Đột phá để hiện thực hóa cuộc cách mạng số, đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
TS. Cù Văn Trung nêu quan điểm, thách thức lớn nhất trong cuộc cách mạng số chính là năng lực thích ứng, năng lực hội nhập

TS. Cù Văn Trung nêu quan điểm, thách thức lớn nhất trong cuộc cách mạng số chính là năng lực thích ứng, năng lực hội nhập

Ngày 2/9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng: "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". Bài viết này như định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới và được trân trọng, hoan nghênh ở trong và ngoài nước. Có thể nói, bài viết của Tổng Bí thư đã tạo đột phá trong việc nhận thức về tiến trình chuyển đổi số đúng với bản chất, vai trò và vị trí của nó đối với sự phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: “Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển công cụ sản xuất trong nền kinh tế số tạo ra biến đổi sâu sắc của lực lượng sản xuất, dẫn đến những mâu thuẫn mới với quan hệ sản xuất hiện hữu; vừa tạo tiền đề, động lực hình thành phương thức sản xuất mới trong tương lai, vừa đòi hỏi thay đổi căn bản cách thức tổ chức sản xuất và quản lý xã hội. Lực lượng sản xuất mới đang hình thành và phát triển mạnh mẽ; song chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trong khi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ cao, vẫn là thách thức lớn. Quan hệ sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất”.

Báo Thế giới và Việt Nam có cuộc trao đổi với TS. Cù Văn Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và các vấn đề xã hội liên quan chủ đề này.

Từ thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm

Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về cuộc cách mạng số? Theo ông, thông điệp cốt lõi mà Tổng Bí thư muốn truyền đạt là gì?

Theo tôi, thông điệp mà Tổng Bí thư Tô Lâm muốn gửi tới toàn xã hội chính là tư duy mới của Đảng ta về vấn đề thời đại. Cụ thể, trong bài viết của người đứng đầu Đảng ta, Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tác động đến hạ tầng cơ sở, làm thay đổi diện mạo, bộ mặt của tất cả dẫn tới thượng tầng kiến trúc, cơ đồ của đất nước có sự phát triển to lớn...

Có thể nói, cách đánh giá về tình hình hiện nay về “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vương mình” của dân tộc đã được người đứng đầu Đảng ta, thông qua các bài viết, bài nói của mình, nêu nhận định, phác họa các mục tiêu đích đến cho một quá trình rất vẻ vang và được nhân dân mong đợi. Ở đó có sự thịnh vượng, có sự phồn vinh và tương lai không xa, chúng ta đứng vào hàng ngũ những nước phát triển. Đó là nguyện vọng, là sự cố gắng và nỗ lực của toàn dân tộc Việt Nam.

"Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - phương thức sản xuất số" - trích trong bài viết "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới" của Tổng Bí Thư Tô Lâm.

Những quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm phản ánh tư duy đúng đắn, thức thời về bản chất, tính chất của giai đoạn cách mạng mới, từ đó, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước nhằm ra sức thực hiện những mục tiêu, chương trình thiết thực, hiệu quả.

Quá trình chuyển đổi số của Việt Nam hiện nay như thế nào dưới góc nhìn của ông?

Tôi nhận thấy, quá trình chuyển đổi số ở nước ta hiện nay đang phủ khắp hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Những nỗ lực của các cơ quan, địa phương, ngành giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi về mặt chủ trương, chính sách và dành nguồn kinh phí đầu tư để triển khai. Đó là điều rất đáng mừng và cho thấy cả hệ thống chính trị đều vào cuộc.

Tuy nhiên, xét ở diện rộng có tính bao quát của quốc gia thì chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay chưa được như mong đợi, kỳ vọng. Chúng ta mới phổ cập theo diện rộng, ở các đô thị và trong tầng lớp dân cư trẻ, tiến bộ. Phần lớn người dân Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng, chưa có điều kiện và chủ động trong việc chuyển đổi số.

Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số?

Thách thức lớn nhất có thể kể đến chính là năng lực thích ứng, năng lực hội nhập chuyển đổi số của chúng ta. Chúng ta có một nền kinh tế tương ứng với khả năng của mình. Đại bộ phận người dân có năng lực phù hợp với sự đổi mới giáo dục trong nhiều thập niên qua. Tức là, năng lực của chúng ta đang ở mức phù hợp với sự phát triển của mình. Chính vì thế, thách thức của quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay có thể ví như “người vác nặng”.

Năng lực của nền kinh tế, năng lực của người dân và Chính phủ còn hạn chế đối với một quá trình đòi hỏi phải có nền tảng kinh tế - xã hội tương đối. Có tâm thế sẵn sàng cao sẽ thúc đẩy nhanh chóng thành công được quá trình chuyển đổi số. Bởi chuyển đổi số chính là số hóa nền kinh tế, Chính phủ số hoạt động hành chính và xã hội số mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Năng lực trên ba bình diện ấy của chúng ta chưa thực sự đủ mạnh. Vì vậy, đây là một thách thức không hề nhỏ của quá trình chuyển đổi số ở nước ta hiện nay.

Chuyển đổi số phải bắt đầu từ con người. (Nguồn: VGP)

Chuyển đổi số phải bắt đầu từ con người. (Nguồn: VGP)

Con người là trung tâm của chuyển đổi số

Đâu là những lĩnh vực mà Việt Nam nên tập trung đầu tư để tạo ra những đột phá trong cuộc cách mạng số? Nhà nước cần có những chính sách cụ thể nào để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số?

Theo tôi, chỉ có thể là đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Giáo dục có tính chuyển tiếp và tiếp biến giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Con người mới phải có tâm thế mới và hành trang mới để biến những khát vọng của đất nước thành hiện thực.

Chuyển đổi số - cần nhất vẫn là con người. Người ta vẫn nói cách mạng cộng nghệ số thực sự là cuộc cách mạng về thể chế, đổi mới thể chế. Và điều chúng ta đang cảm nhận là thể chế có thể sửa đổi và cải cách được, những yếu tố lạc hậu, kìm hãm sự phát triển được Đảng và Nhà nước ta tháo gỡ dần dần.

Công nghệ và đổi mới sáng tạo có một số trải nghiệm và đi cùng tiến trình này với nhân loại ngày nay. Việt Nam thấu hiểu tầm quan trọng của vấn đề này, nhiều chính sách và chủ trương đã được ban hành, không ít các chương trình đã được tổ chức và thực hiện. Nhiều bộ, ngành và địa phương cũng đang triển khai rất rốt ráo, quyết liệt và mạnh mẽ.

Để hiện thực hóa cuộc cách mạng số, Việt Nam cần có những đột phá nào về chính sách, công nghệ và nguồn nhân lực?

Chúng ta đã đề cập nhiều câu chuyện lý luận và hệ lý thuyết thế nào để tạo ra đột phá. Các nhà lý luận và khoa học đã chỉ ra, đặt vấn đề trong không ít hội thảo, các diễn đàn khoa học. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước và các chuyên gia cũng đã nhận thức được tầm quan trong của cuộc cách mạng số. Thế giới đang phát triển không ngừng, chúng ta không thể chậm được.

Ngoài ra, chính sách phát triển khoa học và công nghệ của chúng ta tương đối toàn diện và đầy đủ. Chúng ta đã thiết kế, xây dựng để tạo bộ khung về hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi số được diễn ra thuận lợi, dễ dàng hơn. Một khía cạnh nhỏ ở chính sách về thu hút người tài và môi trường làm việc cũng như chế độ đãi ngộ đối với những người làm về lĩnh vực công nghệ cao, về trí tuệ nhân tạo (AI)… vẫn cần phải quan tâm hơn nữa.

Thực tế, nguồn nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn rất thiếu và yếu ở Việt Nam. Vì thế, thu hút những người như vậy làm việc, cống hiến cho xã hội, đào tạo thế hệ trẻ, sinh viên rất cần có môi trường, điều kiện để họ phát huy, có chế độ lương, thưởng và phụ cấp tương xứng để họ an tâm công tác.

Thêm vào đó, cần chọn ra một số đơn vị có tính chất dẫn đầu như trường đại học, ngành học và các bộ có liên quan để tập trung đầu tư, nghiên cứu, khai thác các sản phẩm khoa học công nghệ, nguồn nhân lực. Đồng thời, có mục tiêu rõ ràng, đầu tư ngân sách cụ thể và cơ chế liên kết, thu hút những chuyên gia, nhà khoa học của quốc tế và người Việt ở nước ngoài để đào tạo cho một số điểm được chọn lọc như vậy. Từ đó, tạo nguồn nhân lực, tạo điểm nhấn đề nhân rộng các mô hình đã thành công.

Như vậy, có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng của toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất. Từ đó, đưa đất nước ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất