Nhớ mãi cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám - Một tấm gương vì Tổ quốc
Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám đón tiếp đại diện Đảng Cộng sản Pháp Leo Figuene tại Việt Bắc, năm 1950. (Ảnh: tư liệu)

Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám đón tiếp đại diện Đảng Cộng sản Pháp Leo Figuene tại Việt Bắc, năm 1950. (Ảnh: tư liệu)

Nhớ lại ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh có lẽ không ai có thể quên cái tên Hoàng Minh Giám - trợ thủ tin cậy của Bác Hồ về đối ngoại và là một trong những “tư lệnh” đáng kính của ngành Ngoại giao.

Những ngày cuối Thu, sắp đến kỷ niệm 120 năm Ngày sinh cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám (4/11/1904-4/11/2024), câu chuyện về vị “tư lệnh” ngành đáng kính bình dị lại ùa về…

“Mối duyên” khởi nguồn từ niềm tin của Bác

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, lúc chưa họp Quốc hội khóa I, Bác Hồ là Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm luôn chức Bộ trưởng Ngoại giao.

Văn phòng của Bác cần một người giúp việc phụ trách quan hệ với Pháp. Vì vậy, ông Võ Nguyên Giáp (khi đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) tiến cử ông Hoàng Minh Giám. Sắc lệnh đầu tiên mang số 01 do đồng chí Võ Nguyên Giáp thừa lệnh Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký ngày 30/8/1945 là bổ nhiệm ông Hoàng Minh Giám làm Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ.

Tuy chưa từng chính thức đảm nhiệm chức vụ về ngoại giao nhưng trong những tháng ngày giúp việc Bác Hồ tại Văn phòng, ông Hoàng Minh Giám nhiều lần làm công tác đối ngoại. 16 giờ 30 phút ngày 6/3/1946, tại ngôi nhà 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội, sau những ngày đêm thương lượng khó khăn, quyết liệt, Hiệp định sơ bộ Việt Nam - Pháp được ký kết. Ông Hoàng Minh Giám là người đã tham gia tổ chức và đọc dự thảo bản Hiệp định bằng tiếng Pháp trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Jean Sainteny, Ủy viên Cộng hòa Pháp ký. Đây là bản điều ước quốc tế đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã giúp cho Việt Nam tạm hòa hoãn với Pháp để quét sạch 200.000 quân Tưởng và bè lũ tay sai về nước, dành thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị toàn quốc kháng chiến.

Ngày 10/9/1946, Hội nghị Fontainebleau kết thúc trong bế tắc do lập trường ngoan cố của phía Pháp. Trước khi lên đường về nước, Bác Hồ cử ông Hoàng Minh Giám làm Trưởng Phái đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam cùng hai ông Dương Bạch Mai và Trần Ngọc Danh tiếp tục ở lại Pháp. Thời gian này, ông Hoàng Minh Giám đã có nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng, tranh thủ sự ủng hộ của Đảng Xã hội Pháp, đại diện cho Đảng Xã hội Việt Nam đặt quan hệ với Công đảng Anh. Để làm nhiệm vụ do Bác Hồ giao, ông có một số thuận lợi, lúc đó ở Pháp nhiều người biết ông là Thứ trưởng Bộ Nội vụ và được Bác Hồ tín nhiệm. Trong hồi ký của mình, Sainteny ví ông Hoàng Minh Giám là “cái bóng” của Hồ Chủ tịch.

Sau khi thành lập Chính phủ mới, tháng 11/1946, lần thứ hai, Bác Hồ là Chủ tịch nước kiêm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Quốc hội và Bác cử ông Hoàng Minh Giám làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tháng 3/1947, trên đường lên chiến khu Việt Bắc, ông Hoàng Minh Giám nhận được tin làm Bộ trưởng Ngoại giao qua báo Cứu quốc. Mối duyên với ngoại giao của ông Hoàng Minh Giám được nối dài từ chính sự tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và có thêm nhiều cơ hội để phát huy tài năng trời phú trong hoạt động ngoại giao.

Hoàng Minh Giám là một trí thức yêu nước tiêu biểu, có học vấn uyên bác, một nhà giáo mẫu mực, một người cộng sản chân chính, một nhà ngoại giao lão luyện luôn đi theo tư tưởng Hồ Chí Minh” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tài năng ngoại giao trời phú

Những hoạt động đối ngoại của Bộ trưởng Hoàng Minh Giám ở núi rừng chiến khu Việt Bắc cũng là những trang sử đầy ý nghĩa của ngành Ngoại giao trong những năm tháng khó khăn của đất nước. Bộ trưởng từng tiếp ông Léo Figuère, đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Pháp sang thăm khu căn cứ kháng chiến Việt Bắc ngày 15/5/1950. Ông đã tham gia tích cực Đại hội thành lập Liên minh Việt – Miên – Lào tháng 3/1951. Trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Hoàng Minh Giám đã chỉ đạo ngành Ngoại giao làm tốt chức năng tham mưu, hoàn thành xuất sắc việc thiết lập những mối quan hệ ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thế giới, thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Liên Xô tháng 1/1950.

Tháng 5/1947, Bộ trưởng Ngoại giao tháp tùng Bác Hồ tiếp Giáo sư Paul Mus, Đặc phái viên của Cao ủy Emile Bollart tại thị xã Thái Nguyên. Đây là cuộc tiếp xúc ngoại giao chính thức cuối cùng giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp cho đến Hội nghị Geneva 1954 về chấm dứt chiến sự lập lại hòa bình ở Đông Dương. Tháng 10/1954, theo ủy quyền của Bác Hồ và Trung ương, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Bắc Kinh dự kỷ niệm lần thứ V Quốc khánh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10/1949–1/10/1954). Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã góp phần tích cực xây dựng tổ chức ban đầu Bộ Ngoại giao trên an toàn khu Việt Bắc.

Các cơ quan bộ ở Việt Bắc lúc đó có rất ít người. Bộ Ngoại giao cũng chỉ có vỏn vẹn bảy cán bộ, đông nhất là Văn phòng của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khoảng 30 đến 40 người. Phần lớn các bộ đóng trụ ở A.T.K Sơn Dương, một số bộ phận khác đóng rải rác ở các tỉnh xung quanh. Trụ sở Bộ Ngoại giao lúc đó đóng gần một làng hẻo lánh cách huyện lỵ Sơn Dương khoảng 11km. Từ Bộ Ngoại giao đi một quãng thì tới con suối Lê, qua suối Lê đi tiếp một đoạn nữa thì tới xã Tân Trào, nơi có đình Tân Trào – địa điểm Bác và Trung ương Đảng triệu tập họp Quốc dân đại hội và ra Lệnh tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.

Sau ngày miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, ông Hoàng Minh Giám đã tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nhiều nước ở Đông Nam Á và ở các châu lục Á – Âu, tham dự nhiều hội nghị quốc tế, qua đó đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế giữa nước ta và các nước bạn bè, anh em.

Vị tướng bốn sao của Pháp Raoul Salan từng viết trong hồi ký những dòng cảm phục tài năng của nhà ngoại giao Hoàng Minh Giám rằng: “Ông Giám là nhà ngoại giao có tài tranh luận ứng khẩu tại bàn hội nghị, mẫu mực về sử dụng tiếng Pháp đạt đến mức tinh tế, thấu lý, đạt tình và đối phương chỉ có thể chấp nhận mà không thể phản bác nếu còn muốn thảo luận nghiêm túc”.

Hội nhập quốc tế về văn hóa

Hơn 20 năm trên cương vị Bộ trưởng Văn hóa (1954-1976), với tài năng và đức độ, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã gìn giữ và phát huy hồn cốt của dân tộc. Ông chính là người đặt nền móng trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ông đã phát triển văn hóa ở các địa phương, đơn vị sản xuất ở miền Bắc, trở thành vũ khí để cổ vũ, động viên công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, khích lệ khát khao giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhà thơ Huy Cận từng nhấn mạnh: “Giáo sư Hoàng Minh Giám là người có công lớn trong việc phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương mà đến hôm nay trong hội nhập phát triển ta mới thấy tầm vóc, tư tưởng đó là hoàn toàn đúng đắn”.

Đặc biệt, Giáo sư Hoàng Minh Giám có tầm nhìn sâu rộng về hội nhập quốc tế về văn hóa, ngoại giao văn hóa. Ông đã ký 54 nghị định thư về trao đổi văn hóa giữa nước ta với các nước, cử 98 đoàn văn hóa ra nước ngoài công tác và biểu diễn, đón tiếp 110 đoàn văn hóa nghệ thuật của nước ngoài vào công tác, biểu diễn, đưa văn hóa Việt Nam tới các nước để giới thiệu và quảng bá.

Có thể nói, ông Hoàng Minh Giám đã cùng đất nước đi trọn chặng đường lịch sử, ở cương vị nào ông cũng tận lực, tận tâm phụng sự Tổ quốc và đồng bào. Chúng ta sẽ mãi nhớ về ông như một tấm gương sáng của trí thức Việt Nam, một nhà văn hóa kiệt xuất, một người cộng sản chân chính, một trợ thủ đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một nhà ngoại giao tài năng, kiên định với tầm nhìn sâu rộng. Những cán bộ ngoại giao hôm nay luôn khắc ghi những trang sử ngoại giao trong những giai đoạn gian khó nhưng vẻ vang và hào hùng của thế hệ ngoại giao Hồ Chí Minh, trong đó có vị “tư lệnh” ngành Hoàng Minh Giám, để viết tiếp những khát vọng Việt Nam.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất