|
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Cayxỏn Phômvihản ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác 2 nước Việt Nam - Lào, ngày 18/7/1977. (Ảnh: TTXVN)
|
Bối cảnh ra đời Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam- Lào
Cách đây 60 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam và Lào bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt, nhưng với những thắng lợi quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao của cuộc cách mạng Lào, Hiệp định Geneva năm 1962 về Lào đã được ký kết, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho cách mạng hai nước Lào và Việt Nam. Với thời cơ và điều kiện thuận lợi đó, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 05/09/1962.
Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, là dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của cả hai dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ngay sau khi hai nước được giải phóng hoàn toàn vào năm 1975, để đưa quan hệ Việt Nam-Lào phát triển toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu, hai nước đã tiến hành ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18/07/1977.
Hiệp ước được ký dựa trên bản Tuyên bố chung ngày 11/02/1976, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Thủ tướng Lào Kaysone Phomvihane .
Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác được hai nước ký kết nhằm mục đích tăng cường tình đoàn kết, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì độc lập và phồn vinh của mỗi nước, góp phần gìn giữ và củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị không gì lay chuyển được giữa nhân dân hai nước, tình đồng chí vĩ đại giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng nhân dân cách mạng Lào được tôi luyện trong mấy chục năm đồng kham cộng khổ, cùng chiến đấu, cùng chiến thắng kẻ thù xâm lược, cùng hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau xây dựng đất nước, là truyền thống quý báu, một sức mạnh vô địch của hai dân tộc và hai Đảng, một thực tiễn sinh động, một quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam và Lào.
45 năm qua, Hiệp ước đã trở thành một tài sản quý giá và có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào trong thời kỳ đổi mới; tạo cơ sở để hai bên tiến tới ký kết hàng loạt các văn kiện và thỏa thuận hợp tác ngày nay.
Ý nghĩa của Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào
Nhân dân hai nước luôn tự hào khi nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như sự đoàn kết, gắn bó thân tình giữa Việt Nam-Lào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hai nước đã giành được độc lập, chủ quyền dân tộc, giữ vững chính trị, ổn định xã hội.
Quan hệ chính trị luôn giữ vai trò nòng cốt, định hướng trong tổng thể quan hệ hợp tác; các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai Đảng, hai Nhà nước tiếp tục phát huy tốt hiệu quả. Tháng 02/2019, hai nước đã nhất trí nâng cấp từ mối quan hệ “hữu nghị truyền thống” lên thành quan hệ “hữu nghị vĩ đại” trong chuyến thăm chính thức Lào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng, đây được coi là một mốc lịch sử quan trọng, tạo ra sự đột phá trong quan hệ hợp tác hai nước. Hai nước đã cùng nhau phối hợp tổ chức thành công Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào lần thứ 44; lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên tổ chức các chuyến thăm, trao đổi, tiếp xúc dưới mọi hình thức linh hoạt.
Hợp tác quốc phòng-an ninh, luôn là trụ cột trong quan hệ hai nước, nhằm đảm bảo độc lập, chủ quyền mỗi nước; tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm vững chắc ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của mỗi nước; hai bên tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện tốt theo các thỏa thuận đã ký về biên giới, ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hành động xâm phạm biên giới, phối hợp đấu tranh chống tội phạm xuyên biên giới, thúc đẩy ký kết các hiệp định trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh.
|
Ngày 2/6/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Trung tướng Khamlieng Outhakaysone, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Lào (Ảnh: VGP)
|
Về lĩnh vực đối ngoại, đây là lĩnh vực tạo nền tảng cho tình hữu nghị vĩ đại và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam-Lào, tạo tiền đề nâng cao vị thế và uy tín của hai nước ở khu vực và trên trường quốc tế, hầu hết lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước hai nước đều có các chuyến thăm lẫn nhau. Qua các chuyến thăm, hai bên luôn khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường, củng cố và nâng tầm mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trong bối cảnh mới, phù hợp với tình hình mỗi nước nói riêng và tình hình chung của khu vực và thế giới.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục được thúc đẩy, trở thành nền tảng lâu dài trong quan hệ hai nước. Hiện Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào, sự tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều là kết quả rõ ràng nhất cho những ưu tiên trong hợp tác kinh tế, thương mại. Đầu tư của hai bên tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như thủy điện, lâm nghiệp, khảo sát và khai khoáng, giao thông vận tải.
Về văn hóa, thông tin, nghệ thuật, thể thao, y tế và đặc biệt về giáo dục & đào tạo, hai nước có những hợp tác rất cụ thể. Hàng năm, hai bên đã trao đổi hàng trăm học sinh, thực tập sinh, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong công cuộc đổi mới, phát triển. Phía Việt Nam có nhiều sự giúp đỡ Bạn trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam mãi mãi bền vững
Việt Nam-Lào là hai nước láng giềng gần gũi, núi sông liền một dải, cùng uống chung dòng nước Mê Công, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, nhân dân hai nước vốn có mối quan hệ truyền thống, thủy chung, gắn bó lâu đời. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong là những người đặt nền móng trong quan hệ hai nước, được các thế hệ lãnh đạo, chiến sĩ cách mạng, nhân dân hai nước dày công vun đắp dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Hoàng thân Souphanouvong tại Việt Bắc năm 1948 (ảnh trái) và trao đổi với đồng chí Kaysone Phomvihane tại Hà Nội năm 1966. (Ảnh: Tư liệu)
|
Năm 2022 đánh dấu là “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022” để kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào. Trong năm kỷ niệm trọng đại này, hai bên đã và đang phối hợp tổ chức tốt các hoạt động ý nghĩa, thiết thực; tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao trên tất cả các kênh; phối hợp triển khai nghiêm túc, hiệu quả các thỏa thuận đạt được tại Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào lần thứ 44, nhất là Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2025 và Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2030.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, hai nước đang đứng trước nhiều vận hội phát triển song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới; những bài học lịch sử của mối quan hệ mẫu mực Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam; những tư tưởng chỉ đạo và nội dung hợp tác nêu trong bản Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vẫn còn nguyên giá trị, và mãi mãi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tiến trình phát triển của mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước./.
CTV Hồ Hải
Nguồn: vov.vn