(TTĐN) - Trái Đất vẫn đang trên đà tăng 2,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nguyên nhân chính là do các nước phát thải lớn nhất như Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thực hiện đầy đủ cam kết cắt giảm khí thải.
|
Khói bốc lên từ đám cháy rừng tại British Columbia (Canada). (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Mặc dù các nhà lãnh đạo thế giới đã họp bàn và thống nhất nhiều mục tiêu về biến đổi khí hậu, nhưng thực tế Trái Đất vẫn ngày càng nóng lên với tốc độ đáng báo động.
Cuộc đàm phán khí hậu diễn ra tại Baku (Azerbaijan) một lần nữa cho thấy những thách thức to lớn trong việc đối phó với biến đổi khí hậu.
Theo tổ chức phân tích về khí hậu uy tín hàng đầu thế giới Climate Action Tracker, Trái Đất vẫn đang trên đà tăng 2,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, vượt xa mức tăng giới hạn 1,5 độ C mà các quốc gia đã đặt ra.
Nguyên nhân chính là do các quốc gia phát thải lớn nhất như Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thực hiện đầy đủ các cam kết cắt giảm khí thải.
Thực tế, Trái Đất đã nóng lên 1,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Con số này gần với giới hạn 1,5 độ C mà các quốc gia đã thỏa thuận tại cuộc đàm phán về khí hậu năm 2015 ở Paris (Pháp).
Các nhà khoa học khí hậu cho biết sự nóng lên của khí quyển, chủ yếu do hoạt động của con người liên quan đến nhiên liệu hóa thạch, đang làm gia tăng thời tiết cực đoan với hậu quả ngày một nghiêm trọng hơn như hạn hán, lũ lụt và nhiệt độ tăng cao tới mức nguy hiểm.
Có ý kiến cho rằng một yếu tố sắp tới chưa được tính đến là kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ. Ông Donald Trump trở lại nắm quyền nếu đảo ngược các chính sách khí hậu trong Đạo luật Giảm lạm phát và thực hiện Dự án 2025 (Project 2025), sẽ làm tăng thêm 0,04 độ C trong các dự báo về Trái Đất nóng lên.
Con số này không lớn, nhưng có thể "phình to" hơn nếu các quốc gia khác lấy Mỹ làm lý do để thu hẹp các hành động khí hậu.
Chủ đề ưu tiên tại Baku lần này là về việc các quốc gia giàu có sẽ chi bao nhiêu để giúp các nước đang phát triển "phi carbon hóa" hệ thống năng lượng, tăng cường khả năng thích ứng và giải quyết các hệ lụy từ biến đổi khí hậu.
Một nhóm chuyên gia độc lập được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ủy nhiệm, đã đưa ra ước tính mỗi năm, các quốc gia đang phát triển cần tới 1.000 tỷ USD để giải quyết các vấn đề liên quan đến khí hậu.
Trong khi đó, một liên minh các quốc gia đang phát triển đang yêu cầu nguồn quỹ hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu tới 1.300 tỷ USD mỗi năm.
Các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) về tổng số tiền và cơ cấu tài chính khí hậu toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn. Một dự thảo quan trọng đã bị bác bỏ và đề xuất mới phức tạp hơn đang gây tranh cãi.
Bà Fernanda Carvalho, trưởng bộ phận chính sách năng lượng và khí hậu toàn cầu tại Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên, thừa nhận: "Các quốc gia đang bị chia rẽ và thiếu sự tin tưởng" và sự chia rẽ về vấn đề tài chính khí hậu "sẽ được phản ánh trong mọi căn phòng diễn ra các cuộc đàm phán đó."./.
Lan Phương
Nguồn: vietnamplus.vn