(TTĐN) - Xúc tiến thương mại luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Lào quan tâm, đẩy mạnh nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại tăng trưởng tương xứng với mối quan hệ chính trị đặc biệt riêng có giữa hai nước. Thương vụ Việt Nam tại Lào thời gian qua đã phát huy vai trò "cầu nối thương mại", tích cực hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động và tiếp cận thị trường, cũng như tạo thuận lợi để hàng hóa Việt Nam đến được với người tiêu dùng sở tại.
|
Cảng cạn Thanaleng Viêng Chăn tại huyện Hadxaiphong thủ đô Viêng Chăn (Ảnh: TTXVN)
|
Với đường biên giới trên bộ trải dài khoảng 2.340 km, Việt Nam và Lào có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển quan hệ thương mại. Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cũng hết sức quan tâm và luôn tạo mọi nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại hai nước. Hiện tại, thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước cơ bản đã được bãi bỏ (98%) theo cam kết trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào (hiệp định riêng có giữa hai nước với những chính sách hỗ trợ thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp các tỉnh biên giới hai nước hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu).
Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, mặc dù kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, bất ổn và xung đột tại nhiều nơi, hơn nữa, Lào có dung lượng thị trường nhỏ chỉ khoảng 7 triệu dân, hàng hóa Việt Nam cũng phải cạnh tranh tại thị trường Lào, song kim ngạch thương mại hai nước Việt Nam-Lào vẫn duy trì sự tăng trưởng ổn định, Việt Nam luôn nằm trong top 3 đối tác thương mại lớn nhất của Lào. Giá trị kim ngạch thương mại hai nước đạt trung bình 1,28 tỷ USD/năm, với mức tăng trưởng bình quân 16%/năm, hoàn thành chỉ tiêu lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra là tăng trưởng từ 10%/năm trở lên.
Với vai trò "cầu nối thương mại", Thương vụ Việt Nam tại Lào thường xuyên làm việc với các đơn vị chuyên môn của Lào ở trung ương và địa phương để kết nối, giới thiệu và quảng bá thương hiệu quốc gia, hàng hóa Việt Nam, chính sách, môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các quy định về xuất nhập khẩu, thông tin về thị trường, thông tin các doanh nghiệp Việt Nam tới các đối tác Lào. Đặc biệt, Thương vụ cùng phối hợp với cơ quan liên quan của Lào, doanh nghiệp hai nước tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại các địa phương của Lào, như chương trình xúc tiến thương mại quốc gia Hội chợ VietLao Expo 2022 tổ chức vào tháng 8/2022 tại thủ đô Viêng Chăn, thu hút sự tham gia của 120 doanh nghiệp 2 nước với 250 gian hàng; Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào tổ chức gian hàng quốc gia và đoàn doanh nghiệp tham dự Hội chợ Tết người Mông tại tỉnh Xiengkhuang, Bắc Lào; Phối hợp tổ chức đoàn xúc tiến thương mại các tỉnh Bắc và Nam Lào trong bối cảnh Lào khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên thông thương vận tải người và hàng hóa…
Hiện Thương vụ Việt Nam tại Lào đang tích cực phối hợp chuẩn bị cho Hội chợ Thương mại Việt - Lào diễn từ 3-7/11 tới tại thủ đô Viêng Chăn; mời các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ Thatluang dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 tới tại thủ đô Viêng Chăn, Hội chợ Tết người Mông tổ chức tại tỉnh Xiengkhuang vào tháng 12.
Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Lào cũng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ thiết lập kênh phân phối hàng hóa trực tiếp của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Lào; hướng dẫn doanh nghiệp về thủ tục pháp lý thành lập doanh nghiệp tại nước sở tại; hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại giữa doanh nghiệp hai nước; tư vấn, định hướng nhằm đa dạng hóa ngành hàng xuất, nhập khẩu tại thị trường Lào; tham mưu để tháo gỡ những vướng mắc khiến việc tăng trưởng xuất khẩu sang Lào còn hạn chế...
Phạm Kiên – Bá Thành
Nguồn: baotintuc.vn