(TTĐN) - Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Việt Nam - Lào thiết lập quan hệ ngoại giao (05/09/1962-05/09/2022) và 45 năm hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18/07/1977-18/07/2022), phóng viên TTXVN tại Lào đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Lào - ông Nguyễn Bá Hùng về vai trò và những đóng góp của ngành ngoại giao 2 nước cho quan hệ hữu nghị vĩ đại Lào - Việt Nam.
|
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng (Ảnh: TTXVN)
|
Theo Đại sứ, trong những thập kỷ qua, hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Lào có vai trò hết sức quan trọng và đóng góp rất to lớn cho sự phát triển của mối quan hệ đặc biệt giữa 2 nước. Ngay từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với mặt trận quân sự, ngoại giao đã trở thành mặt trận chung của nhân dân 2 nước. Ngoại giao Việt Nam đã đấu tranh, vận động quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Lào và thông qua Hiệp định Geneva năm 1962 thừa nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Lào.
Sau khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 05/09/1962, mối quan hệ son sắt, thủy chung, gắn bó Việt Nam - Lào tiếp tục được giữ vững và không ngừng được củng cố, phát triển. Hai nước đều thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, hữu nghị và hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Việt Nam và Lào cũng luôn tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng là đối tác tin cậy của tất cả các nước.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh cùng với quốc phòng và an ninh, ngoại giao đã thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong quá trình thúc đẩy hợp tác giữa 2 nước trên tất cả các lĩnh vực, phát huy tốt vai trò ngoại giao nhà nước trong việc củng cố, phát triển quan hệ 2 nước, đặc biệt là việc tổ chức các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bộ Ngoại giao cùng với Ban Đối ngoại 2 nước đã đóng vai trò then chốt trong công tác tổ chức các cuộc họp thường niên giữa 2 Bộ Chính trị, Ủy ban Liên chính phủ, giúp đưa quan hệ hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực đi đúng hướng và ngày càng có chất lượng, đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Ngoại giao 2 nước đã góp phần quan trọng hoàn thành phân định biên giới, cũng như hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới Việt Nam và Lào, thúc đẩy quy hoạch phát triển các cửa khẩu, tăng cường hợp tác giữa các địa phương biên giới, tạo nên một hình mẫu về hợp tác biên giới, xây dựng đường biên giới dài trên 2.300 km hòa bình, ổn định và phát triển.
Ngoại giao 2 nước đã phát huy tính năng động, có nhiều sáng kiến tăng cường hợp tác về kinh tế, góp phần đưa kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng trưởng trong các năm gần đây. Đồng thời, hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin truyền thông, y tế, giao lưu nhân dân hai nước cũng được hai Bộ Ngoại giao thường xuyên phối hợp thúc đẩy…
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Lào đã đi đầu trong việc tăng cường hợp tác đối ngoại giữa 2 nước trong giai đoạn mới, tập trung vào hỗ trợ nhau hội nhập sâu rộng khu vực và quốc tế. Hai nước tích cực ủng hộ nhau gia nhập các tổ chức quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn nhằm đảm bảo lợi ích và nâng cao vị thế mỗi nước; thường xuyên trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến lẫn nhau tại các diễn đàn như Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM… Đồng thời, Bộ Ngoại giao 2 nước cũng tích cực giúp đỡ nhau với tư cách là nước chủ nhà đăng cai tổ chức thành công nhiều hội nghị khu vực và quốc tế quan trọng.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng khẳng định Bộ Ngoại giao Việt Nam và Lào cũng luôn coi trọng hợp tác trong công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình khu vực và quốc tế trên cơ sở tin cậy và cơ bản có sự thống nhất cao trong nhận định, đánh giá tình hình, góp phần bảo đảm 2 nước không bị động, bất ngờ trước các diễn biến nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới. Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại được Bộ Ngoại giao 2 nước thường xuyên coi trọng và nâng cao chất lượng. Việt Nam đã giúp Lào đào tạo nhiều cán bộ ngoại giao có năng lực, trình độ, phát huy tốt kinh nghiệm và kiến thức học tại Việt Nam để phục vụ công tác tại Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương của mình.
Phạm Kiên - Bá Thành
Nguồn: baotintuc.vn