|
Đại sứ Peru tại Việt Nam Patricia Ráez Portocarrero. (Nguồn: ĐSQ Peru tại Việt Nam)
|
Trước thềm chuyến công tác của Chủ tịch nước Lương Cường tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2024 và thăm chính thức Peru, Đại sứ Peru tại Việt Nam Patricia Ráez Portocarrero đã chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam về ý nghĩa chuyến thăm đối với cả quan hệ hai nước và Diễn đàn APEC, cũng như những kỳ vọng về sự kiện quan trọng này.
Đại sứ có thể chia sẻ đôi nét về ý nghĩa chuyến thăm Peru sắp tới của Chủ tịch nước Lương Cường, đặc biệt khi háng này cũng là tháng đánh dấu kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Peru? Đại sứ kỳ vọng gì vào chuyến thăm?
Chuyến thăm Peru của Chủ tịch nước Lương Cường vào tháng 11 năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng do diễn ra trùng khớp vào dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Peru kể từ khi chính thức thiết lập ngày 14/11/1994.
Chuyến thăm đánh dấu mốc son mới, cho thấy sự quan tâm của cả hai quốc gia trong việc thắt chặt mối quan hệ hữu hảo và tăng cường hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như thương mại, viễn thông, nông nghiệp và du lịch. Trong những năm qua, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước đã phát triển trên cả phương diện trao đổi văn hóa mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.
|
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Lương Cường mang đến cho cả hai nước cơ hội thống nhất về các chương trình nghị sự rộng hơn trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ APEC. (Nguồn: Andina)
|
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Peru Dina Boluarte để thảo luận về các chủ đề quan trọng trong quan hệ song phương. Cũng trong dịp này, sẽ có các cuộc gặp cấp cao với các Bộ trưởng, Quốc hội và cơ quan Tư pháp Peru để tăng cường tình hữu nghị và thúc đẩy quan hệ với các đối tác Việt Nam. Những cuộc gặp này cũng sẽ mở ra các triển vọng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Chuyến thăm mang đến cho cả hai nước cơ hội thống nhất về các chương trình nghị sự rộng hơn trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam và Peru là thành viên cùng chia sẻ các cam kết thúc đẩy ổn định kinh tế, độ mở thương mại và hợp tác đa phương.
Các cuộc thảo luận dự kiến xoay quanh các vấn đề về hòa bình, an ninh và hỗ trợ hợp tác trong khuôn khổ Liên minh Thái Bình Dương và ASEAN – tổ chức mà Peru tham gia với tư cách là Đối tác phát triển.
|
Đại sứ Peru (thứ 3, từ phải sang) tại một sự kiện xúc tiến thương mại do ĐSQ tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh tháng 5/2024. (Nguồn: ĐSQ Peru tại Việt Nam)
|
Đại sứ đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa hai nước trong ba thập kỷ qua? Triển vọng phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới?
Ba thập kỷ qua, Việt Nam và Peru đã phát triển mối quan hệ mang tính xây dựng cùng có lợi, được đánh dấu thông qua các hoạt động hợp tác kinh tế ngày càng phát triển, giao lưu văn hóa và hợp tác trên các cơ chế đa phương như APEC và CPTPP. Gần đây, quan hệ song phương càng trở nên sâu sắc hơn nữa khi Peru trở thành Đối tác phát triển của ASEAN, phản ánh cam kết chung trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực và ổn định kinh tế.
Vị thế này đã mở rộng cơ hội cho Peru hợp tác với Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác về các vấn đề phát triển kinh tế, thương mại và giao lưu văn hóa, củng cố vai trò chiến lược của Peru trong việc kết nối khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ Latinh.
Về hợp tác song phương, trong những năm gần đây, Peru và Việt Nam đã ký kết 8 thỏa thuận hợp tác về văn hóa, khoa học và công nghệ, phòng chống ma túy và thủy sản... làm nền tảng, bệ phóng cho cả hai nước tăng cường hợp tác trong những năm tới.
Từ năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã vượt 500 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Peru tại Đông Nam Á. Trao đổi thương mại song phương đạt hơn 700 triệu USD vào năm 2023; từ tháng 1 đến tháng 8/2024 đạt 509 triệu USD so với 483 triệu USD cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam xuất khẩu thiết bị điện tử và giày dép sang Peru, trong khi Peru xuất sang Việt Nam nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm kẽm, bột cá, gỗ, hải sản, hạt diêm mạch, hạt chia và quả nho tươi. Quan hệ thương mại Việt Nam-Peru mang tính tương hỗ, ở đó mỗi nước tận dụng thế mạnh sản xuất của mình để đáp ứng nhu cầu thị trường của nước kia.
Đầu tư của Việt Nam là nhân tố then chốt gắn kết quan hệ song phương, đặc biệt phải kể tới công ty Bitel và PetroVietnam. Bitel, công ty của Tập đoàn Viettel, năm nay vừa kỷ niệm 10 năm thành lập tại Peru, đánh dấu một thập kỷ đóng góp đáng kể vào ngành công nghiệp kỹ thuật số ở đất nước chúng tôi. Kể từ khi được thành lập vào năm 2014, Bitel đã tập trung vào việc mở rộng cơ sở hạ tầng viễn thông, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, cung cấp các dịch vụ di động và Internet ở mức giá phải chăng.
PetroVietnam đã tìm hiểu và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Peru, tập trung vào thăm dò và khai thác dầu khí. Các dự án đầu tư này không chỉ củng cố hợp tác kinh tế mà còn định vị Việt Nam là đối tác chiến lược trong thúc đẩy các lĩnh vực năng lượng và công nghệ của Peru. Nhìn về tương lai, cả hai nước đều đã ở vị thế sẵn sàng để tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương.
Triển vọng tăng trưởng trong quan hệ song phương bao gồm củng cố quan hệ thương mại thông qua việc tiếp tục cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ của CPTPP cũng như tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, phát triển bền vững và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Ngoài ra, hai nước còn có cơ hội giao lưu văn hóa và du lịch bởi cả hai bên đều nhận thấy giá trị trong việc quảng bá di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên của mỗi bên.
Tuần lễ cấp cao APEC sẽ diễn ra từ 11-16/11 tại thủ đô Lima, Peru. Đại sứ có thể thông tin về ý nghĩa và những nội dung thảo luận tại Tuần lễ?
Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại thủ đô Lima, Peru từ 11-16/11, một loạt các tuyên bố cấp Bộ trưởng và nhiều khuôn khổ quan trọng dự kiến được đồng thuận thông qua, phản ánh ưu tiên chung cho phát triển kinh tế bền vững và bao trùm trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Vì vậy, bốn Tuyên bố cấp Bộ trưởng về Kinh tế số, Phát triển bền vững và Khả năng phục hồi, Thương mại và Đầu tư bao trùm, và An ninh lương thực được kỳ vọng nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ tất cả các nền kinh tế thành viên. Tâm điểm nổi bật của Tuần lễ sẽ là việc ký kết Lộ trình chuyển đổi sang Kinh tế chính thức và toàn cầu.
Lộ trình này nhằm ứng phó tình trạng mất cân bằng kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng cách thúc đẩy quá trình chính thức hóa, đặc biệt là thông qua tích hợp các khu vực kinh tế phi chính thức vào nền kinh tế chính thức. Đồng thời, tìm cách tận dụng số hóa và tính bao trùm để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu, phù hợp với cam kết của APEC về tăng trưởng bền vững và bao trùm.
|
Sự tập trung của Peru vào tính bao trùm, bền vững và đổi mới sáng tạo kỹ thuật số đã thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên APEC, nhằm hướng tới cách tiếp cận thống nhất với những thách thức chung. (Nguồn: apecperu.pe)
|
Sự tham gia của Peru tại Tuần lễ cấp cao APEC năm nay như thế nào để đóng góp vào thành công chung của các Hội nghị, thưa Đại sứ?
Peru hiện đảm nhiệm cương vị Chủ tịch APEC 2024 và đây là lần thứ ba kể từ khi Peru gia nhập Diễn đàn năm 1998. Đến nay, có hơn 7.000 đại biểu đã tham gia các hoạt động APEC và hơn 270 cuộc họp đã được tổ chức.
Chúng tôi sẽ đón khoảng 5.000 đại biểu tham gia Hội nghị thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo kinh tế; 1.200 doanh nhân tham gia Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp và 2.500 phóng viên báo chí.
Một trong những thành tựu chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Peru tại APEC 2024 là việc khôi phục sự đồng thuận trong Diễn đàn, sau hai năm gián đoạn do sự phức tạp của tình hình quốc tế. Đến nay, 15 văn kiện đã được đồng thuận thông qua, bao gồm 10 Tuyên bố cấp Bộ trưởng và 5 công cụ chính sách kỹ thuật về kinh tế hòa nhập đối với người khuyết tật; phát triển phát thải thấp hydrogen trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; các nguyên tắc để ngăn chặn và giảm thiểu lãng phí thực phẩm; Sáng kiến chuyển đổi Năng lượng công bằng; và Sáng kiến Tài chính bền vững cho việc chia sẻ thông tin tự nguyện và nâng cao năng lực về các vấn đề tài chính bền vững.
Sự tập trung của Peru vào tính bao trùm, bền vững và đổi mới sáng tạo kỹ thuật số cũng đã thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên APEC, nhằm hướng tới cách tiếp cận thống nhất đối với những thách thức chung.
Nỗ lực xây dựng sự đồng thuận này làm nổi bật cam kết của Peru trong việc tạo điều kiện cho các quyết định sẽ định hình tác động của APEC trong nhiều năm tới. Thông qua những sáng kiến này, vai trò cốt yếu của Peru không chỉ dừng ở việc thiết lập một bầu không khí hợp tác mà còn trong việc điều chỉnh các mục tiêu của APEC với các mục tiêu bền vững và khả năng phục hồi toàn cầu.
Cuối cùng, như Bộ trưởng Ngoại giao Elmer Schialer đã phát biểu, một trong những di sản quan trọng mà Peru mong muốn để lại trên cương vị Chủ tịch của APEC năm nay là tiến trình hướng tới thiết lập một khu vực thương mại tự do toàn diện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thúc đẩy sự chuyển đổi từ nền kinh tế phi chính thức sang nền kinh tế chính thức.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Trang Anh
Nguồn: baoquocte.vn