70 năm tập kết ra Bắc: Bản tình ca đặc biệt về tình yêu Tổ quốc
Nhà giáo ưu tú Đàm Thị Ngọc Thơ giới thiệu những hình ảnh của lớp 3D học sinh miền Nam, trường số 4 Hải Phòng năm 1956. (Ảnh: TTXVN)

Nhà giáo ưu tú Đàm Thị Ngọc Thơ giới thiệu những hình ảnh của lớp 3D học sinh miền Nam, trường số 4 Hải Phòng năm 1956. (Ảnh: TTXVN)

Những ngày này cách đây 70 năm, tại tỉnh Cà Mau - vùng đất thiêng liêng nơi cực Nam của Tổ quốc đã diễn ra sự kiện đặc biệt: 200 ngày tập kết, chuyển quân ra miền Bắc, thực hiện theo Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, đất nước ta lúc đó tạm thời bị chia cắt thành 2 miền.

Sự kiện lịch sử này đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của đất nước, đồng thời là minh chứng vững chắc về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, sự thống nhất, tình cảm Nam-Bắc sắt son mãi mãi không thể nào chia cắt.

Những giọt nước mắt xúc động và tự hào, câu nói nghẹn ngào “không thể nào quên, 70 năm mà như mới đây thôi, đất nước bây giờ hòa bình, phát triển nhiều, mừng lắm…” là cảm xúc, chia sẻ của rất nhiều nhân chứng liên quan tới sự kiện những ngày “tập kết ra Bắc” năm xưa mà phóng viên đã may mắn gặp được trong những ngày này ở Cà Mau.

Vững một niềm tin

70 năm trước, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Theo Hiệp định này, đất nước ta tạm thời chia cắt thành 2 miền, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời do quân đội Liên hiệp Pháp và ngụy quyền quản lý. Hai năm sau sẽ tiến hành Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Ông Dương Thanh Toàn được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương trong quá trình công tác. (Ảnh: TTXVN). (Ảnh: TTXVN)

Ông Dương Thanh Toàn được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương trong quá trình công tác. (Ảnh: TTXVN)

Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt ấy, khoảng hơn 200.000 cán bộ, chiến sỹ cách mạng và học sinh miền Nam đã tập kết ra miền Bắc.

Tại khu vực Nam Bộ có 3 khu tập kết là Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cao Lãnh (Đồng Tháp) và Cà Mau chính là khu tập kết dài nhất với 200 ngày (từ ngày 21/7/1954 đến 10/2/1955) của lực lượng kháng chiến Tây Nam Bộ gồm cả vùng giải phóng cũ và vùng ta mới tiếp quản lúc đó.

Ông Dương Thanh Toàn (ngụ phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau) năm nay đã 92 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, xúc động nói cho biết tháng 11/1954, bác vừa tròn 22 tuổi, là một quân nhân.

Từ khu tập kết bên dòng kênh Chắc Băng (xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau) bác đã lên đường tập kết ra Bắc trong khí thế náo nức của tuổi trẻ. Dù phải xa quê hương, xa người thân nhưng hiểu rõ nhiệm vụ, trong lòng bác không lúc nào nghĩ đến chuyện lùi bước.

Trong những ngày khẩn trương, tập trung cho việc chuyển quân, tập kết ra Bắc, những cán bộ, chiến sỹ dù ở lại hay sẽ tạm biệt người thân, quê hương lên đường ra Bắc, đều vững một ý chí “đi hay ở lại đều vì nhiệm vụ”.

Hiểu rõ lời Hồ Chủ tịch nói trong Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneva thành công, họ đã nhấn mạnh việc tập kết ra Bắc “quyết không phải là chia xẻ đất nước ta, quyết không phải là phân trị" mà chỉ là “bước quá độ để thực hiện đình chiến, lập lại hòa bình và tiến đến thống nhất nước nhà”.

Ở miền Bắc, trải qua nhiều đơn vị, nhiệm vụ công tác, bác Dương Thanh Toàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Trong đó, tháng 10/1968, bác Toàn được tặng thưởng Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng Ba do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng.

