(TTĐN) - Ngày 28/1, nhiều hãng truyền thông nổi tiếng quốc tế đã đăng các bài viết về sự kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và đánh giá năm 2021 sẽ là năm cơ hội kinh tế của Việt Nam.
|
Toàn cảnh phiên thảo luận các văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia, sáng 28/1/2021. Ảnh: TTXVN
|
Tờ The Straits Times của Singapore ngày 28/1 đã đăng bài viết, trong đó đánh giá năm 2021 sẽ là năm cơ hội của Việt Nam.
Bài viết cho biết Đảng Cộng sản Việt Nam đang tổ chức Đại hội lần thứ XIII để lựa chọn ra những nhà lãnh đạo mới và vạch ra tiến trình phát triển tiếp theo của đất nước với những điều kiện hết sức thuận lợi từ những thành công gần đây. Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội ngày 26/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ca ngợi hai thành tựu lớn của đất nước là phát triển kinh tế và kiểm soát tốt đại dịch COVID-19. Bài viết khẳng định: “Ngôi sao đang lên” của khu vực Đông Nam Á có quyền tự hào về điều này.
Bài viết nhận định năm 2021 có thể là thời điểm đột phá của Việt Nam sau khi đã kiểm soát được dịch COVID-19 sớm hơn các nền kinh tế khác trong khu vực. Việt Nam có thể tranh thủ trước các nước khác, đẩy nhanh tốc độ khi các nhà máy trong khu vực vẫn đóng cửa, trong khi nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ, y tế và các sản phẩm khác gia tăng. Bài viết cũng đánh giá Đại hội Đảng lần này có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, ban lãnh đạo mới được lựa chọn và tiến trình phát triển mới của đất nước được vạch ra trong kỳ đại hội Đảng lần này sẽ quyết định việc Việt Nam sẽ thực hiện tốt như thế nào và có thể đóng vai trò gì trong khu vực.
Tuy nhiên, bài viết cũng cho rằng ban lãnh đạo mới của Việt Nam cần lưu tâm những thách thức trong nước và những bất trắc bên ngoài có thể cản trở tham vọng của Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 và một nền kinh tế công nghiệp hóa vào năm 2030.
Bài viết dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận vẫn còn những tồn tại, trong đó có thực tế nền kinh tế Việt Nam chưa có sức bật cao. Mặc dù Việt Nam đã tư nhân hóa nhiều công ty thuộc sở hữu nhà nước, nhưng các công ty này chiếm gần 1/3 sản lượng kinh tế, hiệu quả thấp và chiếm nhiều khoản nợ xấu. Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn bị chi phối bởi hoạt động lắp ráp thấp cấp thay vì sản xuất cao cấp. Hệ thống giáo dục đại học cũng chưa thể đào tạo đủ lao động có tay nghề cao.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, nhật báo tài chính Financial Review của Australia (AFR) cũng đăng bài viết về sự kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Báo trên đánh giá cao khả năng Việt Nam khống chế dịch COVID-19 năm 2020, cho biết tại đây, du lịch nội địa và cuộc sống hằng ngày phần lớn đã trở lại bình thường.
Theo AFR, các nhà lãnh đạo của Việt Nam đang tập trung thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh quốc gia này đã trở thành “một bánh răng thiết yếu” trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chi phí lao động thấp và các rào cản thị trường thấp, vốn thu hút được các công ty đa quốc gia như Unilever và Pepsico trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, hiện vẫn đang là những yếu tố thuận lợi cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Mới hơn, các "gã khổng lồ" điện tử trong đó có Foxconn, nhà cung cấp của Apple, mở thêm cơ sở sản xuất tại đây. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia mới nổi năng động nhất ở Đông Á.
Nhật báo tài chính hàng đầu của Australia dẫn lời ông Francis Wong, cố vấn cấp cao của Hội đồng Doanh nghiệp Australia-Việt Nam, nhận xét một trong những chìa khóa của các chính sách kinh tế thành công ở Việt Nam là sự kế thừa ổn định, với một ban lãnh đạo luôn mong muốn thúc đẩy nền kinh tế mở. Ông Wong nêu rõ: “Điều này tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, The Diplomatic Society - tờ báo với phiên bản in và trực tuyến phổ biến rộng rãi trong cộng đồng ngoại giao và chính giới Nam Phi, ngày 28/1 đã đăng tải bài viết đánh giá cao thành tựu 35 năm phát triển mang tính đổi mới sáng tạo của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo bài viết, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đang diễn dựa trên ghi nhận thực tế rằng nhân dân là trung tâm của câu chuyện phát triển thành công ở quốc gia Đông Nam Á này. Phiên khai mạc trọng thể của Đại hội XIII đã diễn ra ngày 26/1 tại thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.587 đại biểu đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên. Các đại biểu sẽ đánh giá những kết quả đạt được của công cuộc Đổi mới đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bài viết nhấn mạnh năm 2020 có thể coi là năm thách thức nhất trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội XIII. Đại dịch COVID-19 lan rộng trên thế giới, khiến nhiều người tử vong và ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người; ảnh hưởng đến hoạt động của xã hội, thậm chí dẫn đến tình trạng đình trệ ở nhiều nơi. Trong bối cảnh đó, phản ứng của Việt Nam đối với đại dịch đã được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao do đã hành động khẩn cấp nhằm giảm thiểu số ca lây nhiễm và tử vong, dù quốc gia Đông Nam Á này có chung biên giới với Trung Quốc – nơi khởi phát virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt mức 2,91%, cao thứ hai trên thế giới ngay cả khi đại dịch đẩy các nền kinh tế tiên tiến khác vào thế bế tắc, trong đó nhiều nước ghi nhận tăng trưởng âm ở mức hai con số. Điều này có được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và ý chí, kỷ luật và sự kiên cường của người dân Việt Nam, cũng như niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam ở mức 6,7% và thu nhập bình quân đầu người tăng, đạt 2.900 USD. Thông qua đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và gắn sản xuất với thị trường, hàng hóa sản xuất của Việt Nam hiện có mặt trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc mở rộng, tăng cường quan hệ quốc tế và phát triển các quan hệ đối tác mới thông qua các diễn đàn song phương và đa phương khác nhau đã nâng cao vị thế địa-chính trị toàn cầu của đất nước.
Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm mới và thu nhập bình quân tăng gần 145%. Việt Nam cũng được công nhận là trở thành một “trung tâm sản xuất” ở châu Á-Thái Bình Dương với quy mô nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á.
Theo bài viết, Đại hội XIII sẽ định hình khuôn khổ và phương hướng phát triển của Việt Nam trong 5 năm tới và ban lãnh đạo mới được bầu có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các quyết định của Đại hội XIII. Một trong những nhiệm vụ chủ chốt này là khai thác lợi thế của bờ biển dài 3.260 km với 44 cảng biển để thúc đẩy Việt Nam trở thành một quốc gia hàng hải quan trọng vào năm 2030.
Kết thúc bài viết, tác giả khẳng định khi tính tự lực của một quốc gia trở thành trung tâm đối với sự thịnh vượng của quốc gia đó, thì ý thức này cũng cộng hưởng với ý thức tự lực, tự cường của từng công dân. Thay đổi thói quen tiêu dùng, đa dạng trong kết nối, giao tiếp và tiếp cận thông tin đang dẫn đến các cơ chế trao đổi tiền tệ tích hợp và tạo ra các dòng doanh thu sáng tạo hình thành từ các nền tảng và ứng dụng kỹ thuật số mang tính đột phá. Điều này được ghi nhận rõ ràng trong các dự thảo văn kiện và là dấu hiệu tốt cho thấy sự chuẩn bị sẵn sàng của Việt Nam đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đầy mới mẻ./.
Hoàng Nam (theo TTXVN)