55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, để Quân đội ta mãi mãi là Quân đội nhân dân
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Vũ Dương Ninh. (Ảnh: Diệp Chi)

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Vũ Dương Ninh. (Ảnh: Diệp Chi)

- Thưa Giáo sư Vũ Dương Ninh, lúc sinh thời, Bác Hồ của chúng ta có nói: miền Nam luôn trong trái tim tôi và Người luôn hướng về đồng bào miền Nam với ước mong cháy bỏng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng tiếc rằng, khi đất nước thống nhất thì Người đã đi xa. Vậy quyết tâm giải phóng miền Nam đã được Bác Hồ thể hiện như thế nào?

- Chúng ta đọc một đoạn Di chúc của Bác, sẽ thấy rằng, 4 lần Bác nhắc tới chữ “nhất định” và kết luận bằng câu đó là điều chắc chắn. Như vậy, Bác nhìn thấy được sức mạnh của quần chúng nhân dân, nhìn thấy được sức mạnh của Quân đội, để khẳng định rằng, chúng ta nhất định phải đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Đó là điều không thể khác được. Từ tinh thần ấy, chúng ta thấy một tầm nhìn chiến lược. Xuyên suốt trong chiều dài lịch sử, truyền thống của cha ông ta, chúng ta đã từng đánh thắng nhiều kẻ thù lớn, nhiều thế lực xâm lược hùng mạnh. Bác cũng đã nhìn thấy tương lai của dân tộc, nhưng quan trọng nhất, Bác đã thấy được sức mạnh nội tại của dân tộc, của Quân đội. Chúng ta đã từng trải qua các cuộc đấu tranh và chiến thắng kẻ thù xâm lược, thì bây giờ, niềm tin đó không thay đổi. Lời của Bác đã khẳng định, chúng ta phải đưa cuộc chiến tranh đến thắng lợi cuối cùng. Và trên thực tế, quân dân ta đã làm được điều mà Bác mong ước.

- Thực hiện ước mong của Bác, dân tộc ta đã biến đau thương thành sức mạnh, thống nhất ý chí, quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược. Giáo sư có thể cho biết rõ hơn về hành trình dân tộc ta đã hiện thực hóa ước muốn và cũng chính là nỗi niềm đau đáu của Bác trong suốt lúc sinh thời, đó là Bắc Nam sum họp một nhà?

- Sau khi Bác từ trần, tình hình ở miền Nam ngày càng gay go, ác liệt, Mỹ đã chuyển sang Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, nhưng đồng bào miền Nam từ Quảng Trị cho đến Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ đã tổ chức những đợt tiến công, những đợt phản kích mạnh mẽ, chống lại các cuộc hành quân, càn quét của địch. Và cũng thời gian này, Mỹ dùng bom B52 để đánh Hà Nội, các chiến sĩ của chúng ta đã phản công, đáp trả một cách mạnh mẽ, làm nên kỳ tích Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Những thắng lợi của chúng ta ở hai miền Nam – Bắc như vậy, đã buộc người Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán để đi đến ký Hiệp định Paris, rút toàn bộ quân Mỹ và quân đồng minh ra khỏi đất nước Việt Nam. Như vậy, chúng ta làm được một việc theo lời Bác dạy là đánh cho Mỹ cút. Đến tháng 4/1975, cuộc tổng tiến công mang tên Bác, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đánh đổ được toàn bộ lực lượng ngụy quyền, ngụy quân. Và lúc đó, chúng ta đã làm được phần thứ hai trong tư tưởng chiến lược của Bác, đó là đánh cho ngụy nhào.

- Giáo sư có cho rằng, những lời hiệu triệu của Bác đã trở thành động lực to lớn, thôi thúc dân tộc chúng ta quyết tâm “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn” cũng phải giành cho được độc lập?

- Có thể nói, lời Bác hiệu triệu đồng bào có sức mạnh to lớn từ những ngày đầu tiên, khi chúng ta chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Lời hiệu triệu khi đó đã thúc đẩy toàn dân đứng dậy vùng lên để tiến hành tổng khởi nghĩa và giành được độc lập. Rồi đến khi thực dân Pháp quay trở lại, thì lời hiệu triệu của Bác “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm” lại thúc đẩy, thôi thúc toàn dân kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ, Bác kêu gọi toàn dân: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và trước khi Bác đi xa, Bác đã dặn là nhất định chúng ta sẽ thắng lợi. Những lời căn dặn đó đã đi sâu vào tâm hồn, rèn nên ý chí của mỗi người chiến sĩ, mỗi đồng bào, từ đó, tạo nên một sức mạnh vô cùng to lớn. Và như chúng ta thấy, sức mạnh đó đã làm nên chiến thắng của ngày 30/4/1975.

Làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, BĐBP luôn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ giúp đỡ người dân, xứng đáng là

Làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, BĐBP luôn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ giúp đỡ người dân, xứng đáng là "Bộ đội Cụ Hồ". (Ảnh: A Chua)

- Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa bình thống nhất, tuy nhiên, vẫn còn đó các thế lực thù địch luôn mưu đồ chống phá đất nước, nhằm phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, theo Giáo sư, Quân đội cần thể hiện trách nhiệm như thế nào để thực hiện trọn vẹn ước mong của Bác Hồ, quyết tâm bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng?

- Đến bây giờ, Bác đã đi xa 55 năm rồi, nhưng lời kêu gọi của Bác về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc vẫn có sức mạnh tác động mạnh mẽ đến Quân đội và nhân dân ta. Tôi cho rằng, phải tăng cường bồi dưỡng đạo đức cách mạng. Bởi vì như Bác nói, đó là việc rất quan trọng và cần thiết để Quân đội ta mãi mãi là một QĐND. Khi nào mà mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thì trong mọi tình huống mới có thể sẵn sàng hi sinh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Điều đó sẽ tạo nên sức mạnh chiến đấu mạnh mẽ, bền bỉ của Quân đội ta. Điều đáng chú ý nữa là, kỹ thuật quân sự ngày nay trên thế giới đã phát triển đến trình độ cao, cho nên việc học tập và rèn luyện của Quân đội ta phải thích ứng với các hình thái chiến tranh mới, làm chủ được các loại vũ khí và phương tiện quân sự hiện đại, để khi có tình huống, chúng ta có thể đối phó thắng lợi với bất kỳ một thế lực xâm lược nào, với bất kỳ một loại hình chiến tranh nào. Trong tình huống nào, Quân đội ta cũng nhất định giành được chiến thắng. Chúng ta sẽ luôn luôn bảo vệ được đất nước, thực hiện lời của Bác “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng gấp mười ngày nay”.

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất