(TTĐN) - Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) từ sớm, từ xa, từ khi "nước chưa nguy"; tham mưu cho Đảng, Nhà nước về đường lối, chính sách, pháp luật về quốc phòng, quân sự, xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh (QPAN), phòng chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng hiện nay.
|
Bộ đội Hóa học với phương tiện chuyên dụng tham gia phục vụ Đại hội XIII của Đảng.
|
Bước tiến về xây dựng quân đội hiện đại
Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII ở mục X về tăng cường QPAN bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN tiếp tục khẳng định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống...”.
Nội dung trên có nhiều điểm mới so với văn kiện Đại hội XII, đó là xây dựng quân đội, công an thực sự cách mạng, chính quy, nhanh chóng hiện đại, trong đó chú trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên (DBĐV) hùng hậu và dân quân tự vệ (DQTV) vững mạnh, rộng khắp trên các vùng miền, trên biển. Đây cũng là lần đầu tiên, vấn đề xây dựng DQTV trên biển được đưa vào văn kiện của đại hội đảng để định hướng chỉ đạo xây dựng lực lượng này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới; thể hiện bước phát triển quan trọng trong tư duy của Đảng về xây dựng lực lượng quốc phòng trên biển, nhằm tạo ra lực lượng đủ mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống. Quan tâm xây dựng lực lượng trị an cơ sở đủ mạnh, đáp ứng đòi hỏi nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an cơ sở. Xây dựng, củng cố đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển nâng cao năng lực thi hành pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo.
Điểm nhấn của dự thảo báo cáo chính trị về vấn đề này thể hiện ở chỗ: “Một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”. Nghị quyết Đại hội XII xác định: “Ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng”; xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu và DQTV vững mạnh, rộng khắp trên biển; nâng cao năng lực thi hành pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo.
Hệ thống chiến lược đồng bộ về quốc phòng
Trước bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức; những vấn đề an ninh phi truyền thống; sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII đã đề cập: “Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược BVTQ, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược BVTQ trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược QPAN và các chiến lược chuyên ngành khác...”.
Đảng ta đã thể chế hóa một cách đồng bộ các quan điểm về quốc phòng, BVTQ bằng các văn bản, bảo đảm cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, có tính khả thi cao. Các văn kiện trên không chỉ quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là tư duy, quan điểm mới về quốc phòng, BVTQ, mà còn cập nhật những vấn đề mới của pháp luật hiện hành về quốc phòng và thực tiễn đất nước, tạo nên hệ thống chiến lược quốc gia về lĩnh vực quốc phòng hoàn chỉnh, đồng bộ. Từ đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, BVTQ trong tình hình mới. Đây là bước tiến lớn, thể hiện tư duy chiến lược, nhạy bén, đột phá trong nhận thức và chỉ đạo hoạt động thực tiễn củng cố quốc phòng của Đảng, đánh dấu bước phát triển tư duy mới trong sự nghiệp quốc phòng, BVTQ. Đồng thời, là cơ sở định hướng, chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng và địa phương triển khai thực hiện; là cơ sở xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược với các nước, nhất là các nước láng giềng và bạn bè truyền thống, tạo thế và lực mới cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, BVTQ trong tình hình mới.
Sự phát triển tư duy bảo vệ Tổ quốc
Tư duy BVTQ của Đảng, Nhà nước ta những năm qua là một quá trình kế thừa truyền thống trong lịch sử dân tộc và liên tục phát triển, ngày càng hoàn thiện, được thể hiện trên những vấn đề chủ yếu sau:
Về mục tiêu, nhiệm vụ BVTQ, bên cạnh việc tiếp tục khẳng định mục tiêu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời phải gắn với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Trong đó nhấn mạnh bổ sung mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo vệ nền văn hóa... để đạt được mục tiêu BVTQ trong tình hình mới có thể và cần thực hiện phương cách đấu tranh kiên quyết, kiên trì trong mọi hoạt động, mọi tình huống. Cần nhận thức rõ mục tiêu BVTQ ngày nay không đơn thuần chuẩn bị đối phó với chiến tranh xâm lược mà quan trọng hơn là phải giữ vững được ổn định chính trị và môi trường hòa bình, xây dựng đất nước vững mạnh về mọi mặt, tạo thế chủ động về chiến lược, ngăn chặn đẩy lùi mọi nguy cơ, đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong mục tiêu, nhiệm vụ BVTQ, là quan điểm đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của tình hình thế giới, khu vực, đất nước hiện nay.
Về phương thức đấu tranh BVTQ, sử dụng tổng hợp các phương thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh phi vũ trang, đồng thời kết hợp chặt chẽ phương thức đấu tranh phi vũ trang và đấu tranh vũ trang.
Về lực lượng, sức mạnh BVTQ là toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó LLVT nhân dân làm nòng cốt.
Về mối quan hệ giữa xây dựng và BVTQ, quan điểm của Đảng đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, không có nghĩa coi QPAN là nhiệm vụ thứ yếu mà xác định nhiệm vụ BVTQ là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên, không có nghĩa là không chú ý cho nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế.
Đối với Học viện Quốc phòng, trung tâm đào tạo tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong quân đội và bồi dưỡng kiến thức QPAN cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, là đầu mối thực hiện hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng quan chức quốc phòng quốc tế. Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về tư duy BVTQ trong tình hình mới vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ huấn luyện đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và BVTQ trong tình hình mới./.
Trung tướng, PGS, TS Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng