|
Chiều tối 21/11/2024, tại Nhà Quốc hội Campuchia ở thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Lễ khánh thành tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary. (Ảnh: TTXVN)
|
Trao đổi với phóng viên tháp tùng Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà khẳng định chuyến thăm đã góp phần tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên; thúc đẩy các quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư; đưa quan hệ quốc phòng, an ninh ngày càng gắn bó chặt chẽ; thúc đẩy giao lưu nhân dân; tăng cường hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức và tham dự hai hội nghị quốc tế quan trọng tại Campuchia. Ông đánh giá như thế nào về kết quả chuyến thăm?
Nhận lời mời của Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hun Sen; Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary và Chủ tịch Ủy ban Thường trực ICAPP Chung Eui Yong, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thăm chính thức Vương quốc Campuchia và tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP 12), Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) tại Campuchia.
Đây là chuyến thăm Campuchia đầu tiên của đồng chí Trần Thanh Mẫn trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, trong tổng thể chương trình hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm thúc đẩy triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng. Chuyến thăm đã góp phần tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên; thúc đẩy các quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư; đưa quan hệ quốc phòng, an ninh ngày càng gắn bó chặt chẽ; thúc đẩy giao lưu nhân dân; tăng cường hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Chuyến thăm cũng góp phần thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia là cộng đồng có quá trình gắn bó với đất nước Campuchia, đang có những đóng góp rất tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước cũng như đóng góp cho sự phát triển của Campuchia.
Trong tất cả các cuộc tiếp xúc cấp cao của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam với các nhà lãnh đạo Campuchia, từ Quốc vương Norodom Sihamoni, Samdech Techo Hun Sen, Samdech Khuon Sudary đến Samdech Hun Manet... đều đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam thời gian qua; sự gắn bó giữa hai dân tộc trong suốt quá trình lịch sử phát triển cũng như đấu tranh giành độc lập dân tộc và trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ Pol Pot, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Campuchia; trong giai đoạn hiện nay, hai nước đang cùng nhau hợp tác để phát triển kinh tế - xã hội.
Các nhà lãnh đạo Campuchia đặc biệt ấn tượng với sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước thời gian qua. Kim ngạch thương mại song phương đã phát triển vượt bậc và năm nay dự kiến sẽ vượt mốc 10 tỷ USD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Đối với Campuchia, các bạn đánh giá chúng ta là thị trường rất quan trọng, có những tiềm lực to lớn với trên 100 triệu dân; từ những kết quả đã đạt được trong suốt thời gian qua, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Campuchia để hai nước cùng phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Các nhà lãnh đạo Campuchia cũng cho biết Campuchia sẽ phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra vào năm 2030 trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình cao và đến năm 2050 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có cuộc hội đàm rất thành công với Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary. Chuyến thăm có ý nghĩa như thế nào đối với việc thúc đẩy hợp tác giữa hai Quốc hội và hai nước trong thời gian tới, thưa ông?
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có cuộc hội đàm sâu rộng với Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary. Qua đó, hai Chủ tịch Quốc hội đã thống nhất tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả và thực chất các nội dung của Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội ký năm 2022, trong đó, tăng cường trao đổi kinh nghiệm lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng.
Đặc biệt, trong bối cảnh hai nước đang tích cực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển với các cột mốc năm 2035, 2045 với Việt Nam và năm 2030, 2050 với Campuchia thì việc hình thành khuôn khổ pháp lý để thực hiện các mục tiêu phát triển là nhiệm vụ rất quan trọng đối với cơ quan lập pháp hai nước. Hai Quốc hội cũng sẽ tăng cường phối hợp để giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, tăng cường giao lưu giữa các cơ quan của Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, nhóm nghị sĩ trẻ, nữ nghị sĩ để mối quan hệ ngày càng khăng khít hơn.
Đặc biệt, trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã cùng với Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary cắt băng khánh thành Tòa nhà hành chính mới của Quốc hội Campuchia - quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Campuchia, tạo điều kiện để cán bộ Quốc hội Campuchia có điều kiện tốt hơn trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình.
Hai Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất sẽ phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm vì sự phát triển của mỗi nước, vì hạnh phúc, ấm no của của nhân dân hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực, tăng cường hợp tác chặt chẽ với nhau hơn nữa để hỗ trợ hai Chính phủ triển khai tốt các Thỏa thuận giữa hai bên, đưa quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà. (Ảnh: TTXVN)
|
Đối với ICAPP 12 và IPTP 11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự và đều có bài phát biểu truyền tải nhiều thông điệp quan trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam đến với các chính đảng, các nghị viện trong khu vực và thế giới. Ông có thể chia sẻ thêm về nội dung thông điệp này?
Đây là hai hội nghị rất quan trọng do Campuchia đăng cai tổ chức và rất mong muốn có sự hiện diện của lãnh đạo Việt Nam, thể hiện sự ủng hộ đối với Campuchia. Chủ đề của hai hội nghị lần này đều liên quan đến hòa bình, trong đó, chủ đề của ICAPP 12 là “Tìm kiếm hòa bình và hòa giải”, còn chủ đề của IPTP 11 là “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”.
Thông qua việc tổ chức hai hội nghị này, Campuchia muốn gửi một thông điệp rất mạnh mẽ đến thế giới, đó là, Campuchia rất coi trọng vấn đề hòa bình, đây là yếu tố then chốt cho công cuộc phát triển không chỉ ở Campuchia mà ở tất cả các quốc gia. Campuchia cũng mong muốn qua các hội nghị này, chia sẻ kinh nghiệm của mình, từ một đất nước chịu nhiều đau thương, tổn thất do chiến tranh, do chế độ diệt chủng, nhưng với chính sách hòa hợp dân tộc, chính sách cùng thắng, Campuchia đã đạt được những thành tựu như ngày nay.
Đối với Việt Nam, là dân tộc trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên hơn ai hết, chúng ta hiểu thế nào là giá trị của hòa bình và luôn luôn phấn đấu vì nền hòa bình bền vững cho nhân loại trên cơ sở tôn trọng quyền tự quyết của mỗi dân tộc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Chúng ta đã nỗ lực cùng với bạn bè quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển không chỉ ở trong khu vực mà còn trên toàn thế giới. Đây là thông điệp xuyên suốt trong hai bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại ICAPP 12 và IPTP 11. Các đại biểu tham dự hai hội nghị đều đánh giá rất cao nội dung phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Tại hai hội nghị này, Campuchia cũng cùng phối hợp với các nước ra các Tuyên bố, với ICAPP 12 là thông qua Thông qua Tuyên bố Phnom Penh và IPTP 11 dự kiến cũng sẽ thông qua Tuyên bố Phnom Penh về ủng hộ Hiến chương hòa bình thế giới: vì con người và hành tinh nhằm tìm kiếm hòa bình, bao dung và hòa giải với mong muốn thúc đẩy hợp tác Nam - Nam, đặc biệt trong bối cảnh xung đột hiện đang xảy ra ở rất nhiều khu vực trên thế giới thì chúng ta cùng nỗ lực phấn đấu để đạt được nền hòa bình bền vững cho nhân loại. Đây là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển của chúng ta trong thời gian tới.
Qua chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội, trong thời gian tới, hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực nào, thưa ông?
Thứ nhất là, tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên thông qua việc tăng cường giao lưu, tiếp xúc trên tất cả các kênh Đảng, kênh Chính phủ, Quốc hội, giao lưu nhân dân, đặc biệt là tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác giữa hai nước như: cuộc gặp giữa các lãnh đạo Đảng, Quốc hội, tăng cường giao lưu giữa hai Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương.
Về mặt quốc phòng và an ninh, hai bên tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và đặc biệt là thống nhất nguyên tắc không cho các thế lực thù địch dùng lãnh thổ nước này để chống phá nước kia.
Đối với lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, phải tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên; tạo điều kiện thông thoáng hơn trong thúc đẩy hợp tác thương mại, đặc biệt là thông thoáng hơn về thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh ở cửa khẩu; thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia; tăng cường hợp tác về văn hóa, giáo dục, tăng số lượng sinh viên trao đổi giữa hai nước, nhất là sinh viên của Campuchia sang Việt Nam học tập.
Các nhà lãnh đạo Campuchia cũng đề cập việc tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai bên, tổ chức các tuần văn hóa, ngày văn hóa ở mỗi nước luân phiên hàng năm.
Tôi cho rằng, với những biện pháp như vậy, chúng ta sẽ tăng cường thúc đẩy được quan hệ rất tốt đẹp giữa hai bên theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và bền vững lâu dài”.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phan Phương
Nguồn: baotintuc.vn