|
Nhiều hộ Khmer nghèo ở xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long có thu nhập khá từ trồng và bán ngô dọc theo tuyến đường Quảng Lộ - Phụng Hiệp (đoạn qua huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu). (Ảnh: TTXVN)
|
Đồng bào dân tộc Khmer tại tỉnh Bạc Liêu chiếm tỷ lệ 7,58% dân số. Những năm qua, với sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự nỗ lực tự thân, đời sống của người Khmer tại Bạc Liêu không ngừng được nâng lên. Đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm nhanh.
Nếu như trước đây, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào luôn ở mức cao thì nay đã giảm xuống còn 3,86%. Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer.
Đầu tư nâng cao đời sống vật chất, tinh thần
Hồng Dân là một trong những địa phương có đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh Bạc Liêu. Người Khmer ở đây chủ yếu sinh sống tại khu vực nông thôn, sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi và làm thuê...
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hồng Dân cho biết: Địa phương luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt các chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc đầu tư, thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đối với công tác giảm nghèo, huyện chú trọng trợ giúp người nghèo trong tiếp cận thông tin, nguồn lực, chương trình, chính sách và dịch vụ xã hội.
Đồng thời, quan tâm giáo dục thay đổi nhận thức và phát huy nguồn lực cộng đồng trong việc nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả để giảm nghèo bền vững. Thông qua việc triển khai thực hiện các giải pháp phù hợp, công tác giảm nghèo của huyện Hồng Dân đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp nhiều gia đình khmer thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Đơn cử như gia đình chị Danh Kim Hương, ấp Xẻo Dừng, xã Ninh Thạnh Lợi. Nhà ít ruộng đất nên chồng chị phải đi làm thuê ngoài tỉnh. Mặc dù vậy, do thu nhập thấp nên gia đình vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo. Xét thấy hoàn cảnh khó khăn, Ủy ban Nhân dân xã Ninh Thạnh Lợi đã hỗ trợ gia đình tiếp cận nguồn vốn chương trình hỗ trợ vốn sinh kế để làm ăn.
Có được tiền, vợ chồng chị Hương mua lợn về nuôi. Vừa nuôi lợn bán thịt vừa nuôi nái để bán giống, đến nay gia đình không những thoát được nghèo mà còn có vốn tích lũy mở rộng sản xuất. Chị Hương còn được chính quyền xây tặng nhà tình thương, không còn phải lo cảnh mưa lạnh gió lùa. Có được căn nhà kiên cố, lại có vốn tích lũy, gia đình chị Hương an tâm phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập.
|
Mô hình trồng màu trên ruộng mang lại thu nhập ổn định, giúp đồng bào Khmer tại Bạc Liêu thoát nghèo. (Ảnh: TTXVN)
|
Gia đình chị Danh Kim Hương không phải là trường hợp duy nhất, rất nhiều hộ Khmer khác từ chỗ khó khăn, thiếu thốn đã vươn lên trở thành tấm gương tiêu biểu về vượt khó, thoát nghèo.
Bà Thị Rương (ấp Đầu Sấu Tây, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) là ví dụ. Sau khi được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ căn nhà tình thương từ chương trình hỗ trợ “Mái ấm tình thương”, bà Rương còn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện mô hình chăn nuôi kết hợp trồng màu. Rau màu mang lại thu nhập mỗi ngày từ 100.000 đến 200.000 đồng, cộng với tiền bán mấy lứa lợn, gia đình bà Rương đã thoát cảnh nghèo, có thêm niềm tin và động lực để vươn lên cuộc sống.
Những cách làm hay giúp thoát nghèo bền vững
Không riêng gì huyện Hồng Dân, nhiều địa phương khác của tỉnh Bạc Liêu cũng có những cách làm hay trong việc giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững.
Tại huyện Phước Long, để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo huyện đã triển khai nhiều chính sách thiết thực, nhiều công trình, dự án được thực hiện sâu rộng nhằm tạo điều kiện thúc đẩy cho vùng đồng bào Khmer phát triển nhanh và bền vững.
Như ở ấp Mỹ 1 (xã Vĩnh Phú Đông) nhiều hộ Khmer nghèo đã thành công và thoát nghèo với mô hình trồng ngô và mướp. Từ vài hộ người Khmer gặp khó khăn sản xuất lúc đầu, chính quyền địa phương đã vận động tạo điều kiện để nhân rộng mô hình trồng, đồng thời xây dựng sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, giúp nâng cao thu nhập.
Ông Lương Văn Pho, Phó Ban Dân tộc-Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cho biết tỉnh Bạc Liêu luôn xác định công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ban Dân tộc-Tôn giáo tỉnh với trách nhiệm của mình đã phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị khác và Ban quản trị các chùa Nam tông Khmer kịp thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách, trực tiếp vận động người dân để tham gia phát triển kinh tế, xã hội góp phần giảm nghèo bền vững.
Thông qua đó, tạo điều kiện để gần 700 hộ Khmer tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 628 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 379 hộ; tổ chức 14 cuộc tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 700 lượt người tham dự, đưa xuất khẩu lao động gần 30 lao động... với tổng số tiền hơn 136 tỷ đồng.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer, ông Lương Văn Pho cho biết: Ban Dân tộc-Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp, các ngành và đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác giảm nghèo. Quan tâm hơn nữa về công tác phát triển giáo dục, nâng cao dân trí; nâng cao thể chất lực lượng lao động; đào tạo nghề, việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người nghèo vùng dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Khmer.
|
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu trao tặng nhà tình thương cho hộ Khmer nghèo năm 2024. (Ảnh: TTXVN)
|
Cùng với đó, phát huy vai trò tích cực của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong đồng bào vào sự giúp đỡ của Đảng, nhà nước, của cộng đồng.
Tỉnh sẽ tập trung lồng ghép các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, đề án khác đã được Chính phủ phê duyệt thực hiện đối với vùng dân tộc và miền núi.
Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng có đông đồng bào Khmer; thực hiện các chương trình, chính sách nâng cao đời sống đồng bào như: tạo mô hình sinh kế, hỗ trợ nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững./.
Tuấn Kiệt
Nguồn: vietnamplus.vn