2 ý nghĩa lớn từ chuyến thăm Pháp và tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet trả lời phỏng vấn trước thềm chuyến thăm. (Ảnh: Thu Trang)

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet trả lời phỏng vấn trước thềm chuyến thăm. (Ảnh: Thu Trang)

Trước thềm chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp và tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đã trả lời phỏng vấn báo chí, trong đó đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm song phương và đa phương này.

Thưa Đại sứ, việc lãnh đạo cao nhất của Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 được tổ chức tại Cộng hòa Pháp có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ hai nước cũng như trong khuôn khổ hợp tác Pháp ngữ?

Chúng tôi rất vui mừng được tiếp đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm chính thức Pháp. Có thể khẳng định rằng, đây là chuyến thăm hết sức quan trọng vì là một trong những chuyến công du đầu tiên của ông Tô Lâm với tư cách là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước.

Với Pháp, chuyến thăm có hai ý nghĩa lớn. Một là khẳng định vai trò của Cộng đồng Pháp ngữ và hai là sự coi trọng của Việt Nam trong quan hệ với Pháp.

Việt Nam và Pháp có quan hệ gắn bó và hợp tác trên nhiều lĩnh vực bởi lịch sử và Cộng đồng Pháp ngữ. Cộng đồng Pháp ngữ đóng một vai trò quan trọng đối với Việt Nam kể từ năm 1990 và đặc biệt là Việt Nam đã lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Pháp ngữ năm 1997.

Việc Việt Nam có đoàn cấp cao do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dẫn đầu tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần này cho thấy, Cộng đồng Pháp ngữ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội mà cả ở trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Đại sứ có nhận định gì về những nỗ lực, đóng góp của Việt Nam vào các hoạt động hợp tác phát triển của Cộng đồng Pháp ngữ?

"Việc Việt Nam có đoàn cấp cao do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dẫn đầu tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần này cho thấy, Cộng đồng Pháp ngữ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội mà cả ở trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam". (Đại sứ Olivier Brochet)

Việt Nam là một thành viên hết sức quan trọng trong Cộng đồng Pháp ngữ. Trước hết, đất nước hình chữ S là quốc gia đông dân với hơn 100 triệu người. Hiện nay, mặc dù có thể số người nói tiếng Pháp không được đông đảo như cách đây 20-30 năm nhưng Việt Nam vẫn có chính sách ủng hộ cho việc quảng bá, giảng dạy tiếng Pháp.

Tôi nghĩ rằng, việc quảng bá Pháp ngữ và giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam góp phần quan trọng giúp các bạn trẻ Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp.

Ở góc độ kinh tế, thông qua tiếng Pháp, Việt Nam có thể tiếp cận được với thị trường của các nước thuộc Cộng đồng Pháp ngữ với hàng trăm triệu người tiêu dùng. Qua đó tạo cơ hội kêu gọi đầu tư từ các nước nói tiếng Pháp, xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam sang thị trường rộng lớn đó, hay chỉ đơn thuần tạo ra những hoạt động hợp tác, giao lưu trong Cộng đồng Pháp ngữ - nơi những người nói chung một ngôn ngữ cùng chia sẻ tầm nhìn và những giá trị chung.

Tôi cho rằng, mục tiêu cũng như lợi ích mà Việt Nam có thể trông chờ từ Cộng đồng Pháp ngữ có thể được tóm tắt trong chính chủ đề Hội nghị cấp cao Pháp ngữ năm nay, đó là: “Sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp bằng tiếng Pháp”.

Lâu đài Villers-Cotterêts, nơi khai mạc Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19. (Nguồn: parismuseumpass)

Lâu đài Villers-Cotterêts, nơi khai mạc Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19. (Nguồn: parismuseumpass)

Đại sứ có thể chia sẻ về chủ đề và chương trình nghị sự chính của Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần này?

Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, diễn ra từ ngày 4-5/10, sẽ được tổ chức tại hai địa điểm chính. Ngày thứ nhất ở Villers-Cotterêts (tỉnh Aisne, cách Paris 80 km về hướng Đông Bắc), là nơi cách đây gần 500 năm, vào tháng 8/1539, vua François I ký sắc lệnh sử dụng tiếng Pháp làm ngôn ngữ hành chính tại Pháp. Và ngày thứ hai, Hội nghị sẽ được tổ chức tại Grand Palais (Cung điện lớn) ở Paris, một công trình được xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Đây cũng chính là địa điểm được lựa chọn để tổ chức các phần thi đấu kiếm tại Olympic Paris 2024 vừa qua.

Được tổ chức ở những địa điểm lớn và nhiều ý nghĩa, Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần này là dịp để các nguyên thủ quốc gia, thành viên chính phủ, phái đoàn của các nước nói tiếng Pháp trao đổi với nhau về những vấn đề chung của khối Pháp ngữ.

Nội dung tại Hội nghị sẽ liên quan đến thách thức mà chúng ta cần phải đương đầu trong giai đoạn tới, đặc biệt là những thách thức về quá trình phát triển, làm sao phát huy được những đổi mới, sáng tạo (ví dụ như trí tuệ nhân tạo) vào quá trình phát triển của Cộng đồng Pháp ngữ. Ngoài ra, các lãnh đạo cấp cao có thể trao đổi về những vấn đề khu vực, thế giới mà chúng ta đang giải quyết, ví dụ như cuộc xung đột ở Tây Phi, ở Lebanon, hay những chủ đề liên quan trực tiếp đến Việt Nam như hợp tác ở Biển Đông.

Về chương trình, bên cạnh Hội nghị cấp cao còn có rất nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức và nhận được sự tham gia tích cực của các nước Pháp ngữ, trong đó có đoàn Việt Nam. Có thể kể đến là không gian Làng Pháp ngữ với các gian hàng trưng bày, giới thiệu về văn hóa của các nước Pháp ngữ tham gia sự kiện lần này.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị sẽ diễn ra Diễn đàn kinh tế và triển lãm FrancoTech nhằm giới thiệu, kết nối các đối tác kinh tế, các doanh nghiệp cũng như các thị trường Pháp ngữ.

Ngoài ra, còn có sự kiện Liên hoan Pháp ngữ với các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, khám phá văn hóa Pháp ngữ và thế giới, dự kiến thu hút nhiều bạn trẻ. Chúng tôi rất vui mừng khi được biết sẽ có các bạn thanh niên từ Việt Nam, Campuchia và Lào sang tham dự sự kiện để giới thiệu về một dự án chung của ba nước nói tiếng Pháp trong khu vực. Rõ ràng, đây là một minh chứng sống động cho thấy, Cộng đồng Pháp ngữ là nơi kết nối và tạo nên sự thống nhất giữa các thành viên.

Lê kỷ niệm Ngày quốc tế Pháp ngữ (20/3) năm 2024 tại Hà Nội. (Ảnh: Xuân Sơn)

Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Pháp ngữ (20/3) năm 2024 tại Hà Nội. (Ảnh: Xuân Sơn)

Việt Nam và Pháp đã hợp tác như thế nào nhằm quảng bá tiếng Pháp, thưa Đại sứ?

Vâng, quả thực là chúng tôi đã và đang hoạt động tích cực nhằm quảng bá Pháp ngữ tại Việt Nam. “Chúng tôi” ở đây là tập hợp các đại sứ quán, phái đoàn và tổ chức nói tiếng Pháp.

Chúng tôi đã thành lập nhóm các đại sứ quán, phái đoàn và tổ chức nói tiếng Pháp tại Việt Nam, sinh hoạt thường xuyên với nhiều hoạt động, chủ yếu về văn hóa và ngôn ngữ. Chúng tôi cùng triển khai nỗ lực quảng bá tiếng Pháp trong không khí rất thân tình, nồng ấm và có mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác.

Việt Nam cũng thường xuyên các tổ chức hoạt động nhằm quảng bá tiếng Pháp. Ví dụ như ngày 20/3 năm nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) đã phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Pháp ngữ, một hoạt động rất hay và ý nghĩa.

Trong chuyến thăm Pháp sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, dự kiến hai nước sẽ ký kết hiệp định liên chính phủ trong lĩnh vực giáo dục. Hy vọng rằng, văn kiện này sẽ tạo điều kiện để hai nước chúng ta phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm tăng cường việc giảng dạy tiếng Pháp trong các trường học tại Việt Nam, qua đó, không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Pháp tại các trường học, mà số lượng người nói tiếng Pháp, học viên được học tiếng Pháp ở Việt Nam sẽ ngày càng tăng lên theo thời gian.

Cần nói thêm rằng, Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Cơ quan đại học Pháp ngữ (AUF) cũng đặt trụ sở tại Hà Nội. Điều này tạo điều kiện cho hoạt động của AUF, đồng thời góp phần vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, đặc biệt là trong Cộng đồng Pháp ngữ.

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2024) và hơn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2024), quan hệ Việt Nam-Pháp đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Đại sứ có thể chia sẻ tầm nhìn và những trọng tâm hợp tác trong quan hệ hai nước để có thể phát huy tiềm năng, thế mạnh, hỗ trợ nhau cùng phát triển?

Quan hệ giữa Pháp và Việt Nam có bề dày lịch sử, độ tin cậy ngày càng cao và hai nước có quyết tâm rất lớn trong việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược này.

Việc hai nước chúng ta cùng nhau kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm ngoái đã khẳng định tầm nhìn, quyết tâm chung phát triển quan hệ của hai nước.

Tháng 5/2024, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ trưởng Quân đội Pháp Sebastien Lecornu cùng đoàn quan chức và cựu binh Pháp đã thăm Việt Nam. Đây là một minh chứng nữa cho sự tin cậy, cũng như mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.

Chuyến thăm chính thức Pháp sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là dịp để khẳng định mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm của hai quốc gia trong việc tăng cường mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Nhân dịp này, lãnh đạo hai bên sẽ có những trao đổi, đưa ra đường hướng cho quan hệ song phương trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quan hệ, đồng thời mở ra những lĩnh vực hợp tác mới.

Hai bên đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh và qua đó cũng khẳng định được vai trò quốc tế của Việt Nam liên quan đến phát triển bền vững, đặc biệt trong những lĩnh vực năng lượng, giao thông, đổi mới sáng tạo. Bởi có rất nhiều các doanh nghiệp Pháp có thể chia sẻ những dịch vụ, công nghệ của mình, góp phần vào quá trình tăng cường hợp tác giữa Pháp và Việt Nam.

Tất nhiên, còn có một khía cạnh nữa mà hai nước chúng ta sẽ phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn, đó là giao lưu nhân dân, đặc biệt là việc du học, giao lưu giữa các bạn trẻ. Chúng tôi mong muốn ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn sang du học tại Pháp, bởi chúng tôi hiểu rõ được những gì mà nền giáo dục Pháp có thể mang lại, cũng như vai trò quan trọng của các bạn sinh viên trong đóng góp cho quan hệ song phương trong tương lai.

Ở chiều ngược lại, chúng tôi vui mừng nhận thấy số lượng các sinh viên Pháp sang học tại Việt Nam ngày càng tăng lên. Họ có thể học một, hai học kỳ tại các trường đại học Việt Nam có quan hệ liên kết với các đối tác phía Pháp. Tôi tin rằng, các quan hệ giao lưu nhân dân như vậy, đặc biệt là của các bạn trẻ, các sinh viên sẽ góp phần to lớn vào việc tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước trong thời gian tới.

Đại sứ Olivier Brochet trao danh hiệu LabelFrancEducation cho trường Giảng Võ - thành viên của mạng lưới 21 cơ sở giáo dục mang danh hiệu này tại Việt Nam, ngày 18/9/2024. (Nguồn: ĐSQ Pháp tại Việt Nam)

Đại sứ Olivier Brochet trao danh hiệu LabelFrancEducation cho trường Giảng Võ - thành viên của mạng lưới 21 cơ sở giáo dục mang danh hiệu này tại Việt Nam, ngày 18/9/2024. (Nguồn: ĐSQ Pháp tại Việt Nam)

Đại sứ đánh giá như nào về hợp tác văn hoá nghệ thuật giữa Việt Nam và Pháp?

Trước hết, tôi rất vui mừng vì quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Nhà hát Hồ Gươm với Nhà hát Hoàng gia Versailles thông qua các buổi biểu diễn, hòa nhạc thành công trong thời gian qua. Đây là một minh chứng cho hợp tác văn hóa nghệ thuật giữa hai nước chúng ta. Chúng tôi cũng rất biết ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, người dành sự quan tâm đặc biệt đến mối quan hệ hợp tác này.

Có thể nói, hợp tác văn hóa đã diễn ra sôi động ngay từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Khẩu hiệu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp là "Văn hóa sẻ chia" đã cho thấy vai trò quan trọng của lĩnh vực văn hóa trong hợp tác giữa hai bên.

Khẩu hiệu này cũng thể hiện rõ chính sách hợp tác văn hóa giữa Pháp và Việt Nam là cùng quảng bá các giá trị văn hóa, chia sẻ những phương thức phát triển các hoạt động văn hóa. Qua đó, Pháp góp phần hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Đây cũng là phần quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Hợp tác văn hóa Việt Nam-Pháp còn diễn ra hiệu quả thông qua các đối tác công, doanh nghiệp, địa phương... Một ví dụ điển hình là các đối tác địa phương của Pháp đã có nhiều dự án về bảo tồn di sản Hà Nội, góp phần thu hút khách du lịch đến với Thủ đô của Việt Nam.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất