|
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Tập đoàn Rosatom. (Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ)
|
Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với đối tác Nga triển khai dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu Khoa học công nghệ hạt nhân tại Đồng Nai với cấu phần chính là lò phản ứng hạt nhân công suất 10 MW nhằm sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ y tế và công nghiệp; chiếu xạ pha tạp silic bằng neutron để sản xuất chất bán dẫn…
Đây là tin vui cho những lĩnh vực, ngành đang sử dụng nhiều sản phẩm từ hạt nhân như y tế, công nghiệp, nông nghiệp… bởi nhu cầu sử dụng các sản phẩm này đang ngày càng gia tăng để đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu cũng như nhu cầu bức thiết của người dân trên nhiều lĩnh vực ứng dụng của hạt nhân.
Khó đáp ứng đủ nhu cầu
Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, đơn vị trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cơ sở bức xạ đầu tiên ở Việt Nam, đang cung cấp các dịch vụ chiếu xạ thực phẩm, thanh/khử trùng để diệt côn trùng, vi sinh vật, giảm tổn thất và kéo dài thời gian bảo quản các loại nguyên liệu và sản phẩm Đông Nam dược, nông sản và các sản phẩm phi thực phẩm khác...
Hiện nay, Trung tâm đã nâng cấp thiết bị và đầu tư kho lạnh để được phép chiếu xạ 3 loại quả (vải, xoài và nhãn) xuất khẩu sang Australia.
Theo ông Phan Việt Cương, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, để đạt tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ và Australia, các loại nông sản bắt buộc phải kiểm dịch bằng chiếu xạ.
Trong mùa vải, hệ thống chiếu xạ tại Trung tâm có khả năng xử lý được khoảng 30 tấn vải/ngày. Với các loại hoa quả miền Bắc như vải, nhãn, xoài…, nếu khâu chiếu xạ được triển khai hiệu quả, sẽ mở ra cánh cửa lớn đến với nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Hoa Kỳ đang phải vận chuyển hàng hóa vào phía Nam để chiếu xạ do vướng mắc trong khâu yêu cầu thẩm định bằng chuyên gia kỹ thuật Hoa Kỳ với mức chi phí cao, từ 75-100 nghìn USD/lượt chuyên gia thẩm định trong khoảng thời gian 2 tháng (hoặc 350.000 USD trong thời gian 1 năm).
Nếu gỡ được điểm nghẽn này, các doanh nghiệp xuất khẩu tại khu vực phía Bắc sẽ tiết kiệm đáng kể do rút ngắn được thời gian, giảm được chi phí vận chuyển.
|
Dây chuyền sơ chế, chế biến vải thiều xuất khẩu tại Công ty CP XNK thực phẩm Toàn Cầu. (Ảnh: Danh Lam)
|
Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đang tìm kiếm đối tác hợp tác trong lĩnh vực này theo hướng xã hội hóa; đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình triển khai các thủ tục cấp phép liên quan đến chiếu xạ thực phẩm nhằm đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng kịp thời cho mùa vải năm 2025, góp phần gia tăng giá trị, mang lại thu nhập cao cho nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản…
Ở lĩnh vực y tế, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội và một số ít bệnh viện trên cả nước có máy gia tốc sản xuất dược chất phóng xạ với thời gian bán rã ngắn (trong vòng 2 tiếng) phục vụ chẩn đoán ung thư.
Tuy nhiên, cũng theo Tiến sỹ Phan Việt Cương, số dược chất phóng xạ được Trung tâm sản xuất chưa đủ cho nhu cầu tại khu vực Hà Nội.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm từ đồng vị phóng xạ cũng đang được Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội nghiên cứu nhưng chưa có kết quả khả quan do thiếu hụt các nguồn lực từ con người đến cơ sở hạ tầng, kinh phí…
Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân
Theo Tiến sỹ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử, những ứng dụng trong đời sống của năng lượng nguyên tử là rất đa dạng, nhu cầu của các ngành, lĩnh vực, người dân, doanh nghiệp là rất lớn. Song, hạn chế, khó khăn đến từ các nguồn lực đã dẫn đến sự thiếu hụt các sản phẩm liên quan đến hạt nhân.
Dự án Trung tâm Nghiên cứu Khoa học công nghệ hạt nhân đang được triển khai có cấu phần chính là lò phản ứng hạt nhân công suất 10 MW, sử dụng nhiên liệu độ giàu thấp do Nga chế tạo, được xây dựng trên diện tích 100ha tại thành phố Long Khánh (Đồng Nai).
Mục tiêu chính của dự án này là sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ y tế và công nghiệp, chiếu xạ pha tạp silic bằng neutron để sản xuất chất bán dẫn… Từ đó, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và công nghệ bức xạ vào đời sống xã hội, đặc biệt chú trọng phát triển về lĩnh vực y học hạt nhân, hướng đến trung tâm quốc gia, khu vực về chẩn đoán và điều trị ung thư.
|
Cấp đông sản phẩm xoài xuất khẩu tại nhà máy của Công ty B'LaoFood (thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). (Ảnh: Vũ Sinh)
|
Đây là dự án được thực hiện theo Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam-Liên bang Nga ký năm 2011 và Chính phủ Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018.
Các chuyên gia đã khảo sát, đánh giá sơ bộ địa điểm xây dựng lò phản ứng hạt nhân, cho thấy đây là địa điểm thuận lợi khi cách trung tâm Long Khánh khoảng 10km và nằm trên đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết nối với Thành phố Hồ Chí Minh.
Để hỗ trợ thẩm tra, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo phân tích an toàn và hồ sơ thiết kế, trước đó Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị các chuyên gia Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) tạo điều kiện cho một số cán bộ Việt Nam tham gia thực hiện thiết kế cơ sở của lò phản ứng và các tính toán, phân tích an toàn đi kèm.
Rosatom cũng giúp Việt Nam trong đào tạo cán bộ vận hành lò phản ứng nghiên cứu.
Sau khi có số liệu thiết kế cơ sở, các đơn vị chức năng sẽ mô phỏng tính toán và lập báo cáo phân tích an toàn, đưa ra tất cả kịch bản sự cố có thể xảy ra để tính toán, phân tích.
Theo quy định hiện nay, ngay cả kịch bản sự cố xấu nhất xảy ra thì thiết kế phải bảo đảm không ảnh hưởng đến con người và môi trường xung quanh.
Việc đánh giá, tính toán phân tích an toàn sẽ được thực hiện vào đầu năm 2025. Sau khi hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ địa điểm, các cơ quan chức năng sẽ thẩm định và phê duyệt. Sau đó sẽ xây dựng, thương thảo hợp đồng thiết kế; mua sắm vật tư, thiết bị; thi công xây dựng công trình, dự kiến vào giai đoạn 2027-2028.
Tiến sỹ Trần Chí Thành cho biết Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thực hiện xây dựng các nhóm chuyên môn sâu về vật lý lò, thiết kế sử dụng kênh ngang, sản xuất đồng vị phóng xạ trên lò nghiên cứu, nghiên cứu vật liệu, chiếu xạ silic làm bán dẫn, nghiên cứu phân tích kích hoạt, bảo vệ môi trường, an toàn hạt nhân...
Phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, gắn với phát triển kinh tế-xã hội là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta.
Năng lượng nguyên tử ngày càng được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả trong ngành y học, nông nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa… Do đó, việc phát triển các nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hạt nhân là bước đi tất yếu để tiến tới phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững./.
Thu Phương
Nguồn: vietnamplus.vn