Điện lưới thắp sáng bản làng
Công nhân Điện lực Quảng Nam kéo điện về các buôn làng của huyện biên giới Tây Giang. (Ảnh: Thủy Lê)

Công nhân Điện lực Quảng Nam kéo điện về các buôn làng của huyện biên giới Tây Giang. (Ảnh: Thủy Lê)

Vượt qua mọi khó khăn

Khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam gồm 9 huyện: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức và Nông Sơn. Trong đó có 2 huyện biên giới là Tây Giang và Nam Giang, địa hình hầu hết là đồi núi, độ dốc lớn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như lũ quét, sạt lở đất. Những năm qua, tuy đã được Đảng, Nhà nước và chính phủ quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án phúc lợi, nhưng đời sống của đại bộ phận người dân vùng đồng bào DTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn.


Có thể nói, nhờ có điện, những lĩnh vực kinh doanh mới được mở ra ở các vùng đồng bào DTTS, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giúp ly nông không ly hương.

Xóa thôn, bản không có điện lưới quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được cấp ủy, chính quyền các địa phương và các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm. Vì vậy, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, tỉnh Quảng Nam đã và đang tích cực kêu gọi, huy động các nguồn lực đầu tư, gắn với lộ trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo 100% số thôn, bản, hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Song với đặc thù vùng cao, miền núi, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khu vực chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.

Ông Nguyễn Hữu Khánh - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết, việc đầu tư đưa điện lưới lên khu vực miền núi Quảng Nam trở ngại lớn nhất đó là địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao, gây khó khăn trong vận chuyển vật tư và vốn đầu tư xây dựng công trình, nhất là vào mùa mưa, thường xuyên bị cô lập do sạt lở đất. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng rất vất vả do dự án không có chi phí bồi thường; một số điểm dân cư tại các nóc, thôn di dời đến nơi ở khác trước và trong quá trình triển khai thi công. Do vậy, đến nay, vẫn chưa được cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện, kéo dài thời gian bố trí vốn và giải ngân vốn cho dự án để tiếp tục đầu tư hoàn thành.

Mặt khác, các hộ dân chưa có điện hầu hết đều sinh sống phân tán, rải rác, nhỏ lẻ theo cụm, nóc từ 3-7 hộ; nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, cách xa các tuyến giao thông chính và lưới điện quốc gia. Hơn nữa, việc đầu tư cấp lưới điện quốc gia tốn rất nhiều chi phí, suất đầu tư rất cao, không hiệu quả đầu tư cấp điện. Sở Công thương cũng nhiều lần kiến nghị, đề xuất nhưng Công ty Điện lực Quảng Nam không có nguồn vốn đầu tư cấp điện cho các hộ chưa có điện tại khu vực vùng sâu, vùng xa do không chứng minh được hiệu quả đầu tư với các tổ chức cho vay nên không thực hiện đầu tư được. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Điện lực Quảng Nam cùng các công ty điện lực các địa phương đang nỗ lực cao nhất để đưa điện đến các xã, thôn, bản và hộ dân chưa có nguồn điện ổn định, hay đầu tư nâng cấp và cải tạo lưới điện trung, hạ áp, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm tổn thất điện năng.

Ấm no nhờ có điện

Những năm qua, lãnh đạo các cấp của tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, đưa điện lưới quốc gia đến các bản vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào DTTS. Nhờ có điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đời sống của người dân từng bước thay đổi, nâng cao về vật chất, tinh thần. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn những “vùng lõm” về lưới điện quốc gia. Ðây là lực cản lớn đối với công tác giảm nghèo, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Nhờ có điện nên bà con thôn A Đớt tổ chức sinh hoạt vào cả những buổi tối. (Ảnh: Thủy Lê)

Nhờ có điện nên bà con thôn A Đớt tổ chức sinh hoạt vào cả những buổi tối. (Ảnh: Thủy Lê)

Còn đối với người dân, nếu như trước đây chưa có điện, họ không thể sử dụng máy móc, mà phải làm hoàn toàn thủ công, thì giờ đây có điện, họ có thể tiếp cận được khoa học - kỹ thuật qua các thiết bị nghe nhìn, sử dụng điện trong sản xuất để nâng cao năng suất, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, tạo điều kiện để phát triển kinh tế vùng, từng bước xóa đói giảm nghèo, giữ vững sự ổn định chính trị vùng biên. Ông A Lăng Đàn, trú tại thôn A Rớt, xã biên giới A Nông, huyện Tây Giang cho biết: “Trước đây, do chưa có điện lưới nên các hộ dân trong thôn rất thiệt thòi, nhất là trẻ em không có điện sáng học bài. Người dân muốn xem ti vi, tin tức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng khó. Nhiều năm qua, người dân trong thôn đều mong mỏi được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để có điện lưới quốc gia, giúp bà con tiếp cận với những điều văn minh, tiến bộ. Bây giờ có điện lưới quốc gia rồi, gia đình tôi đã mua tủ lạnh, máy xay xát thóc về phục vụ gia đình và người dân trong thôn”.

Bên cạnh đó, trước đây, đường trong thôn chưa có điện thắp sáng, ban đêm đi lại rất nguy hiểm. Do đó, người dân phải tự kéo dây, lắp bóng điện nhưng cũng chỉ có một vài hộ làm. Tuy nhiên, do người dân không thông thạo về kỹ thuật cũng như hạn chế về tài chính, công tác bảo quản, vận hành không đảm bảo, dẫn đến điện chập chờn. Được sự hỗ trợ của Điện lực Quảng Nam, hiện nay, nhiều đoạn đường trong thôn A Rớt được ngành điện lực lắp đặt bóng đèn, đảm bảo an toàn và chiếu sáng đủ cho người dân đi lại. Điều này đã làm thay đổi diện mạo của cả thôn./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất