|
Việt Nam chủ động, tích cực xây dựng và phát biểu tại khóa họp lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, diễn ra trong vòng sáu tuần từ ngày 26/2-5/4. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)
|
Môi trường quốc tế và khu vực đối mặt nhiều rủi ro, thách thức chưa từng có. Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 chậm lại, trầm trọng hoá thêm bởi các tắc nghẽn các giao thông huyết mạch và đứt gãy chuỗi cung ứng do cạnh tranh địa chiến lược toàn cầu.
Các bước đi chiến lược tạo thế chủ động
Bất chấp môi trường đối ngoại phức tạp, trong năm qua, các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, tiếp tục diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn đa phương quan trọng. Các chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden năm 2023 và của Tổng thống Nga Putin năm 2024 là kỳ tích đối ngoại được cả thế giới quan tâm chú ý, giúp củng cố hình ảnh Việt Nam là quốc gia độc lập, tự chủ, đa dạng hoá quan hệ trong thế giới thiếu hụt lòng tin chiến lược hiện nay.
Các cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo Chính phủ và đảng cầm quyền ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào, gần đây nhất là các chuyến thăm cấp nhà nước tới Lào và Campuchia của Chủ tịch nước Tô Lâm; các hoạt động dày đặc sôi nổi của lãnh đạo cấp cao ta với các nước ASEAN thể hiện sự chủ động, tích cực bình ổn, thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, các nước khu vực vốn có ý nghĩa chiến lược với lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Trong thế giới mà đặc điểm chủ đạo là cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, các nước tầm trung được đặc biệt chú ý, là nhân tố góp phần cân bằng, duy trì ổn định chung. Năm qua, quan hệ của Việt Nam với nhiều quốc gia tầm trung, nhiều nền kinh tế được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị được củng cố, hợp tác được thúc đẩy thực chất, đi vào chiều sâu, mở ra nhiều lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược mới. Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc, Australia và Nhật Bản lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Mới đây nhất, quan hệ với Ấn Độ được tăng cường với chuyến thăm nhiều dấu ấn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Các bước phát triển có tính “đột phá” với các đối tác quan trọng đánh dấu việc lần đầu tiên Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các nước tầm trung chủ chốt trong khu vực; đồng thời có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác chiến lược toàn diện với cả năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ); đối tác toàn diện trở lên với cả bảy nước thuộc Nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Sự chủ động và tiên phong tạo dựng, định hình môi trường đối ngoại có bước khai phá mới với việc lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN, được mệnh danh như “Đối thoại Shangri-la” phiên bản của Việt Nam. Diễn đàn bán chính thức mang tính rộng mở, kết nối, diễn đàn kênh 1.5 thường niên đầu tiên của khu vực chuyên sâu thảo luận về vai trò và tương lai của ASEAN ở khu vực thể hiện sự chủ động, sáng tạo của Việt Nam, không chỉ tham gia các sân chơi toàn cầu, mà còn kiến tạo các sân chơi khu vực và toàn cầu phù hợp với tầm nhìn và lợi ích của Việt Nam và của ASEAN nói chung. Các Hội thảo khoa học thường niên về Biển Đông, Diễn đàn Mekong, Hội thảo khoa học nghiên cứu về Trung Quốc đã trở thành các diễn đàn thường niên quan trọng, là đóng góp của Việt Nam vào những vấn đề khu vực nóng hổi được thế giới quan tâm.
