa học công nghệ...

Thứ ba, hai bên có thể ký kết nhiều văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực nhằm tạo thêm các điểm nhấn mới cho hợp tác giữa hai bên, nhất là trong bối cảnh hai nước chuẩn bị hướng đến dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2025).

Thứ tư, chuyến thăm sẽ tạo ra xung lực mạnh mẽ để các cấp, các ngành, địa phương Việt Nam tiếp tục duy trì và mở rộng các mối quan hệ sẵn có với phía Trung Quốc, qua đó góp phần củng cố hơn nữa nền tảng xã hội vững chắc, tốt đẹp cho sự phát triển của quan hệ song phương.

Tôi tin tưởng vững chắc rằng, trên cơ sở lợi thế, tiềm năng, nhu cầu và nền tảng quan hệ song phương hiện có, với quyết tâm và nỗ lực chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

PV: Năm 2025 sẽ là Năm Giao lưu nhân văn Việt - Trung kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước dự kiến sẽ có những hoạt động, sự kiện gì trong năm đặc biệt này, thưa Đại sứ?

Đại sứ Phạm Sao Mai: Năm 2025 là dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2025). Có thể nói, trong 75 năm qua, tình hữu nghị do các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa qua, ngoài thành quả quan trọng là việc hai bên ra Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc, lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước đã quyết định lấy năm 2025 là “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc”.

Đây là dịp để hai bên tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc. Các cơ quan liên quan của hai bên đang phối hợp chặt chẽ để tổ chức các hoạt động kỷ niệm, giao lưu nhân dân, văn hóa, nghệ thuật có ý nghĩa, để nhân dân Việt Nam và Trung Quốc, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về văn hóa, phong tục, con người của nhau và cùng nhau ôn lại truyền thống láng giềng hữu nghị lâu đời, từ đó góp phần củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn, không ngừng vun đắp cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

PV: Xin cảm ơn Đại sứ!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất