Quy định 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã kịp thời tiếp thêm luồng sinh khí mới, gửi thông điệp mạnh mẽ tới từng tổ chức Đảng và đảng viên toàn tỉnh về công tác xây dựng Đảng, truyền cảm hứng cách mạng, lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân.
|
Bà Hà Thị Sinh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Yên Bái cho rằng tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ Đảng viên giữ vai trò quyết định. (Ảnh: TTXVN)
|
Đề cao chuẩn mực “gương mẫu”
Thực tiễn tại Yên Bái cho thấy, đã có không ít những tấm gương đảng viên tiêu biểu tiên phong gương mẫu đi đầu trong các phong trào, lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, khẳng định vị trí lãnh đạo, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ tới quần chúng nhân dân.
Bà Hà Thị Sinh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Yên Bái cho rằng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên giữ vai trò quan trọng, tạo nên sự phát triển bền vững của tổ chức Đảng; cán bộ, đảng viên có chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu. Do vậy, Thành ủy Yên Bái đã cụ thể hóa nội dung chuẩn mực nêu gương gắn với thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, từng đảng viên đang đảm nhận.
Không chỉ có cán bộ, đảng viên xây dựng và ký cam kết tự giác thực hiện; việc nêu gương phải toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ, quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác.
Với phương châm “Đảng viên gương mẫu đi trước, làng nước theo sau”, những năm qua, tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, chuẩn mực “gương mẫu” càng có ý nghĩa sâu sắc hơn bao giờ hết. Cán bộ, đảng viên nơi đây không chỉ gương mẫu trong lời nói mà còn phải gương mẫu tiên phong trong hành động.
|
Bí thư Huyện ủy Mù Càng Chải Nông Việt Yên nêu quan điểm về Quy định 144: Đảng viên luôn phải là người hành động trước, tạo sự mẫu mực để người dân học tập và làm theo. (Ảnh: TTXVN)
|
Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho rằng, một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng tại khu vực vùng cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số là phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nói đi đôi với làm, nhất là cán bộ đảng viên đứng đầu các cấp luôn phải hành động trước, tạo sự mẫu mực để người dân học tập và làm theo.
Đảng viên tự giác nêu gương không chỉ dừng lại ở việc tự giác tu dưỡng, rèn luyện chính bản thân mà còn tích cực vận động, thuyết phục gia đình, người thân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ có vậy, cán bộ đảng viên mới khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào phát triển.
Thông điệp đổi mới, sáng tạo
Việc cụ thể hóa “sáng tạo” theo tinh thần cán bộ “6 dám” đã được Đảng bộ Yên Bái coi trọng đặc biệt, từ chủ động đổi mới tác phong, lề lối làm việc đến đổi mới giao nhiệm vụ và đánh giá kết quả đối với cán bộ các cấp. Phương châm đặt ra là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nhân dân.
|
Bà Lê Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Yên Bái khẳng định QĐ144 để nhận diện bản lĩnh và đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. (Ảnh: TTXVN)
|
Theo bà Lê Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Yên Bái cho rằng, đây là quy định để nhận diện bản lĩnh và đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực thi nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường luôn có suy nghĩ tích cực, có sáng kiến mới mang lại hiệu quả cao, đồng thời lên án "căn bệnh" làm đối phó với cấp trên, làm vì lợi ích của bản thân.
Nhà trường luôn quán triệt sâu sắc tới cán bộ giảng viên về tính dám chịu trách nhiệm và dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung. Nhờ vậy, mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Yên Bái luôn nỗ lực hết sức hoàn thành tốt nhiệm vụ, không né trách, đùn đẩy, sẵn sàng chịu trách nhiệm, nhận lỗi khi không hoàn thành nhiệm vụ. Dám đương đầu với những khó khăn, thử thách, coi đây là thước đo thực sự về bản lĩnh chính trị đối với mỗi đảng viên.
Theo ông Chế Huy Ba, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái cho rằng, chuẩn mực "dám nghĩ" thể hiện cái tâm - tầm - trí của người cán bộ, đồng thời còn là bản lĩnh của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Điều này còn được thể hiện ở khả năng vận dụng linh hoạt năng lực, trình độ cá nhân, khả năng phối hợp để thực hiện nhiệm vụ một cách nhanh chóng, hiệu quả; biến lý luận thành thực tiễn.
Cũng theo ông Chế Huy Ba, chuẩn mực “Dám chịu trách nhiệm” còn là sự thể hiện năng lực dám tiếp nhận phê bình, đóng góp từ tập thể, kể cả từ cấp dưới để điều chỉnh, bổ sung các biện pháp chỉ huy điều hành phù hợp với thực tế và chịu trách nhiệm đến cùng với quyết định của mình.
Nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất
Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, củng cố và giữ gìn khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, cấp ủy các cấp tỉnh Yên Bái đã tiếp tục phổ biến, quán triệt rộng rãi, sâu sắc, đầy đủ thông qua 2 nội dung quan trọng tại điều 4 của Quy định 144-QĐ/TW; kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, có ý nghĩa sâu sắc đối với một tỉnh miền núi, nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống như Yên Bái.
|
Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái Hà Đức Hải triển khai nhiệm vụ công tác với các phòng ban chuyên môn. (Ảnh: TTXVN)
|
Anh Hà Đức Hải, Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái cho rằng, luôn luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm được xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo của Đảng ta từ khi thành lập đến nay. Do vậy có thể khẳng định nội dung này là chuẩn mực quan trọng, tiên quyết nhất mà cán bộ, đảng viên phải tuân thủ.
Đối với các cấp bộ Đoàn - Hội tỉnh Yên Bái, theo anh Hà Đức Hải, trước kết phải đoàn kết trong chi bộ cơ quan tỉnh đoàn, rộng hơn nữa là trong cán bộ đoàn, đoàn viên và các đối tượng thanh niên. Điều này được minh chứng rất rõ trong khẩu hiệu hành động của tuổi trẻ Yên Bái là chữ đoàn kết được đặt lên đầu tiên, qua đó thể hiện quyết tâm giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong các cấp bộ Đoàn, làm nền tảng vững chắc để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là hạt nhân trong sạch, luôn có ý thức xây dựng tổ chức Đảng phải thật đoàn kết, vững mạnh từ cơ sở, bắt đầu từ chi bộ. Tinh thần đoàn kết không được đánh đồng với “đoàn kết một chiều”, "dĩ hòa vi quý”, “phe cánh”, “bằng mặt mà không bằng lòng”, phải thực sự vì cái chung.
Bên cạnh đó, để tạo môi trường gắn kết, đồng thuận giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, huyện Mù Cang Chải đã sáng tạo nhiều mô hình, cách làm thiết thực, như mô hình 4 biết, 4 phải và 4 tốt. Đặc biệt là mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” với phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau; làm đến đâu, chắc đến đó; làm việc nào, được việc ấy”, với hành động “Đã đi là đến, đã đến là làm, đã làm là phải xong” được tỉnh Yên Bái và Trung ương coi đây là mô hình tiêu biểu của sức mạnh đoàn kết./.
Tuấn Anh - Tiến Khánh
Nguồn: baotintuc.vn