|
Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, cần tập trung: Phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp. (Ảnh: Moit)
|
Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra mục tiêu: “Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn”.
Để đạt được mục tiêu trên, ngày 28/02/2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, trong đó, “Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao”.
Phát triển công nghiệp cả chiều rộng và chiều sâu
Theo Đề án, tái cơ cấu ngành công nghiệp là sự kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 8,5 - 9%/năm.
Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ những ngày đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động; tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp.
Để đạt được mục tiêu đề ra trong Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, cần tập trung: Phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp; chú trọng nội địa hoá chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu; xanh hóa các ngành công nghiệp, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên và năng lượng trong các ngành công nghiệp; chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các bon thấp; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 30% với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9 - 10%/năm; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.
Trong đó, đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao, ưu tiên phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để đi tắt, đón đầu trong phát triển một số ngành, sản phẩm, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ cao.
Đối với công nghiệp hỗ trợ đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn như: Điện tử, ô tô, dệt may, da giày, cơ khí, công nghệ cao… và tăng cường khả năng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất trong nước.Tăng cường làm chủ công nghệ cốt lõi, tạo dựng thương hiệu Việt Nam, sử dụng công nghệ Việt Nam và gắn kết hiệu quả với mạng lưới chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài...
Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các bon thấp; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 30% với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9 - 10%/năm; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.
Tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao và các ngành kinh tế sáng tạo, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ cao, trọng tâm "Make in Viet Nam", sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, tích hợp thành sản phẩm thương mại tại Việt Nam.
Cơ cấu lại không gian phát triển công nghiệp theo lợi thế của từng vùng
Theo Quyết định 165/QĐ-TTg, Thủ tướng chỉ đạo cơ cấu lại các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái gắn với hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp có tính đến lợi thế so sánh của từng địa bàn, vùng theo hướng tăng cường hỗ trợ và kết nối các chuỗi cung ứng trong nước nhằm thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả hơn. Cụ thể:
Vùng trung du và miền núi phía Bắc: Phát huy các lợi thế về tài nguyên khoáng sản và phát triển hiệu quả các cơ sở khai thác gắn với chế biến sâu các loại khoáng sản. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất phân bón và hóa chất.
Vùng đồng bằng sông Hồng: Tập trung phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp điện tử, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: Nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế, tổ hợp công nghiệp lọc dầu, hoá dầu, hóa chất, luyện kim, sản xuất, lắp ráp ô tô. Phát triển nhanh, đồng bộ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản và phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế Đông - Tây.
Vùng Tây Nguyên: Tập trung phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bô-xít, alumin trên quy mô lớn, phát triển công nghiệp chế biến nhôm. Hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản trên thị trường quốc tế. Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo.
Vùng Đông Nam Bộ: Tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, công nghiệp dệt may, da giày; phát triển chuỗi công nghiệp Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông thuỷ sản, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm; phát triển năng lượng tái tạo.
Vùng ven biển: Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp quy mô lớn tại các khu kinh tế ven biển, trong đó chú trọng các ngành sản xuất công nghiệp nặng như thép và hóa chất, chế biến sâu các loại khoáng sản có tiềm năng và trữ lượng lớn như quặng sắt, titan...
Ưu tiên phát triển các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc dầu, hoá dầu, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành phát triển đô thị và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh gắn với bảo vệ môi trường.
Duy Anh
Nguồn: congthuong.vn