(TTĐN) - Hợp tác xã Lanh Trắng đã trở thành địa chỉ kết nối yêu thương, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ qua biên giới; là nơi dệt thêu cuộc đời mới của nhiều phụ nữ dân tộc Mông ở nơi biên cương xa xôi cực Bắc Tổ quốc.
|
Chị Vàng Thị Cầu (ngoài cùng, bên phải) cùng chị em trong Hợp tác xã Lanh Trắng sáng tạo nên những sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của người Mông. (Ảnh: Phương Liên)
|
“Phụ nữ có việc làm, có thu nhập là sẽ có sự bình đẳng và được tôn trọng, yêu thương” - đó là khẳng định của chị Vàng Thị Cầu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, người sáng lập Hợp tác xã Lanh Trắng. Chị Vàng Thị Cầu là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn - nơi có dinh thự của “Vua Mèo” vang tiếng.
Từ khi còn nhỏ, chị Cầu đã được mẹ truyền dạy cách làm ra những chiếc váy, áo trắng của người Mông bằng sợi lanh. Chị thành thạo tới gần 40 công đoạn, từ trồng, chăm sóc, tước vỏ, se lanh, kéo sợi, dệt vải, hấp, nhuộm, vẽ hoa văn, thêu thùa, may thành sản phẩm. Sản phẩm nguyên thủy truyền thống là những chiếc váy áo màu trắng cho phụ nữ Mông mặc lót bên trong. Vì vậy, người Mông ở đây được gọi là nhánh Mông trắng trong tộc người Mông ở Việt Nam.
Ít năm nay, những chiếc váy áo cho phụ nữ Mông được sản xuất công nghiệp đưa từ dưới xuôi lên hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc vừa đắt đỏ, vừa không đẹp, không bền, nhưng đang dần thay thế cho váy áo dệt theo cách truyền thống. Lớp người già thì bất lực, canh cánh nỗi lo mất nghề truyền thống. Lớp người trẻ còn quay cuồng trong nỗi lo cơm áo gạo tiền, nên chẳng mấy ai tha thiết học nghề. Để giải quyết nỗi lo của người già và tạo cơ hội sinh kế cho người trẻ, có sẵn kiến thức nghề dệt lanh truyền thống, tháng 3/2018, chị Cầu tổ chức các lớp dạy nghề cho nhiều chị em phụ nữ Mông trong huyện; đồng thời, sáng lập ra Hợp tác xã Lanh Trắng.
Hồi đó, chị Cầu mạnh dạn xin UBND huyện Đồng Văn cấp cho gần 200ha đất để trồng cây lanh, hình thành một chuỗi cung ứng khép kín từ nguyên liệu đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Kết hợp với một số vốn ít ỏi vay ngân hàng, chị Cầu cùng 10 thành viên sáng lập bắt đầu khởi nghiệp. Đến nay, hợp tác xã có trên 20 thành viên, đều là người dân tộc Mông và tạo việc làm cho gần trăm người dân xã Sà Phìn và các xã lân cận.
Có một điểm rất đặc biệt ở Hợp tác xã Lanh Trắng, đó là trừ chị Vàng Thị Cầu, các thành viên khác đều là những mảnh đời đã từng có những năm tháng cuộc đời đầy bất hạnh. Trong đó, có 2 chị từng là nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc; 2 chị là người khuyết tật; 10 chị từng là nạn nhân của bạo lực gia đình; 5 chị thuộc gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chỉ duy nhất một anh từng là tác nhân của bạo lực gia đình, nay đang là thành viên của hợp tác xã.
Trong 10 người từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, chị Sùng Thị Si là trường hợp đặc biệt. Chị Si cùng chồng sinh sống ngay đằng sau trụ sở Hợp tác xã Lanh Trắng. Trước đây, chồng chị Si thường xuyên say rượu, đánh chửi vợ con; bao nhiêu tiền bạc làm ra đều bị anh chồng đem đi uống rượu. Anh này đã từng sang Trung Quốc lao động trái phép, nhưng được đồng tiền công nào cũng đều đổ vào ma men, đã thế còn bị chủ quỵt tiền công; trở về nước với hai bàn tay trắng, túng quẫn, anh càng đánh chửi vợ con nhiều hơn...
Biết được hoàn cảnh đáng thương đó, chị Vàng Thị Cầu đã nhiều lần thuyết phục cả hai vợ chồng chị Sùng Thị Si cùng tham gia Hợp tác xã Lanh Trắng. Có việc làm và thu nhập, anh chồng - chính là người đàn ông duy nhất trong hợp tác xã đã bớt uống rượu, không còn đánh chửi vợ con, trở thành lao động chính, là thành viên tích cực nhất trong hợp tác xã, gánh vác hết những việc nặng nhọc thay chị em.
|
Hàng ngày, người phụ nữ Mông cần mẫn dệt thêu sản phẩm, cũng là dệt thêu nên cuộc đời mới cho chính mình. (Ảnh: Phương Liên)
|
Còn chị Sùng Thị Si được giao đảm nhiệm trọng trách rất vinh dự, là Giám đốc điều hành của hợp tác xã. Chị Sùng Thị Si đã cùng Hợp tác xã Lanh Trắng bảo vệ thành công “Đề án phát triển các sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh tự nhiên” - một trong 5 đề án khởi nghiệp xuất sắc được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ mức vốn cao nhất (100 triệu đồng) để tiếp tục phát triển công việc.
Cũng như chị Sùng Thị Si, các thành viên khác đều coi Hợp tác xã Lanh Trắng là điểm tựa vững chắc cho phần đời còn lại của họ. Bà Sùng Thị Say, 55 tuổi, ở xã Sủng Là là người khuyết tật, không có sức khỏe để làm nương và các công việc nặng nhọc; chị Giàng Thị Già, do nhẹ dạ cả tin đã từng bị lừa sang Trung Quốc, may mắn được cứu thoát trở về, nhưng với hai bàn tay trắng và nỗi niềm e ngại với gia đình, cộng đồng... Trở thành thành viên của hợp tác xã với mức thu nhập từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng đã thực sự giúp họ từng bước vượt lên đói nghèo, bệnh tật, thoát khỏi cảnh bế tắc, chủ động trong cuộc sống, dần hòa nhập với cộng đồng.
Giờ đây, các thành viên của Hợp tác xã Lanh Trắng đã làm ra được hơn 70 loại sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông; một số sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP. Sản phẩm của hợp tác xã được bày bán tại chỗ, phục vụ nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm của du khách, nhất là du khách nước ngoài và xuất khẩu sang Canađa, Australia, Italia, Nhật Bản...
Không chỉ góp phần lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mông, những việc làm của chị Vàng Thị Cầu, của Hợp tác xã Lanh Trắng, của những người phụ nữ dân tộc Mông can trường nơi đây đã chứng minh rằng, khi người phụ nữ dám mạnh mẽ vươn lên, có việc làm, có thu nhập thì họ sẽ được tôn trọng, được yêu thương, góp phần tạo ra bình đẳng giới trong gia đình. Hơn thế, nhiều người còn có cơ hội làm lại cuộc đời, thậm chí, đang tự mình dệt thêu nên cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
Hợp tác xã Lanh Trắng nằm ngay cạnh dinh thự của “Vua Mèo” vang bóng một thời, nay là một điểm đến du lịch không thể bỏ qua của du khách trên hành trình đến với Công viên địa chất toàn cầu, đến với cao nguyên đá. Sự tồn tại của hợp tác xã ngay giữa trung tâm xã Sà Phìn còn tạo thêm một điểm nhấn về du lịch làng nghề truyền thống, đồng thời trở thành địa chỉ kết nối yêu thương, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ qua biên giới, góp phần bảo đảm quyền con người ở nơi biên cương xa xôi cực Bắc Tổ quốc. |
Phương Liên
Nguồn: bienphong.com.vn