(TTĐN) - Tiếp tục hoàn thiện chuỗi sản xuất sẽ tạo ra những lợi thế quan trọng để Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
|
Chuỗi sản xuất chưa hoàn thiện ảnh hưởng đến cơ hội thu hút FDI vào Việt Nam (Ảnh minh họa: congthuong.vn)
|
Phát biểu tại Hội nghị Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 diễn ra vào ngày 26/3, TS Lê Minh Nghĩa – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) cho rằng: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những cải cách công nghệ lớn tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Theo đó, sản xuất thông minh trở thành một xu thế tất yếu với việc ứng dụng công nghệ số hóa vào hoạt động sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và năng suất lao động, tiết kiệm đáng kể chi phí, đặc biệt là chi phí nhân công, bảo vệ môi trường cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh và hiệu quả trong kinh doanh.
Tại Việt Nam, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu, đến 2030 Việt Nam sẽ “là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại” và đến 2050, trở thành “nước phát triển thu nhập cao”, “thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á”… theo đó phát triển chuỗi sản xuất thông minh càng đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu trên.
Tại hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tuy nhiên nhiều ý kiến vẫn cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện chuỗi sản xuất thông minh, để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương bên lề Hội nghị ông Trương Thiệu Cường – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiết bị hiển thị Tomko (Trung Quốc) cho biết, hiện doanh nghiệp đang đầu tư một nhà máy lắp ráp linh kiện tại Việt Nam, đồng thời đang nghiên cứu đầu tư vào một số lĩnh vực logistics, chăm sóc sức khoẻ.
Cũng theo ông Trương Thiệu Cường, điều mà ông đánh giá cao nhất khi đầu tư vào thị trường Việt Nam đó là chính trị ổn định, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện. Việt Nam cũng là điểm đến được nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, chuỗi sản xuất của Việt Nam hiện nay chưa hoàn thiện, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Châu Hoành – Đại diện Công ty TNHH Tư vấn DH Việt Nam – một doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc cũng cho biết: Việc chưa hoàn thiện chuỗi sản xuất khiến Việt Nam mất đi khá nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi nếu chuỗi sản xuất đã hoàn thiện, nhà đầu tư đến Việt Nam họ sẽ sử dụng linh phụ kiện của các doanh nghiệp trong nước sản xuất, còn nếu chuỗi sản xuất chưa hoàn thiện, họ sẽ phải nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ nước ngoài, không chỉ gia tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp mà còn không kích thích được sản xuất trong nước phát triển.
Ông Lê Minh Nghĩa, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược tại khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh giữa các khu vực kinh tế và các nước lớn trên trên thế giới ngày càng phức tạp, nhất là việc gây ảnh hưởng và chiếm lĩnh thị trường khu vực Đông Nam Á. Sự ổn định về chính trị, xã hội với thị trường hơn 100 triệu dân, một Chính phủ kiến tạo với các chính sách quyết liệt và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm hội nhập quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển đổi số, nhiều địa phương thực hiện chiến lược “xây tổ đón đại bàng” … đã và đang tạo ưu thế đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới…
|
Để thu hút được đầu tư vào những dự án có hàm lượng công nghệ cao, Việt Nam cũng cần tập trung đầu tư nguồn nhân lực (Ảnh minh họa: congthuong.vn)
|
Theo đó, đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chuỗi sản xuất thông minh. Tuy nhiên, để hoàn thiện chuỗi sản xuất thông minh, ông Trương Thiệu Cường cho rằng, Việt Nam phải tạo ra những cơ chế thuận lợi hơn để thu hút đầu tư nước ngoài vào đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, trong đó có đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Đặc biệt, để thu hút được đầu tư vào những dự án có hàm lượng công nghệ cao, Việt Nam cũng cần tập trung đầu tư nguồn nhân lực, bởi hiện tại, “chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế” – ông Trương Thiệu Cường khẳng định.
Thực tế, để hoàn thiện chuỗi sản xuất, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã giao các bộ, ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng và mong muốn đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành này tại Việt Nam.
Cụ thể, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn.
“Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương triển khai Đề án này và sẽ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới” - Thứ trưởng Trần Duy Đông thông tin.
Nguyễn Hòa
Nguồn: congthuong.vn