Báo chí Trung Quốc: Củng cố phương hướng “6 hơn” trong quan hệ Việt-Trung
Bài viết với nhan đề “Củng cố định vị 6 hơn

Bài viết với nhan đề “Củng cố định vị 6 hơn" trong quan hệ Việt-Trung đăng trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 20/8/2024. (Ảnh: TTXVN)

Trong những ngày qua, tờ Thời báo Hoàn Cầu, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng nhiều thông tin, bài viết liên quan chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc.

Ngày 20/8, bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu với nhan đề “Củng cố phương hướng ‘6 hơn’ trong quan hệ Việt-Trung” dẫn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong buổi hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên đến Trung Quốc, cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự coi trọng cao và ưu tiên hàng đầu của hai Đảng, hai nước đối với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, cho rằng đây là thời điểm quan trọng để hai nước đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi phương diện.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chỉ ra rằng trước những thay đổi của thế giới, thời đại và lịch sử, Trung Quốc và Việt Nam vẫn duy trì tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng và ổn định xã hội lâu dài, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và sức sống của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Trung Quốc coi Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong ngoại giao láng giềng, ủng hộ Việt Nam kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện đất nước, đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp cải cách, mở cửa, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.

Vào giai đoạn quan trọng cho sự phát triển và hồi sinh của mỗi quốc gia, Trung Quốc và Việt Nam phải xây dựng một Cộng đồng Chia sẻ Tương lai theo phương hướng phát triển “6 hơn.”

Bài báo cho biết trong những năm gần đây, ngoài duy trì trao đổi chiến lược và ngoại giao cấp cao mật thiết, hai bên còn tích cực thúc đẩy hợp tác trong kết nối sáng kiến “Vành đai và Con đường” với khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai.”

Cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm đến hợp tác Việt-Trung trong lĩnh vực kết nối đường sắt, đường bộ cao tốc và hạ tầng cửa khẩu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tối 19/8/2024, tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Thủ đô Bắc Kinh. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tối 19/8/2024, tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Thủ đô Bắc Kinh. (Ảnh: TTXVN)

Trả lời phỏng vấn của Thời báo Hoàn Cầu, giáo sư Phan Kim Nga, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ mật thiết ngay từ giai đoạn đầu thành lập Đảng, với sự tương đồng về niềm tin và lý tưởng.

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống này có lịch sử lâu đời, là minh chứng cho tình hữu nghị sâu sắc, giúp đỡ lẫn nhau, cùng tìm tòi con đường phát triển đất nước giữa nhân dân hai nước.

Ông Vu Hướng Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Trịnh Châu (Trung Quốc), nhấn mạnh chính sách ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc nằm trong chỉnh thể chiến lược đối ngoại và chiến lược phát triển đất nước, vừa có nhu cầu chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội, hiện đại hóa đất nước, vừa có đòi hỏi về chính trị là kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng.

Trong bối cảnh phức tạp của thế giới hiện nay, cả Trung Quốc và Việt Nam đều mong muốn thúc đẩy sự phát triển, thịnh vượng của kinh tế thế giới và tiến trình toàn cầu hóa.

Dẫn thông tin cho biết hai bên đã ký 14 văn kiện hợp tác trong khuôn khổ chuyến thăm, bài báo nhấn mạnh đây là những tiền đề quan trọng để hai bên tăng cường kết nối về kinh tế, nhất là thông qua kết nối về đường sắt để hướng tới các thị trường ở khu vực Trung Á và châu Âu.

Ông Vu Hướng Đông cho rằng trong bối cảnh hai nước xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, hợp tác sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện, trong đó xây dựng hạ tầng là nội dung cốt lõi và trọng tâm.

Việc hai bên đẩy mạnh kết nối hạ tầng sẽ tạo nền tảng cho trao đổi kinh tế-thương mại song phương ngày càng chặt chẽ hơn.

Theo Hải quan Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây), xuất nhập khẩu của tỉnh sang Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh hơn 30% trong bảy tháng đầu năm nay.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Hoàn Cầu, đại diện Hải quan Nam Ninh cho biết Quảng Tây và Việt Nam gần nhau về mặt địa lý và có quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại chặt chẽ.

Trong bảy tháng đầu năm nay, xuất nhập khẩu của Quảng Tây sang Việt Nam tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 41,3% tổng kim ngạch ngoại thương của Quảng Tây trong cùng kỳ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, trưa 19/8/2024. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, trưa 19/8/2024. (Ảnh: TTXVN)

Trong bài bình luận với tựa đề “Kỳ vọng quan hệ Việt-Trung vững chắc và phát triển,” Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới, thể hiện mong muốn tích cực của hai bên về việc thúc đẩy những thành quả phong phú hơn nữa trong quan hệ hai nước trên cơ sở xây dựng Cộng đồng Chia sẻ Tương lai có ý nghĩa chiến lược. Chuyến thăm cũng nhận được sự quan tâm, mong đợi của cộng đồng quốc tế.

Bài báo cho biết những năm gần đây, hợp tác thiết thực giữa Trung Quốc và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận và ngày càng được đẩy mạnh.

Các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia các dự án về điện Mặt Trời, hạ tầng đường sắt đô thị ở Việt Nam. Các chuyến tàu chở hàng liên vận giữa hai nước tăng vọt về số chuyến và số lượng hàng hóa, hai bên đẩy mạnh xây dựng cửa khẩu thông minh, kết nối hạ tầng cửa khẩu trên bộ.

Hiện nay, đồ gia dụng và điện thoại thông minh thương hiệu Trung Quốc có tỷ lệ thâm nhập cao vào thị trường Việt Nam, trong khi các mặt hàng nông sản Việt Nam như dưa hấu, sầu riêng lại được chào đón rộng rãi tại thị trường Trung Quốc do có lợi thế bổ sung theo mùa.

Tình hữu nghị được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai nước dày công vun đắp đã mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Bài báo khẳng định quan hệ Việt-Trung phát triển tích cực, lâu dài phù hợp với nhu cầu của hai nước và người dân cũng là hình mẫu cho các quốc gia trong thực hiện ngoại giao láng giềng, chỉ ra hướng đi cho sự phát triển quan hệ song phương và hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực; đồng thời bày tỏ kỳ vọng quan hệ song phương đạt được tiến triển mới với nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực, các tầng nấc, thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa và mang lại cơ hội phát triển mới cho hai nước và các quốc gia châu Á./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất