Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển ngày càng toàn diện, sâu sắc và bền vững
Chiều 24/6/2024, tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 24/6/2024, tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. (Ảnh: TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính Phạm Minh Chính, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 đến 14/10/2024.

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Lý Cường thăm Việt Nam kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 3/2023.

Diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, chuyến thăm tiếp tục là một dấu mốc mới quan trọng trong quan hệ hai nước, góp phần đưa quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện và “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” ngày càng phát triển, sâu sắc, toàn diện và bền vững.

Quan hệ chính trị-ngoại giao phát triển tốt đẹp, thực chất

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950.

Hơn 74 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, dòng chảy chính trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là hữu nghị hợp tác.

Quan hệ hữu nghị vừa là đồng chí, vừa là anh em do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đích thân gây dựng và được nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản quý báu của cả hai dân tộc.

Theo dòng chảy thời gian, nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của mỗi nước.

Hai bên đã xác định phát triển quan hệ hai nước theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999) và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2005).

Năm 2008, hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, khung hợp tác cao nhất, nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên cùng Việt Nam xây dựng khuôn khổ hợp tác này.

Thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động nhiều chiều tới tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, cùng với nỗ lực chung của các cấp, các ngành và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc về tổng thể phát triển tốt đẹp, đạt nhiều kết quả quan trọng, thực chất.

Sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022 và chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2023, hai Đảng, hai nước đã xác lập định vị mới cho quan hệ song phương, tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược,” tiếp thêm động lực mạnh mẽ để hai Đảng, hai nước không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện.

Hai nước đã đề ra phương hướng “6 hơn” bao gồm: tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn.

Kể từ sau khi hai nước nhất trí làm sâu sắc và nâng tầm khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” theo định hướng “6 hơn,” quan hệ hai nước tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực, lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, hình thành không khí hợp tác sôi động, hiệu quả, thiết thực. Hai bên đánh giá quan hệ hai nước đang ở mức độ sâu sắc, toàn diện và thực chất nhất từ trước tới nay.

Tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố mật thiết; trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, các địa phương được tăng cường với nhiều hình thức linh hoạt, sôi động.

Đảng, Nhà nước Trung Quốc thể hiện sự trân trọng đặc biệt đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện qua việc Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến viếng tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh dự Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội (tháng 7/2024).

Từ đầu năm 2024 đến nay, các hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp tiếp tục diễn ra một cách sôi động, theo hình thức linh hoạt, cả trên kênh Đảng, Nhà nước và giao lưu nhân dân.

Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hồi tháng Tám vừa qua là một hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng giữa hai nước trong năm nay.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Tô Lâm, được thực hiện ngay sau khi Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều này khẳng định cả hai nước coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong giai đoạn mới.

Chuyến thăm diễn ra từ ngày 18 đến 20/8/2024 đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, góp phần thúc đẩy quan trọng đối với việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Trong chuyến thăm này, hai bên đã ra “Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc.”

Các bộ, ngành và địa phương hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kiểm nghiệm-kiểm dịch, hải quan, y tế, truyền thông, hợp tác địa phương, dân sinh.

Trong các cuộc trao đổi, lãnh đạo hai bên đã đạt nhận thức chung rộng rãi về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo định hướng “6 hơn”, trọng tâm là cụ thể hóa các nhận thức chung và thỏa thuận giữa hai bên.

Hai bên đều khẳng định coi nước kia là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước mình. Trung Quốc nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam và luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

Hai nước nhất trí lấy năm 2025 là “Năm giao lưu nhân văn Việt-Trung,” hai bên sẽ cùng tổ chức chuỗi hoạt động chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc (18/1/1950-18/1/2025); tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác về truyền thông, tin tức, xuất bản, phát thanh, truyền hình; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, y học cổ truyền, phòng chống, giảm thiểu tác hại thiên tai; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; thúc đẩy hợp tác du lịch, mở thêm đường bay, khuyến khích ngày càng nhiều hơn du khách sang du lịch ở nước bên kia.

Trên các diễn đàn đa phương, hai nước cũng tích cực phối hợp, thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực

Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều bước phát triển thực chất, với kim ngạch thương mại hai bên đạt 171,9 tỷ USD năm 2023.

Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 148,6 tỷ USD. Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga).

Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, từ nay đến hết năm 2024, với đà cải thiện mạnh mẽ về thương mại trong nửa đầu năm, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc có thể sẽ tiến sát mốc 200 tỷ USD.

Hiện, hai bên đang tích cực thúc đẩy “kết nối cứng” giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu; nâng cấp “kết nối mềm” về hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh nhằm tạo thuận lợi và nâng cao hơn nữa giao lưu thương mại giữa hai bên.

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng được mở rộng. Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc.

Hiện, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng. Ngoài ra, hai bên hiện đã cơ bản hoàn thành thủ tục xuất khẩu chính ngạch một số mặt hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, ớt tươi…

Mới đây, tại Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Trung Quốc do Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đồng chủ trì, diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc (ngày 29/9/2024), Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị phía Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam bao gồm các quả có múi, bơ, na, roi, thảo quả, đồng thời sớm hoàn tất việc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với một số trái cây đã được xuất khẩu theo diện truyền thống.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ nhiều hàng hóa xuất khẩu khác của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Về đầu tư, Trung Quốc tiếp tục đứng đầu về số lượng dự án đầu tư được cấp phép mới vào Việt Nam. Tính lũy kế đến tháng 8/2024, tổng vốn FDI đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam là 29,1 tỷ USD với 4.865 dự án còn hiệu lực, đứng thứ 6/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Riêng trong năm 2023, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 4,47 tỷ USD với hơn 700 dự án, tăng hơn 77%, đứng thứ 4 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,17%).

Trong 8 tháng năm 2024, Trung Quốc tiếp tục đứng đầu về số lượng dự án cấp mới tại Việt Nam với 662 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký gần 1,7 tỷ USD.

Về du lịch, với 1,75 triệu lượt người du lịch Việt Nam năm 2023, Trung Quốc đứng thứ hai trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam.

Lượng khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đã vượt mức cả năm 2023.

Trong 8 tháng năm 2024, Việt Nam đón 2,4 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, chiếm 21,4% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, đứng thứ hai sau Hàn Quốc. Hiện mỗi tuần có hơn 200 chuyến bay qua lại giữa hai nước.

Hợp tác văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước Việt Nam-Trung Quốc, ngày càng đi vào thực chất, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tăng cường tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.

Đến nay, đã có gần 60 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, địa phương hai bên đã thiết lập và tổ chức định kỳ nhiều cơ chế, chương trình hợp tác.

Hợp tác về giáo dục giữa hai nước tăng mạnh, hiện Việt Nam có 23.000 du học sinh đang học tập tại Trung Quốc, gấp đôi so với giai đoạn trước dịch COVID-19.

Hai bên cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu khác như Liên hoan nhân dân biên giới Việt-Trung, Diễn đàn nhân dân Việt-Trung, Giao lưu hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, hợp tác giữa các địa phương, nhất là các tỉnh, khu biên giới được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng...

Các hoạt động này đã góp phần củng cố nền tảng hữu nghị vững chắc cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định.

Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục đi vào chiều sâu

Trên nền tảng quan hệ tốt đẹp được lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai bên không ngừng vun đắp, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường lần này tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng toàn diện, sâu sắc và bền vững.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau 11 năm của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của đồng chí Lý Cường trên cương vị Thủ tướng Quốc vụ viện, thể hiện sự coi trọng của Đảng và Nhà nước Trung Quốc và cá nhân Thủ tướng Lý Cường đối với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa rất đặc biệt đối với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, đúng vào dịp hai bên đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2025), cũng như ngay sau các chuyến thăm quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước như: chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12/2023), chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 8/2024) và chuyến công tác dự WEF Đại Liên, làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 6/2024)…

Chuyến thăm là sự tiếp nối truyền thống giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng “6 hơn."

Dự kiến trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước sẽ tập trung thảo luận các biện pháp cụ thể, tích cực thúc đẩy mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng các lĩnh vực hợp tác, đưa hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành quả thiết thực, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

Theo Đại sứ Phạm Sao Mai, thông qua chuyến thăm lần này, hai bên sẽ đạt được những kết quả cụ thể, thực chất, như: đưa ra các biện pháp nhằm triển khai toàn diện nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước, tiếp tục nâng cao tin cậy chính trị và làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện theo hướng bền vững, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần vào xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới; góp phần xác định những trọng tâm và các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục, du lịch, khoa học công nghệ...; tạo xung lực mạnh mẽ để các cấp, các ngành, địa phương Việt Nam tiếp tục duy trì và mở rộng các mối quan hệ sẵn có với phía Trung Quốc, qua đó góp phần củng cố hơn nữa nền tảng xã hội vững chắc, tốt đẹp cho sự phát triển của quan hệ song phương.

Chắc chắn, với quyết tâm và nỗ lực chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất