|
Khu du lịch Cửa Lò (Ảnh: daibieunhandan.vn) |
Thúc đẩy sự phát triển toàn diện
Trong 5 năm qua, Nghệ An đã có sự phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới… cao hơn mức bình quân chung của cả nước; một số lĩnh vực từng bước định hình là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ như: Du lịch, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo… tạo động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện.
Lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nông thôn tỉnh Nghệ An đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho dân cư nông thôn, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 4,65%/năm. Nghệ An đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Kinh tế hộ, kinh tế trang trại được chú trọng phát triển. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng có chuyển biến tích cực.
Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng, trở thành điểm sáng của cả nước. Số xã, huyện đạt tiêu chí nông thôn mới vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội và cao hơn mức bình quân cả nước. Đến tháng 9.2020, toàn tỉnh đã có 6 đơn vị cấp huyện: thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai, thành phố Vinh và các huyện: Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc đạt chuẩn nông thôn mới; 246/411 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 59,85%. Diện mạo nhiều vùng nông thôn khởi sắc, đời sống của nhân dân được nâng lên, môi trường ngày càng được chú trọng bảo vệ.
Bên cạnh đó, hạ tầng các khu kinh tế, công nghiệp được đầu tư khá đồng bộ, thu hút được các nhà đầu tư lớn vào đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, tạo tiền đề để thu hút các dự án thứ cấp. Hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và lấp đầy diện tích Khu công nghiệp Bắc Vinh; từng bước hoàn thành hạ tầng Khu công nghiệp Nam Cấm, VSIP, WHA giai đoạn 1, Hoàng Mai 1, Đông Hồi với tổng diện tích 1.593ha. Quy hoạch phát triển 52 cụm công nghiệp, trong đó có 32 cụm công nghiệp đã thực hiện các bước đầu tư và thu hút được các dự án vào đầu tư.
Hệ thống hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ, nhất là các tuyến giao thông chiến lược, tạo sự kết nối thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội. Hoàn thành đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường giao thông nông thôn,… Nhiều công trình giao thông trọng điểm đã được đưa vào sử dụng như: Đường N5 - Khu kinh tế Đông Nam - Đô Lương, cầu Yên Xuân, đường Tây Nghệ An giai đoạn 2, đường nối Quốc lộ 1 - Hoàng Mai - Thái Hòa, các cầu vượt đường sắt. Sân bay Vinh được đầu tư nâng cấp nhiều hạng mục quan trọng, hoàn thành nâng cấp luồng cho tàu 10.000 DWT đầy tải vào cảng Cửa Lò; đưa vào khai thác cảng Xăng dầu DKC, cảng chuyên dùng Vissai…
Có thể nói, trong nhiệm kỳ qua, mặc dù Nghệ An chưa có sự đột phá lớn, nhưng liên tục có sự phát triển ổn định. Hệ thống hạ tầng từng bước được xây dựng đồng bộ; giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm trong tỉnh và kết nối ra ngoại tỉnh thuận lợi; hạ tầng một số khu công nghiệp lớn đã được đầu tư bài bản; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; nguồn nhân lực dồi dào, tạo ra khả năng thu hút đầu tư tốt hơn trong những năm tới. Tạo nền tảng vững chắc và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chìa khóa để bứt phá
Bên cạnh việc quan tâm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng hạ tầng phát triển công nghiệp, dịch vụ; nhiệm kỳ vừa qua, Nghệ An còn đặc biệt quan tâm tới công tác cải cách hành chính (CCHC). Xác định CCHC là chìa khóa quan trọng để tạo đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư phát triển.
|
Hoạt động giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An (Nguồn: Báo Nghệ An) |
Để công tác CCHC có chuyển biến rõ rệt, đạt kết quả tốt, tỉnh Nghệ An tập trung thực hiện đồng bộ cả 6 nội dung: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính bằng các mục tiêu cho từng giai đoạn. Trong đó, tỉnh tập trung 3 nhiệm vụ trọng tâm là cải cách TTHC; nâng cao chất lượng dịch vụ công; ứng dụng công nghệ thông tin với yêu cầu tiên quyết là lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo về kết quả cải cách hành chính.
Với nhiều biện pháp quyết liệt và hiệu quả, công tác CCHC tại Nghệ An đã đạt được những kết quả khá toàn diện, trong đó điểm nổi bật là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC. Công tác rà soát, công bố bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được thực hiện kịp thời, minh bạch, đúng quy định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.679 TTHC đang có hiệu lực và được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các cấp. Bên cạnh đó, giai đoạn 2011 - 2020 đã có 573 TTHC với tổng thời gian được cắt giảm là 2.541,5 ngày; trong đó có 26 TTHC được đơn giản hóa thành phần hồ sơ, hợp lý hóa quy trình thực hiện. Đặc biệt trong năm 2019 có 307 thủ tục hành chính được rà soát, đơn giản hóa với tổng thời gian được cắt giảm là 1.424 ngày.
Bên cạnh việc đơn giản hóa TTHC, công nghệ thông tin (CNTT) cũng được xác định là vấn đề quan trọng, là đòn bẩy phục vụ công tác CCHC hiệu quả. Nghệ An đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, hợp tác phát triển hạ tầng mạng viễn thông CNTT, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để người dân và doanh nghiệp tiếp cận.
Việc ứng dụng CNTT vào việc giải quyết các TTHC đã giúp giải quyết công việc một cách nhanh chóng, chính xác và đạt hiệu quả cao hơn. Trong lĩnh vực y tế, ứng dụng CNTT trong quá trình thanh toán bảo hiểm y tế giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám chữa bệnh đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm thời gian chờ đợi, tạo sự đồng tình hưởng ứng cao trong nhân dân. Đối với hệ thống phần mềm một cửa điện tử VNPT- IGate đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết các TTHC một cách nhanh chóng, thuận tiện tại một địa chỉ truy cập duy nhất. Điểm ưu việt của dịch vụ là công dân, doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền 24/24h trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 20 sở, ngành cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 491 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 55 dịch vụ công trực tuyến mức độ. Đối với cấp huyện, có 21/21 huyện, thành phố, thị xã cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 gồm: 141 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 28 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Thông qua ứng dụng CNTT, các hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến UBND các tỉnh; từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố, các ngành cũng được tổ chức, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, Nghệ An xếp thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước, và dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ, đây cũng là vị trí cao nhất từ trước tới nay của tỉnh nghệ An. Kết quả vị trí thứ hạng PCI đã minh chứng cho những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính, môi trường đầu tư của chính quyền các cấp trong tỉnh.
Với quyết tâm cao, cùng sự nỗ lực vượt bậc, trong 5 năm qua Nghệ An đã đạt được những kết quả khá toàn diện, chuẩn bị những tiền đề cần thiết, tạo nền tảng vững chắc tạo điều kiện thuận lợi để bứt phá nhanh, bền vững trong giai đoạn tới./.
Nguồn: daibieunhandan.vn