Họp báo Chính phủ thường kỳ: Quyết liệt hoàn thành mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công
Toàn cảnh Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024. (Ảnh: BNEWS/TTXVN)

Toàn cảnh Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024. (Ảnh: BNEWS/TTXVN)

Với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng của năm 2024 mới đạt trên 52%, thấp hơn 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ và còn cách xa mục tiêu 95% của năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ ngành liên quan và địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp để “về đích”.

Tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 9/11, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian còn lại để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công là 3 tháng (2 tháng thực hiện, 1 tháng giải ngân). Tuy nhiên, các dự án đầu tư công vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức, trong đó khó khăn lớn nhất là vấn đề vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông do  liên quan đến nhiều quy định pháp lý như: Luật Khoáng sản, việc cấp phép khai thác mỏ vật liệu, việc bán vật liệu cho xây dựng công trình….

Để đạt mục tiêu kế hoạch 95%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu nhiều giải pháp cho Thủ tướng Chính phủ để ban hành các quyết định, nghị quyết để chỉ đạo, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, thúc đẩy hoạt động của 7 Tổ công tác của Chính phủ và cơ chế thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương.

Cùng đó, đẩy mạnh hoàn thành phân bổ, triển khai và giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, cơ quan, địa phương nhanh chóng cụ thể hoá việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư năm 2024 đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho phép, khẩn trương bố trí và giải ngân số vốn được điều chỉnh bổ sung cho bộ, cơ quan, địa phương mình cho các nhiệm vụ, dự án (Quyết định số 1306/QĐ-TTg ngày 01/11/2024).

Các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư quyết liệt hoàn thành công tác nghiệm thu khối lượng thực hiện và thanh toán, tránh việc dồn ứ hồ sơ gây kéo dài thời gian.

Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, hiệu quả, nhất là trong xử lý các nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng; lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho các tháng còn lại trong năm và bám sát kế hoạch giải ngân để thực hiện; theo dõi, giám sát, đôn đốc của Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án nhà thầu, đẩy nhanh tốc độ thi công, giải ngân ngay khi có khối lượng hoàn thành.

Cùng đó, việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin cũng là nhóm giải pháp quan trọng để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho biết, hiện Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang được trình Quốc hội xem xét thông qua. Nếu các Luật này được sớm thông qua thì đây sẽ là giải pháp đột phá giúp tháo gỡ triệt để các vướng mắc cho việc triển khai các dự án đầu tư công từ năm 2025.

Tại họp báo, ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết thêm, tại phiên họp Chính phủ sáng 9/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch. Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương, quyết liệt để khởi công dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025 và sau đó tiếp tục khởi công tuyến Lạng Sơn – Hà Nội…

Trước đó, ngày 8/11, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện số 115/CĐ-TTg về việc quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất