Vĩnh Phúc xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá
Vĩnh Phúc đang ngày càng phát triển (Ảnh minh họa: vinhphuc.gov.vn) 

Thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ qua là công tác xây dựng Đảng được tăng cường; phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Cùng với đó, bộ máy của hệ thống chính trị cũng được tinh giản, gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, giảm nhiều đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo và tăng tính hiệu quả, linh hoạt của hệ thống. Đến nay, tỉnh đã giảm được 4 đầu mối trực thuộc tỉnh, 227 đầu mối cấp phòng; tinh giản được 2.822 biên chế và 11.415 người hoạt động không chuyên trách; thực hiện khoán xe công và giao tự chủ tài chính cho một số đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhiệm kỳ qua, kinh tế của Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao (bình quân 7,1%/năm), chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, năng suất lao động tăng bình quân hơn 8,38%/năm; sức cạnh tranh, quy mô kinh tế ngày càng lớn (năm 2020 ước đạt hơn 122,68 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2015, chiếm 1,7% GDP cả nước). Đặc biệt, công nghiệp đóng góp tới 4,5% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, thu ngân sách bình quân đạt khoảng 30.000 tỷ đồng/năm, luôn đứng nhóm đầu cả nước về thu nội địa và là một trong 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ điều tiết ngân sách lớn về Trung ương. Diện mạo nông thôn đổi thay toàn diện, kinh tế nông nghiệp chuyển biến rõ rệt theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; kết cấu hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ, khang trang, đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu hết năm 2020 đạt 100% huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư và phát triển toàn diện, chất lượng giáo dục luôn nằm trong tốp đầu cả nước, 100% trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế được đầu tư, nâng cấp với 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn; đạt 36,3 giường bệnh/vạn dân, 15 bác sĩ/vạn dân. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được đặc biệt quan tâm và đạt những kết quả tích cực. Hằng năm, tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động; hiện không còn nhà tạm, không có hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 1%. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Vĩnh Phúc đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá. Theo đó, 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm:

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII; nâng cao năng lực lãnh đạo của toàn đảng bộ, hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; phát huy tính tiên phong, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; khai thông các điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, ứng dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Huy động, thu hút, quản lý và phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đầu tư trọng điểm cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế hiện đại, phát triển đô thị theo hướng hiện đại, giàu bản sắc, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Xây dựng nền văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng con người Vĩnh Phúc hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, hun đúc ý chí, bồi đắp khát vọng và nuôi dưỡng các giá trị nhân văn; phát triển và quản lý xã hội kỷ cương, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực và hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ trên tất cả các mặt; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, khối đại đoàn kết toàn dân.

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Các khâu đột phá cụ thể như sau:

Tập trung xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để thu hút, giải phóng các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, trong đó ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao; trước mắt, quy hoạch để phát triển một khu công nghiệp công nghệ cao, hướng tới xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo của tỉnh. Tăng cường phân cấp, phân quyền; giao nguồn lực, nhiệm vụ gắn với trách nhiệm.

Đẩy mạnh đô thị hóa cùng với xây dựng nông thôn mới nâng cao, trọng tâm là xây dựng đô thị của Vĩnh Phúc theo hướng xanh-sạch-đẹp-văn minh, hướng đến phát triển bền vững, hiện đại, có bản sắc và đồng bộ. Nâng cao rõ nét chất lượng cuộc sống của người dân, chuyển thành quả phát triển kinh tế vào đời sống người dân và xã hội.

Đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy, trước hết là đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ bằng sản phẩm. Đề bạt, sử dụng người có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; kiên quyết điều chuyển, thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém, năng lực hạn chế, uy tín thấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ cả về bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực thực tiễn, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng, thử thách qua môi trường thực tiễn. Phát huy tinh thần, ý thức, trách nhiệm, khát vọng của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ./.

Lê Duy Thành 
(Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Nguồn: qdnd.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất