(TTĐN) - Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ từ ngày 30/7 đến ngày 1/8/2024.
|
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến thăm. (Ảnh: TTXVN)
|
Nhân dịp này, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya đã trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:
Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ. Xin Đại sứ cho biết những thành tựu nổi bật trong quan hệ hợp tác hai nước thời gian qua?
Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam thực tế còn lâu đời hơn cả dấu mốc thiết lập quan hệ năm 1972. Mặc dù quan hệ ngoại giao đầy đủ được thiết lập năm 1972 nhưng tôi nghĩ, khoảng thời gian từ năm 1947-1972 cũng là giai đoạn rất quan trọng, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Ấn Độ có quan hệ gần gũi, đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hai nước. Ngoài sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, Ấn Độ đã cử cán bộ đại diện tại Hà Nội giai đoạn 1950-1972; đặt nền tảng cho các nguyên tắc, cách tiếp cận, sự thấu hiểu sâu sắc giữa lãnh đạo hai nước.
Trong 52 năm qua, hai nước đã cùng nhau từng bước nâng cấp quan hệ song phương lên những tầm cao mới một cách vững chắc và hiện đã là Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong hành trình này, chúng ta có thể thấy rõ nét sự thấu hiểu chính trị, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương khác. Về quan hệ thương mại và kinh tế, những con số đã nói lên tất cả. Kim ngạch thương mại song phương chỉ từ mức dưới 200 triệu USD nay đã lên tới 15 tỷ USD, cho thấy hợp tác kinh tế đã thực sự chuyển mình như thế nào. Về giao lưu nhân dân, văn hóa, kết nối Yoga hay Phật giáo; về hợp tác an ninh, quốc phòng... cũng ghi nhận những kết quả tuyệt vời. Với những nền tảng vững chắc như vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là minh chứng tiếp theo cho sự phát triển không ngừng trong quan hệ hai nước.
Việt Nam và Ấn Độ luôn chia sẻ sự tin cậy chính trị và tình hữu nghị bền chặt qua thời gian. Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, thưa Đại sứ?
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra sau 8 năm, kể từ khi Thủ tướng Ấn Độ Modi có chuyến thăm Việt Nam vào năm 2016. Từ đó đến nay, hai nước đã có nhiều chuyến thăm cấp cao và các cấp, thảo luận sâu rộng về hàng loạt lĩnh vực. Vì vậy, chuyến thăm lần này là một dịp rất quan trọng để hai bên cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được, đặc biệt từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016, về tất cả các lĩnh vực như: chính trị, thương mại, hợp tác kinh tế, giao lưu nhân dân, an ninh, quốc phòng...
Đại sứ đánh giá thế nào về những lĩnh vực hợp tác ưu tiên mà hai nước có thể thúc đẩy thời gian tới?
Về chặng đường tới đây, tôi nghĩ trong bối cảnh thế giới phức tạp như hiện nay, đối với Việt Nam và Ấn Độ, tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước và thịnh vượng là những ưu tiên quan trọng; thông qua thúc đẩy thương mại, đầu tư, trao đổi doanh nghiệp... Hai nước cũng cần nhìn nhận những thay đổi phức tạp hiện nay, làm sao hợp tác hiệu quả và hỗ trợ lẫn nhau dựa trên tinh thần đoàn kết truyền thống đã có.
Ưu tiên tiếp theo là về công nghệ - một lĩnh vực cực kỳ quan trọng, bao gồm các công nghệ mới nổi như: viễn thông, công nghệ số, công nghệ trong chuyển đổi sang năng lượng sạch hay công nghệ quân sự. Tôi nghĩ rằng, hai bên sẽ trao đổi tất cả các lĩnh vực của mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện bền vững, hiệu quả, cũng như mở ra các lĩnh vực hợp tác mới.
Đại sứ đánh giá như thế nào về những đóng góp và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên toàn thế giới?
Theo tôi, cả Ấn Độ và Việt Nam đều có những điểm tương đồng trong tiếp cận các vấn đề quốc tế. Cả hai bên đều tin tưởng rằng, chủ nghĩa đa phương và việc cải tổ chủ nghĩa đa phương là vô cùng quan trọng. Đó là nền tảng để chúng ta hợp tác hiệu quả, cùng phát triển đất nước, cũng như thể hiện vai trò, tiếng nói trong khu vực và trên thế giới. Như các bạn đã biết, vấn đề của các nước đang phát triển cũng là mối quan tâm của cả Ấn Độ và Việt Nam, đó là phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý xung đột và các vấn đề chính trị bằng cái nhìn toàn cầu. Thời gian qua, các nước phương Nam cũng đã trở thành mối quan tâm của Ấn Độ, Việt Nam cũng như cả thế giới nói chung. Vì thế, sự tương đồng về lập trường một lần nữa khẳng định việc hai bên mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn để cùng hướng tới lợi ích cho cả hai bên, cũng như lợi ích cho khu vực và thế giới. Ví dụ như ASEAN, khuôn khổ hợp tác Mekong - sông Hằng sẽ là những cơ chế hiệu quả để hai bên hợp tác sâu sắc hơn nữa.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
V.Đ
Nguồn: baotintuc.vn