Tinh gọn bộ máy: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị là yêu cầu cấp thiết
Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: TTXVN)

Tiến sĩ Hoàng Văn Tú, Trưởng Bộ môn Chính trị học, Khoa Lý luận Cơ sở, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, đổi mới hệ thống chính trị luôn là một trong những nội dung trọng tâm của quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Định hướng đổi mới hệ thống chính trị được Ban Chấp hành Trung ương nêu ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là định hướng mang tính chiến lược của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã cụ thể hóa định hướng trên trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay và có ý nghĩa quan trọng đúng vào thời điểm đất nước đang bước vào “kỷ nguyên vươn mình”. Muốn thực hiện được mục tiêu ấy trước hết đòi hỏi hoạt động của hệ thống chính trị phải thật sự hiệu quả.

Theo Tiến sĩ Hoàng Văn Tú, thực tiễn cho thấy việc duy trì bộ máy đã được thiết kế hàng chục năm là không phù hợp với quy luật phát triển. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã và đang là những giải pháp hữu hiệu cho sự cải cách đổi mới hệ thống chính trị, góp phần tạo dựng chính phủ điện tử, chính phủ thông minh, chính phủ số, chính phủ hiện đại. Mặt khác, nhu cầu tham gia chính trị của người dân ngày càng tăng, ngày càng hiệu quả đòi hỏi bộ máy của hệ thống chính trị phải đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân. Do đó, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ có ý nghĩa lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Khảo cứu lịch sử gần 40 năm đổi mới và tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã đánh giá khách quan về những thành tựu quan trọng cũng như chỉ rõ những mặt tồn tại, hạn chế của quá trình đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược vào thời điểm đất nước kỷ niệm 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đến yêu cầu cấp thiết của việc thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đồng thời nêu ba nội dung trọng tâm cần thực hiện.

Tiến sĩ Hoàng Văn Tú phân tích, tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” trong việc hoàn thiện thể chế được đề cập đến trong bài viết đó là phải thực hiện nhanh chóng nhưng trật tự, đúng quỹ đạo để sớm đưa chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống. Cùng với đó, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị phải đi đôi với cơ cấu hợp lý đội ngũ cán bộ. Đây là nhân tố quyết định sự thành bại của quá trình đổi mới. Yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ là phải đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Công tác cán bộ phải được thực hiện khoa học, khách quan, minh bạch, căn cứ trên kết quả công việc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ khi đánh giá cán bộ. Mặt khác, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế sàng lọc cán bộ hiệu quả, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; xây dựng, hoàn thiện chính sách thu hút sử dụng nhân tài, sử dụng người có năng lực vượt trội.

Đại tá Huỳnh Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh (đảng viên 39 năm tuổi Đảng) tâm đắc về bài viết của Tổng Bí thư và cho rằng, vấn đề tinh gọn, nâng cho hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị là yêu cầu cấp thiết, đảm bảo cho sự thắng lợi của cách mạng nước ta trong tình hình mới, giúp đất nước vững bước trên con đường cách mạng của kỷ nguyên phát triển, "kỷ nguyên vươn mình" của dân tộc.

Theo Đại tá Huỳnh Văn Hoàng, bài viết của Tổng Bí thư đã đúc kết lý luận và thực tiễn nước ta, khẳng định tầm quan trọng to lớn của năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu năng của hệ thống chính trị. Lịch sử đất nước cho thấy, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt tạo điều kiện cho nhân dân làm chủ khi được vận hành thông suốt đã là nhân tố quyết định tạo nên những thành tựu to lớn của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như giai đoạn bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Đại tá Huỳnh Văn Hoàng tâm đắc với nội dung bài viết Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém của bộ máy chính trị hiện nay dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tiến trình phát triển của đất nước; đồng thời, đưa ra những chỉ đạo kiên quyết, những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng hệ thống chính trị theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong thời đại mới.

Theo Đại tá Huỳnh Văn Hoàng, qua bài viết của mình, Tổng Bí Thư Tô Lâm đã phân tích, thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại của hệ thống chính trị, thể hiện tầm nhìn, tư duy sáng suốt, dũng cảm và đổi mới. Ba vấn đề được Tổng Bí thư chỉ đạo đã bao hàm những yêu cầu cấp thiết, các giải pháp trọng tâm cho các cơ quan Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước, hệ thống Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Trong đó, Tổng Bí thư đã đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới nhưng phải đảm bảo bám sát Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng… Đây chính là yếu tố thể hiện nguyên tắc cơ bản “Đảng lãnh đạo” trong hệ thống chính trị và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Nhiều năm công tác tại Hội Cựu chiến binh - một trong những thành tố của hệ thống chính trị, Đại tá Huỳnh Văn Hoàng cho rằng, để hệ thống chính trị “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” thì cần đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước mang tính tổ chức cao, tập trung thống nhất và phân công, phân cấp theo phạm vi không gian và nhiệm vụ chính trị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên nâng cao hiệu quả thực hiện vai trò đại diện nhân dân, để tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được thực hiện trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước.

Từ thực tiễn tại địa phương, Đại tá Huỳnh Văn Hoàng nêu rõ, công tác tinh gọn bộ máy phải gắn với nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thì mới đảm bảo được sức mạnh, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hệ thống chính trị. Đảng, Nhà nước cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế và tinh giản biên chế tiến tới cơ chế định biên thống nhất trong cả hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới chế độ công vụ, công chức; xây dựng chính sách đào tạo, thu hút, lựa chọn, sử dụng nguồn nhân lực vừa có trình độ chuyên môn cao vừa có đạo đức cách mạng tốt…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất