(TTĐN) - Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm là kịp thời và cần thiết, là lời cảnh tỉnh quan trọng đối với toàn Đảng, cần phải nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không khoan nhượng với tham nhũng.
|
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
|
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra rất kịp thời, thể hiện lập trường kiên định của ban lãnh đạo mới Việt Nam về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực tế đã chứng minh, tham nhũng ngày nay đã trở thành vấn nạn toàn cầu mà mọi quốc gia đều phải đối mặt.
Giáo sư, Tiến sỹ Thành Hán Bình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Công nghiệp Chiết Giang, đã nhận như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Trung Quốc về vai trò của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tăng cường nguồn lực cho đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới trong bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Giáo sư, Tiến sỹ Thành Hán Bình khẳng định bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm một mặt thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề chống lãng phí, một mặt thể hiện ban lãnh đạo mới sẽ kế thừa truyền thống văn hóa tiết kiệm tốt đẹp của dân tộc, mà điển hình là học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí.
Việt Nam đang hướng tới trở thành nước phát triển, thu nhập trung bình cao và đưa ra “hai mục tiêu 100 năm” (năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước). Trong quá trình đầy thách thức này, việc chống tham nhũng và chống lãng phí là vô cùng quan trọng, thậm chí nó còn quyết định đến việc thành bại của cả quá trình. Vì vậy, lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm là rất kịp thời và cần thiết, là lời cảnh tỉnh quan trọng đối với toàn Đảng, cần phải nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không khoan nhượng với tham nhũng, từ đó mới có thể thực hiện thành công hai mục tiêu 100 năm vĩ đại trên.
Bình luận về việc có ý kiến cho rằng càng văn minh, tiến bộ, thì càng phải coi trọng tiết kiệm. Văn hóa tiết kiệm chính là động lực tinh thần và bệ đỡ trí tuệ để tạo nên một xã hội tiết kiệm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam cho rằng ông hoàn toàn đồng ý với quan điểm này.
Là một học giả nghiên cứu về Việt Nam, ông luôn tin rằng văn hóa Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo: "Trong hệ tư tưởng Nho giáo, tiết kiệm là một đức tính tốt đẹp, cao quý. Ngay từ thuở còn thơ, chúng ta đã được nghe câu nói quen thuộc 'từng hạt gạo đều là mồ hôi nước mắt.' Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, ngày càng văn minh, của cải vật chất ngày càng đủ đầy. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải kiên trì với mục tiêu ban đầu, nghiêm túc thực hành tiết kiệm, đấu tranh với lãng phí. Đây không chỉ là tiêu chí của văn minh, mà còn là nhu cầu của thời đại, là nội hàm cốt lõi của một xã hội tiết kiệm."
Nhà nghiên cứu về Việt Nam Thành Hán Bình khẳng định: “Xuất phát từ quan điểm trên, bài viết thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Tổng Bí thư, chắc chắn sẽ có vai trò thức tỉnh quan trọng đối với toàn Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều học giả nghiên cứu về Việt Nam của Trung Quốc, trong đó có tôi đánh giá cao lời kêu gọi này của Tổng Bí thư Tô Lâm”./.
Công Tuyên
Nguồn: vietnamplus.vn