(TTĐN) - Những quyết sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những giai đoạn then chốt của cách mạng đã giúp xác lập vị trí của “nước Việt Nam mới” trên bản đồ thế giới.
|
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao tại Hội nghị ngoại giao lần thứ nhất vào tháng 3/1957. (Ảnh: tư liệu)
|
Cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam tiến đến cao trào với nhân tố mới là những quan hệ quốc tế với lực lượng Đồng minh trong cuộc chiến đấu chống phátxít, giành độc lập dân tộc. Quá trình thiết lập mối quan hệ đã được chuẩn bị từ khá sớm trước khi Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng tuyên đọc trước quốc dân Việt Nam và thế giới. Hôm nay, những kinh nghiệm từ cuộc cách mạng vẫn đang được vận dụng và phát huy.
Tầm nhìn xa và sự lựa chọn sáng suốt
Với kinh nghiệm và sự nhạy cảm chính trị thiên bẩm của một nhà cách mạng nhiều kinh nghiệm, luôn theo dõi sát những diễn biến của tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những nhận định quan trọng về tình hình thế giới cũng như đề ra những quyết sách cho cách mạng Việt Nam trong bối cảnh Thế chiến II đang lan rộng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam trong bối cảnh chung của cuộc đấu tranh của toàn nhân loại chống chủ nghĩa phátxít.
Người tìm cách tạo mối liên hệ với lực lượng đồng minh để cách mạng Việt Nam có cơ hội nhận được những sự giúp đỡ trực tiếp cho cuộc kháng Nhật cứu nước. Nhưng điều quan trọng hơn sau những hoạt động không mệt mỏi của Người trong giai đoạn gấp rút này là tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của “nước Việt Nam mới” trên trường quốc tế sau này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết lập quan hệ với các lực lượng Trung Quốc chống Nhật ở Trùng Khánh, với các cơ quan quân sự và tình báo Mỹ ở Côn Minh. Người làm cho người Mỹ hiểu rõ hơn về Việt Minh và cuộc chiến đấu giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Mặc dù các nguồn tin từ cả phía Pháp và Trung Quốc xác nhận rằng Hồ Chí Minh là người chống Pháp và là cộng sản nhưng Mỹ bắt đầu coi Việt Minh như một lực lượng đồng minh chống Nhật tích cực mà họ có thể phối hợp các nỗ lực. Các đội du kích cách mạng ở Cao Bằng cũng nhận được sự hỗ trợ về vũ khí, về phương tiện thông tin liên lạc và huấn luyện của một số chuyên gia quân sự do Mỹ gửi tới.
Hữu nghị, bình đẳng để cùng phát triển
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi cuộc đấu tranh thiết lập quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia, chống lại mọi sự áp đặt, thống trị bất công của các “nước lớn” là sự phát triển, hoàn thiện của công cuộc giải phóng dân tộc. Trong tất cả các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam, điều được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh từ rất sớm trong Thông cáo về chính sách đối ngoại của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/10/1945: “Việt Nam muốn xây dựng quan hệ hữu nghị dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng quyền lợi lẫn nhau”. Với các nước láng giềng thì “hợp tác bình đẳng để sánh vai ngang hàng cùng tiến hóa”, với các “nước lớn” thì “sẵn sàng hợp tác thân thiện trên nguyên tắc bình đẳng, ủng hộ lẫn nhau”.
Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn định hướng mở rộng cánh cửa để cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là một bộ phận của cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì hoà bình và những giá trị nhân đạo, nhân văn. Trong giai đoạn trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập những năm 1941-1945, điều này có ý nghĩa to lớn, được Người thực hiện với tất cả sự nỗ lực và đã có những thành công nổi bật. Luôn nhấn mạnh cần “đem sức ta giải phóng cho ta” nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá cao và luôn trân trọng mọi sự giúp đỡ quốc tế, tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực cho cách mạng Việt Nam. Đây là tư tưởng lớn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện thành công trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Tư tưởng đó tiếp tục được kế thừa và phát triển trong sự nghiệp kháng chiến bảo vệ nền độc lập. Trong sự nghiệp xây dựng đất nước phát triển đi tới phồn thịnh, các nguồn lực đầu tư, viện trợ, hợp tác được khẳng định là những nhân tố quan trọng từ bên ngoài để tăng cường cho những nỗ lực bên trong.
Kinh nghiệm lịch sử tiếp tục được phát huy
Một trong những bài học kinh nghiệm thành công của cách mạng Việt Nam là đã kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã qua gần 40 năm, vẫn đang tiếp tục và đi vào chiều sâu trong bối cảnh nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển, quá trình toàn cầu hoá ngày càng mạnh mẽ. Trong bối cảnh ấy, bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại từ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vẫn được kế thừa và phát triển sáng tạo. Kinh nghiệm lịch sử tiếp tục được phát huy trong giai đoạn mới bằng nhiều biện pháp, chủ trương, đường lối cụ thể. Trong việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì nhân tố bên trong, sức mạnh dân tộc giữ vai trò quyết định. Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng. Hai nguồn lực này gắn kết với nhau thành sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước.
Từ một nước có nền kinh tế kế hoạch tập trung, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam chủ động tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi, huy động các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế - xã hội. Lợi ích quốc gia - dân tộc đã, đang và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam, là tiêu chí cao nhất trong triển khai các hoạt động đối ngoại. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định đây là quan điểm chỉ đạo xuyện suốt trong định hướng phát triển đất nước. Đối ngoại phải bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu rõ nhiệm vụ “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia”. Độc lập, tự chủ, tự cường, phát huy nội lực của dân tộc là cơ sở, tạo ra sức mạnh nội sinh để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Mục tiêu bao trùm của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn mới là phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi để chủ động, tích cực xây dựng, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược phát triển đất nước.
Tuân thủ nguyên tắc “Dĩ bất biến ứng vạn biến” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên từ năm 1946, ngoại giao Việt Nam nêu cao thiện chí “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”, được nhấn mạnh kể từ Đại hội X của Đảng (2006).
Những bài học về vận dụng sách lược đối ngoại khôn khéo, sáng tạo trên cơ sở luôn kiên định mục tiêu chiến lược trong cuộc vận động giải phóng dân tộc những năm 1941-1945 để đi đến thắng lợi cuối cùng của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 cho đến nay vẫn còn nhiều ý nghĩa. Những bài học xuyên suốt lịch sử dân tộc được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, phát huy cùng với Tư tưởng Hồ Chí Minh để hình thành nên trường phái đối ngoại, ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Thực tiễn đã khẳng định những thành tựu của đối ngoại, ngoại giao trong thời kỳ mới, chứng minh đường lối đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” đã “góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung, to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta”, nhờ đó “vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế” và “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá.
TS. Ngô Vương Anh
Nguồn: baoquocte.vn