(TTĐN) - “Thế trận lòng dân” là một nhân tố cực kỳ quan trọng trong cấu thành sức mạnh quốc phòng, quân sự Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, các bậc tiền nhân luôn quan tâm xây dựng “thế trận lòng dân” để giữ vững giang sơn gấm vóc. Kế thừa truyền thống của ông cha, Đảng, Nhà nước ta xây dựng nền quốc phòng toàn dân, của dân, do dân và vì dân.
|
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Lai Châu cùng các thầy cô giáo đưa học sinh tới trường trong mùa mưa lũ (Ảnh: Báo Biên phòng) |
Tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, có ảnh hưởng đa chiều đến nền kinh tế-xã hội (KT-XH) và quốc phòng, an ninh nước ta. Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 xác định rõ: “Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc”.
Nhận thức, quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng, để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong tình hình mới, trước hết cần phải đẩy mạnh phát triển KT-XH, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, đều phải thường xuyên đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho người dân. Trong thế giới phẳng hiện nay, hằng ngày mọi người đều nhận biết, lúc nào và ở đâu không làm tốt điều này, lòng dân sẽ ly tán, xã hội bất ổn, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chẳng hạn, đại dịch Covid-19 đang lan tràn ngày càng nghiêm trọng trên toàn thế giới, cho thấy rất rõ điều gì đã và đang xảy ra. Tại nhiều nước trên thế giới, đại dịch chưa được khống chế tốt, kinh tế suy thoái, nạn thất nghiệp gia tăng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh, an toàn xã hội. Chính vì vậy, đẩy mạnh phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là giải pháp vừa cơ bản lâu dài, vừa hết sức thiết thực trong xây dựng “thế trận lòng dân”.
Đảng, Nhà nước ta cần lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nền kinh tế theo chiều sâu, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu không phát triển theo chiều sâu để nâng cao năng suất lao động xã hội, thì nước ta sẽ tụt hậu xa với nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn FDI và huy động tối đa các nguồn vốn trong nước nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước. Đảng và Chính phủ cần tận dụng tốt thời cơ, tích cực, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp chất lượng cao, các sản phẩm công nghiệp đạt trình độ công nghệ hiện đại để thâm nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thương mại toàn cầu. Làm tốt biện pháp này, vừa phát huy được tiềm năng thế mạnh về lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên của đất nước, vừa nâng cao trình độ công nghệ cho toàn bộ nền kinh tế.
Trong quá trình phát triển đất nước, cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế gắn với hạ tầng xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh và an toàn cho người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đây là giải pháp rất quan trọng, bởi vì, cùng với quá trình phát triển kinh tế, nhiều vấn đề về môi trường sinh thái, đặc biệt môi sinh xã hội đang bị tác động theo chiều hướng xấu và ngày càng nặng nề. Vừa qua, lũ lụt, sạt lở đất liên tiếp xảy ra ở miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đây thực sự là một thảm họa về môi trường sinh thái và mang nỗi đau xót đối với nhiều gia đình. Vì vậy, vấn đề xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế gắn với hạ tầng xã hội nhằm bảo đảm nhu cầu dân sinh và an toàn cho người dân trở thành vấn đề bức thiết. Các biện pháp để giải quyết vấn đề này, trước hết, cần điều tra khảo sát lại những công trình kết cấu hạ tầng kinh tế và các khu vực dân sinh trên phạm vi cả nước. Hai là, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất giữa kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, nhằm tạo ra sự hài hòa cả về kinh tế và môi trường sống của người dân. Ba là, kiên quyết điều chỉnh, thậm chí hủy bỏ, đình chỉ thi công các công trình xây dựng có tác động lớn đến môi trường sinh thái. Bốn là, xây dựng các công trình tạo điều kiện cho nhân dân sống chung với lũ và hạn mặn, kịp thời di chuyển những khu dân cư có nguy cơ bị nước biển dâng, sạt lở đến nơi an toàn. Làm tốt các biện pháp này, vừa phát triển kinh tế ngày càng vững chắc, vừa tránh được những sự thiệt hại về con người và tài sản của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo.
Để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong điều kiện mới, cần phải xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao trình độ nhận thức về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và ý thức cảnh giác của nhân dân trước mọi âm mưu thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu nhiều lần khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Lời Bác dặn có giá trị lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc, cả trong quá khứ và hiện tại. Hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cần tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và từng bước nâng lên tầm cao mới. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả và công cuộc phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh thời gian qua đã minh chứng hết sức sâu sắc điều đó. Niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ được củng cố, tăng cường, uy tín của nước ta không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước ta cần đẩy mạnh hơn nữa công cuộc chống tham nhũng, làm sạch bộ máy để nâng cao niềm tin với người dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị từ cơ sở đến Trung ương ngày càng vững mạnh; củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước, chính quyền, các đoàn thể với nhân dân; giải quyết hài hòa những tranh chấp, mâu thuẫn về KT-XH ngay từ cơ sở. Tích cực, chủ động tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân nắm vững, hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; chú trọng giáo dục cho nhân dân thấy rõ các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch đang ra sức chống phá cách mạng nước ta.
Các giải pháp cơ bản trên, có mối quan hệ nhân quả, giải pháp này là tiền đề, là điều kiện của giải pháp kia, tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Nếu được các cấp, các ngành thực hiện nhất quán, nhất định khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ không ngừng được tăng cường, củng cố, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
PGS, TS Hoàng Minh Thảo
Nguồn: qdnd.vn