(TTĐN) - Các ý kiến góp ý tập trung vào 12 nhóm nội dung, trong đó cho ý kiến về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; có ý kiến tán thành với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia...
 |
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Luật đất đai (sửa đổi) thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tập thể. (Ảnh: vov.vn)
|
Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức
lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1 và kết
thúc vào ngày hôm nay 15/3/2023.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến trưa ngày
13/3 cho biết, đã có gần 8.000 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước
góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua website lấy ý kiến nhân
dân của Bộ (phần lớn là ý kiến của các tổ chức).
Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân,
nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đánh giá dự thảo
đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy
được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất
đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Các ý kiến góp ý tập trung vào 12 nhóm nội dung, trong đó
cho ý kiến về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; có ý
kiến tán thành với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về các trường hợp thu hồi đất
để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng đề nghị mở rộng thêm
đối với các dự án xã hội hóa (y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, môi
trường), không phân biệt vốn đầu tư là công hay tư; có ý kiến đề nghị không quy
định việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đảm bảo thu nhập của người có đất
bị thu hồi tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, chỉ quy định về điều kiện hạ tầng kỹ thuật,
hạ tầng xã hội tốt hơn nơi ở cũ.
Nhiều ý kiến tán thành với quy định cho phép được chuyển nhượng,
thế chấp, góp vốn quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền thuê đất hàng
năm; đề nghị có quy định cụ thể hơn để đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống đầu cơ đất
đai, về nghĩa vụ tài chính khi thực hiện các quyền này. Nhiều ý kiến đề nghị
cho phép người sử dụng đất được lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất một lần hoặc
trả tiền thuê đất hàng năm…
Dự thảo Luật đất đai sửa đổi sẽ được cho ý kiến lần thứ 2 tại
kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023).
 |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc giữa Thường trực Ủy ban Kinh tế với Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghe báo cáo về tiến độ triển khai của Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 9/3. (Ảnh: vov.vn)
|
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, công tác lấy ý kiến
nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được hưởng ứng tích cực, rộng khắp,
thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành, các giai tầng xã hội đối với dự án
luật rất quan trọng này; đồng thời đánh giá rất cao sự cố gắng, nỗ lực của
Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Thường trực Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các cấp, các
ngành trong việc nghiên cứu cho ý kiến về dự án Luật đất đai (sửa đổi). Những ý
kiến đóng góp rất sâu sắc, toàn diện và có giá trị cao.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Lấy ý kiến rất quan trọng
nhưng không phải lấy ý kiến cho có. Những ý kiến đóng góp chất lượng phải được
tổng hợp để từ đó làm thay đổi chất lượng của Dự án luật. Những vấn đề còn có ý
kiến khác nhau hoặc chưa rõ trong dự án luật sẽ được lựa chọn để tiếp tục tổ chức
nghiên cứu, tổ chức tọa đàm sâu hơn, kỹ lưỡng hơn.
Sau khi kết thúc đợt lấy ý kiến nhân dân, ngày 25/3, các cơ quan
phải hoàn thành báo cáo gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.
Nguồn: vov.vn