Vị thế, uy tín và tiếng nói của Việt Nam còn được khẳng định nổi bật tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương truyền thống quan trọng khác. Trong năm 2023, Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm các trọng trách quốc tế như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77; trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025; trúng cử Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022-2026”. Trên các diễn đàn đó, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp thúc đẩy hợp tác và đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung như phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, lần đầu tiên cử lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đóng góp vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội
Ngoại giao kinh tế luôn là nội dung trung tâm, xuyên suốt của các hoạt động ngoại giao Việt Nam, là nội hàm quan trọng của mọi hoạt động đối ngoại lớn, nhất là của lãnh đạo cấp cao. Trước các diễn biến mới của kinh tế toàn cầu như chuyển dịch mô hình phát triển, thay đổi sắp xếp lại chuỗi cung, định hình lại các mối liên kết kinh tế quốc tế, gia tăng các biện pháp bảo hộ dưới các hình thức khác nhau, nội hàm của công tác ngoại giao kinh tế đã có những nội hàm mới. Các hoạt động đối ngoại trong năm qua đã góp phần quan trọng củng cố các thị trường truyền thống đồng thời khai thông và tạo đột phá vào các thị trường mới và mới nổi quan trọng khác như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi…
Ngoại giao đã nhạy bén nắm bắt các xu hướng phát triển trên thế giới nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng xuất khẩu, thu hút nguồn lực bên ngoài. Từ đó, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023 đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, nhiều nhất từ trước tới nay; thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Việc củng cố và nâng cấp quan hệ ngoại giao đưa hợp tác kinh tế đi vào chiều sâu, gắn với các cam kết, thỏa thuận cụ thể, thu hút đầu tư; với nhiều nội hàm phù hợp với xu thế mới. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa qua, hai bên đã đạt được thỏa thuận quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, nhất là kết nối hạ tầng chiến lược. Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí tăng cường hợp tác xây dựng các dự án giao thông quan trọng, đặc biệt là những dự án kết nối biên giới hai nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và giao lưu nhân dân.
Sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện đã có những chuyển biến tích cực cho hợp tác công nghệ cao nói chung, chất bán dẫn và AI nói riêng. Nhiều doanh nghiệp bán dẫn Mỹ tới Việt Nam tìm hiểu và khảo sát thị trường, trong đó 15 công ty năng lượng và công nghệ bày tỏ quan tâm và mong muốn đầu tư vào Việt Nam với số vốn lên tới tám tỷ USD. Đây chỉ là một vài ví dụ về các hợp tác kinh tế thực chất, hiệu quả, mang tầm chiến lược được thúc đẩy với từng nước đối tác quan trọng trong thời gian qua.
Ngoại giao văn hóa liên tục đổi mới, công tác bảo hộ công dân ngày càng chuyên nghiệp, nhạy bén, kịp thời
Sự hấp dẫn, thuyết phục của hình ảnh Việt Nam qua tâm hồn, khí phách, cốt cách của người Việt, văn hoá Việt, của "câu chuyện Việt Nam" về tính nhân văn, hoà hiếu chính nghĩa luôn là sức mạnh mềm, nguồn lực tiềm ẩn của ngoại giao Việt Nam. Năm 2023 là năm đặc biệt đối với ngoại giao văn hoá Việt Nam khi kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023); đồng thời là năm thứ hai thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hoá đến năm 2030. Nhiều sự kiện văn hóa được tổ chức ở nước ngoài, đặc biệt là nhân dịp các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn quốc tế. Trong năm 2023, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới; đồng thời, có thêm hai thành phố là Đà Lạt và Hội An được công nhận là thành phố sáng tạo của UNESCO.
Người Việt Nam ở nước ngoài, một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước coi là một phần quan trọng đóng góp cho vai trò, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong năm qua, công tác bảo hộ công dân đã luôn được chú trọng, đầu tư, ngày càng nhạy bén, kịp thời, đặc biệt trong việc đối phó với các khủng hoảng và sự cố liên quan đến công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Khi xảy ra xung đột tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, đặc biệt là tại Israel và Dải Gaza, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam đã nhanh chóng thiết lập các kênh liên lạc khẩn cấp, cung cấp thông tin và hỗ trợ công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại các khu vực này. Các biện pháp bảo hộ khẩn cấp, như sơ tán công dân và tổ chức các chuyến bay đưa người về nước an toàn, đã được triển khai kịp thời, giúp hàng trăm người tránh khỏi các nguy cơ từ bạo lực và xung đột.
Tựu trung, ngoại giao đã luôn chủ động trước bối cảnh tình hình mới, làm chủ “thế trận đối ngoại”, tiên phong phát hiện tháo gỡ khó khăn, thách thức từ sớm, từ xa, giữ thế chủ động trong kiến tạo môi trường đối ngoại thuận lợi và linh hoạt, sáng tạo nắm bắt cơ hội thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm môi trường hoà bình và ổn định, tạo ra các đột phá giúp đất nước nhanh chóng thích ứng với các thách thức mới và tận dụng hiệu quả tiềm năng phục vụ cho mục tiêu phát triển của dân tộc, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế./.
TS. Nguyễn Hùng Sơn - Bùi Phương Mai - Học viện Ngoại giao
Nguồn: baoquocte.vn