Ông Dương Thanh Toàn được tự hào với Huân chương Thành Đồng Tổ quốc - danh hiệu cao quý cho những người con miền Nam. (Ảnh: TTXVN)

Ông Dương Thanh Toàn được tự hào với Huân chương Thành Đồng Tổ quốc - danh hiệu cao quý cho những người con miền Nam. (Ảnh: TTXVN)

Ông Dương Thanh Toàn chia sẻ: “Dù được nhận rất nhiều huân, huy chương, bằng khen, nhưng với một người con miền Nam, trưởng thành ở miền Bắc như tôi được thưởng Huân chương do Hồ Chủ tịch ký tặng, tôi vô cùng xúc động, thấy mình quá may mắn, nhiều đồng đội của tôi vì nhiệm vụ, ở lại chiến đấu tại miền Nam thời gian đó, rất xuất sắc nhưng không bao giờ còn có cơ hội được nhận Huân chương do Hồ Chủ tịch ký tặng vì tháng 9/1969, Người đã mãi mãi đi xa”.

Mở từng trang của cuốn “Kỷ yếu học sinh miền Nam trường 12-16 trên đất Bắc, ngày ấy-bây giờ," ông Nguyễn Anh Sơn (86 tuổi), hiện ở phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau chia sẻ: "Là học sinh miền Nam lên đường tập kết ra Bắc năm 16 tuổi, khi đó tôi vừa hồi hộp, mong sớm được ra Bắc, vừa xao xuyến vì sẽ xa người thân, quê hương. Nhưng tuổi trẻ luôn nhìn về phía trước, tôi hiểu việc mình tạm xa miền Nam là để thực hiện nhiệm vụ, vì mục tiêu đất nước được thống nhất, non sông liền một dải".

Ông Nguyễn Anh Sơn chính là anh trai của phi công Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, liệt sỹ Nguyễn Văn Bảy B. Bản thân bác Sơn và sau khi học trường học sinh miền Nam, đi học đại học ở Liên Xô, trở về công tác ở miền Bắc một thời gian, đã lên đường “đi B," chiến đấu cho đến ngày miền Nam được giải phóng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau Hồ Trung Việt khẳng định sự kiện lịch sử tập kết ra Bắc cách đây 70 năm là chủ trương thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng, Bác Hồ, đưa số lượng lớn con em, cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng.

Những cán bộ, chiến sỹ, học sinh, các gia đình miền Nam tập kết ra Bắc đã nỗ lực vượt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và có nhiều đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, nhiều người đã trở thành cán bộ, lãnh đạo các cấp, các nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực… góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.

Cho đến hôm nay, nhắc lại kỷ niệm của 70 năm trước, lúc lên tàu ra Bắc khi vừa tròn 13 tuổi, bà Đàm Thị Ngọc Thơ (83 tuổi, ngụ phường 9, thành phố Cà Mau) vẫn rưng rưng nước mắt.

Bà nói: “Trong lòng miền Bắc, tôi đã lớn lên, trưởng thành, trở thành nhà giáo và sau này về lại quê hương Cà Mau, tôi là Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hồ Thị Kỷ, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.”

Khi quyết định ra Bắc vào 70 năm trước, cô bé Đàm Thị Ngọc Thơ lúc đó cảm thấy rất hãnh diện, tự hào. Nhưng khi nhìn bóng má (mẹ) mình đứng tiễn dưới hàng cau, nước mắt vẫn trào ra.

Nhà giáo ưu tú Đàm Thị Ngọc Thơ xúc động nhớ lại những năm tháng hào hùng trong vòng tay đồng bào miền Bắc. (Ảnh: TTXVN)

Nhà giáo ưu tú Đàm Thị Ngọc Thơ xúc động nhớ lại những năm tháng hào hùng trong vòng tay đồng bào miền Bắc. (Ảnh: TTXVN)

Tuổi 13 bắt đầu xa gia đình bằng những ngày sống tập thể ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình, để chờ lên tàu tại bến Sông Đốc, cô bé Ngọc Thơ được sống trong sự đùm bọc, chăm sóc, chuẩn bị chu đáo của người dân xã Trí Phải. Ngày bước lên tàu, người ở lại, người ra đi đều giơ hai ngón tay chào nhau như lời hẹn 2 năm thôi sẽ gặp lại...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thới Bình Trần Minh Nhân cho hay nhiều tài liệu còn ghi lại, những ngày này cách đây 70 năm, dọc theo kênh xáng Chắc Băng thực sự trở thành một điểm hẹn lịch sử, trung tâm khu tập kết, đón cán bộ, chiến sỹ, học sinh chuẩn bị lên đường ra Bắc.

Trong thời gian chuyển quân, phương tiện chuyển quân từ khu tập kết ở huyện Thới Bình ra vàm Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) để lên tàu chủ yếu là các xuồng, ghe của người dân. Người dân Thới Bình đã nhiệt tình mang hàng trăm chiếc xuồng, ghe các loại ra trực tiếp đưa các cán bộ, chiến sỹ, học sinh ra vàm Sông Đốc để lên tàu.

70 năm trước, khi được chọn là điểm tập kết cán bộ, chiến sỹ, học sinh chuẩn bị ra Bắc, nhà của nhiều người dân tuy không rộng, nhưng bà con luôn sẵn sàng nhường chỗ cho cán bộ, bộ đội, học sinh, cho khách đến thăm con em chuẩn bị lên đường ra miền Bắc.

Chính quyền địa phương, Mặt trận, Hội Mẹ chiến sỹ phân công nhau lo việc ăn, ở cho mọi người. Các má, các chị, các em may, vá quần áo, đan nón nan, thêu khăn tay tặng bộ đội khi chuyển quân. Tinh thần ấy thể hiện tấm lòng thủy chung, tuyệt đối tin tưởng của người dân Thới Bình đối với Đảng, với cách mạng.

Sau khi tạm biệt đồng bào miền Nam, lên đường ra Bắc, các cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tiếp tục nhận được sự đón tiếp, đùm bọc, chăm sóc chu đáo với tình cảm ruột thịt Bắc-Nam một nhà của người dân nhiều địa phương miền Bắc.

Bà Đàm Thị Ngọc Thơ chia sẻ: "Khi chúng tôi ra tới Sầm Sơn (Thanh Hóa), đồng bào đứng, tay cầm cờ hoa vẫy chào, hô vang 'Hoan hô miền Nam.' Các học sinh miền Nam được phát áo bông, chăn ấm, được hướng dẫn nội quy, đưa về ở các nhà dân, sau đó tiếp tục được đến học tại các Trường học sinh miền Nam".

Thời điểm đó, hòa bình mới lập lại ở miền Bắc, đời sống nhân dân còn rất khó khăn, mùa Đông đầu tiên trên đất Bắc với những học sinh miền Nam như bà Thơ cũng thật bỡ ngỡ. Nhưng tình cảm yêu thương, luôn dành những bữa cơm không độn ngô, độn sắn cho học sinh miền Nam, những chiếc áo bông dày dặn và đặc biệt là sự dìu dắt, hướng dẫn của các thầy cô giáo, sự đùm bọc của nhân dân miền Bắc đã trở thành những “ngọn lửa ấm” tiếp thêm nghị lực để các học sinh miền Nam phấn đấu học tập, lao động và cống hiến, hướng đến ngày “Bắc-Nam sum họp một nhà”.

“Tôi cho rằng tập kết ra Bắc không chỉ là sự kiện lịch sử mà còn là bản tình ca đặc biệt về tình yêu quê hương, Tổ quốc, tình cảm Bắc-Nam ruột thịt, không thể cắt chia, tình đồng chí, đồng đội, tình yêu đôi lứa... Mãi mãi những học sinh miền Nam như chúng tôi không thể quên", bà Đàm Thị Ngọc Thơ chia sẻ trong niềm xúc động, tự hào./.

Bài 2: Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất