|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Lễ kỷ niệm 45 năm Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot của Thủ tướng Campuchia Hun Sen (20//6/1977 - 20/6/2022) ở tỉnh Tbong Khmum, sáng 20/6/2022. (Ảnh: TTXVN)
|
Ngày 24/6/2022 ghi dấu 55 năm Việt Nam và Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong bối cảnh quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển giữa một thế giới đầy biến động, những thành quả hợp tác giữa hai nước sau hơn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao được kỳ vọng là nền tảng vững chắc cho một tương lai hợp tác sâu rộng, toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa.
Phát huy nền tảng chân lý lịch sử 7/1
Ngày 20/6, phát biểu tại lễ kỷ niệm 45 năm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của mình và các đồng đội, được tổ chức tại khu vực biên giới hai nước, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã ôn lại những chân lý được khắc ghi trong sử sách và lưu truyền qua nhiều thời kỳ với 3 giai đoạn chính trong hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc Campuchia.
Ở giai đoạn đầu tiên, khởi nguồn từ phong trào nổi dậy chống chế độ do Pol Pot cầm quyền, bản thân ông và một nhóm đồng đội đã xuất phát từ khu vực Koh Thmor X16 giáp biên giới Việt Nam, sang Việt Nam tìm đường cứu nước, xây dựng lực lượng, với sự kiện thành lập Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia, còn gọi là Đoàn 125, tổ chức quân sự đầu tiên, rồi thành lập tổ chức chính trị đầu tiên, tức Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ngày 2/12/1978, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong công cuộc giải cứu và giải phóng dân tộc thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot vào ngày 7/1/1979.
Thủ tướng Hun Sen nêu bật ý nghĩa của việc thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, đồng thời khẳng định "lịch sử cũng khắc ghi về hành động của quân đội Việt Nam để cứu người dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.
Và muốn biết việc Việt Nam vào Campuchia đúng hay sai thì hãy hỏi Tòa án hỗn hợp Liên hợp quốc và Campuchia. Bản án của tòa án này đối với bè lũ Pol Pot là sự công nhận của Liên hợp quốc rằng hành động của Việt Nam là đúng đắn, nếu hành động của Việt Nam không đúng, cần gì phải xét xử bọn Khmer Đỏ.”
Nhà lãnh đạo Campuchia nhấn mạnh: "Một số người nói rằng tôi là người dẫn quân đội Việt Nam vào 'giết hại' nhân dân Campuchia; vậy xin hỏi có bao nhiêu người dân Campuchia bị Việt Nam giết hại? Hay là khởi đầu từ chỗ nhân dân Campuchia chỉ có 5 triệu người, ngày nay đã lên đến 17 triệu; như vậy sau 45 năm kể từ khởi đầu hành trình cứu nước của tôi thì dân số của Campuchia đã tăng thêm 12 triệu.”
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Sen thể hiện tình đoàn kết tại Khu vực X16, điểm dừng chân trong hành trình cứu nước của Thủ tướng Hun Sen ở xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, sáng 20/6/2022. (Ảnh: TTXVN)
|
Đề cập vấn đề này, ông Mak Chan Narith, quan chức Bộ Quan hệ với Quốc hội, Thượng viện và Thanh tra Campuchia cho biết khi nhân dân Campuchia phải chứng kiến những "cánh đồng chết" trong quãng thời gian 3 năm 8 tháng 20 ngày, bộ đội tình nguyện Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã hy sinh xương máu đến đây giải phóng, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo.
Tất cả những điều đó cho thấy nhân dân hai nước, hai dân tộc Việt Nam-Campuchia luôn hỗ trợ lẫn nhau trong thời điểm mỗi quốc gia gặp khủng hoảng.
Ông chia sẻ với phóng viên TTXVN: "Bản thân tôi cũng như mọi người dân Campuchia luôn ghi nhớ công lao và sự anh dũng cao cả mà quân đội tình nguyện Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã dành cho dân tộc chúng tôi, giúp chúng tôi đi lên từ bàn tay trắng, để có sự phát triển như ngày hôm nay.”
Theo ông Trần Văn Thông, nguyên tham tán chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, thực tiễn đã chứng minh với thắng lợi lịch sử 7/1, nhân dân Campuchia đã khép lại trang sử đen tối của những hố chôn tập thể và những cánh đồng chết, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc và mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa bình, tự do và phát triển cho đất nước Campuchia; đồng thời hồi sinh tình hữu nghị Campuchia-Việt Nam, vốn bị chế độ Khmer Đỏ diệt chủng hủy diệt trong thời kỳ chế độ này cầm quyền (17/4/1975-06/01/1979), mở ra thời kỳ mới cho quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Campuchia phát triển gắn bó, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
Gửi gắm nhiều kỳ vọng
Trong 55 năm qua, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, hai nước đã vượt qua nhiều thử thách lớn để đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Campuchia đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử sâu sắc.
Quan hệ hai nước Việt Nam-Campuchia có những bước phát triển mạnh mẽ với nhiều dấu ấn nổi bật thông qua trao đổi đoàn cấp cao, không ngừng củng cố và phát huy mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
|
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông và Tiểu khu Quân sự tỉnh Mondulkiri (Quân đội Hoàng gia Campuchia) ký biên bản hợp tác lần thứ 5 (Mondulkiri, 7/4/2022). (Ảnh: TTXVN)
|
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho rằng những thành tựu của quan hệ Việt Nam-Campuchia trong suốt 55 năm qua không chỉ là thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở mỗi nước, mà còn thể hiện ở sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp tích cực cho sự phát triển của mỗi nước, cũng như góp phần ngày càng củng cố và tăng cường vững chắc hơn nữa mối quan hệ Việt Nam-Campuchia theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.”
Đại sứ nhắc lại việc hai bên đã thống nhất và đạt được 84% kết quả phân giới cắm mốc biên giới trên bộ.
Trong cuộc gặp ngày 20/6 vừa rồi, thủ tướng hai nước cũng khẳng định hai bên sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán và trước mắt sẽ hoàn thành hoán đổi 6%, nâng tổng khối lượng phân giới cắm mốc lên 90%, 10% còn lại sẽ tiếp tục đàm phán giải quyết trong thời gian sắp tới.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Mak Chan Narith bày tỏ kỳ vọng và tin tưởng rằng, trong thời gian tới, chính phủ hai nước sẽ nỗ lực giải quyết để biến khu vực biên giới trở thành khu vực an toàn, hòa bình và không ngừng phát triển.
Nhận định về quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, Thạc sỹ Uch Leang, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Viện Quan hệ quốc tế Campuchia (Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia) nhấn mạnh từ thời điểm Vương quốc Campuchia tái lập vào năm 1993, mối quan hệ giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới với tinh thần láng giềng bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và vì lợi ích chung của nhân dân hai nước.
Từ năm 2005, quan hệ ngoại giao Campuchia-Việt Nam được nâng cấp với phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.”
Ông bày tỏ: "Tôi mong rằng sau 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong 55 năm tới, Campuchia và Việt Nam sẽ mở rộng mối quan hệ. Việt Nam có thể hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, giúp Campuchia trở thành quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào với những con người có tri thức, năng lực để xây dựng đất nước.”
Theo Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, trong bối cảnh hiện nay, quan hệ hai nước Việt Nam-Campuchia ngày càng được định vị trong xu thế hữu nghị và hợp tác, đã và đang được lãnh đạo và nhân dân hai nước gìn giữ và phát huy, được thế hệ trẻ hai nước nhận thức rõ ràng và xây tiếp những nhịp cầu hữu nghị.
Đại sứ tin tưởng với những định hướng và khuôn khổ quan hệ hợp tác trong thời kỳ mới, cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, trên tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả, trong những năm tới, quan hệ Việt Nam-Campuchia nhất định sẽ phát triển lên tầm cao mới, vì sự phồn vinh của mỗi quốc gia, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới./.
Huỳnh Thảo
Nguồn: vietnamplus.vn