(TTĐN) - “Thể chế” là một trong những từ được nhắc nhiều nhất trong dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Dự thảo Báo cáo chính trị nêu 3 đột phá chiến lược thì đột phá đầu tiên là "hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển”. Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, định hướng đầu tiên cũng là tiếp tục phát triển mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, giải pháp tổng thể nhằm hoàn thiện đồng bộ thể chế để phát triển bền vững lại chưa được đề cập đầy đủ.
Bảo đảm tính đồng bộ giữa các bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế
Một trong những điểm mới nổi bật trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng là bổ sung, nhấn mạnh việc xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập. Trong 3 đột phá chiến lược thì đột phá đầu tiên là "hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" (XHCN).
Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là một khái niệm không mới ở nước ta nhưng lại là một vấn đề lý luận khá mới trên thế giới. Thực tiễn đã chứng tỏ phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự lựa chọn đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam được cấu thành bởi hệ thống các bộ phận khác nhau mà mỗi bộ phận cũng là một hệ thống phức tạp gồm nhiều yếu tố. Các bộ phận cơ bản của thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam gồm: Các văn bản quy phạm pháp luật, các quy tắc điều hành nền kinh tế; các chủ thể tham gia vào hoạt động trong nền kinh tế; cơ chế thực thi các luật, quy tắc và điều chỉnh các mối quan hệ giữa các chủ thể.
Do vậy, để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN cần phải nghiên cứu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo khung pháp lý về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ban hành các quy tắc, chuẩn mực xã hội khác như những quy định của các hiệp hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp... Trong hệ thống quy tắc và chuẩn mực đó thì thể chế do Nhà nước ban hành đóng vai trò quyết định đến các hành vi kinh tế của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường, trong khi những quy tắc, chuẩn mực xã hội khác cũng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của các chủ thể kinh tế.
Muốn hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam cần hoàn thiện thể chế trên tất cả các yếu tố cấu thành, trong đó tôn trọng và vận dụng đầy đủ các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, bảo đảm định hướng XHCN. Mặt khác, cần bảo đảm tính đồng bộ giữa các bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế, giữa các yếu tố thị trường và các loại thị trường, giữa thể chế kinh tế với thể chế chính trị, xã hội; gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường. Cần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Cần phải coi việc cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.
Xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững
Đây là một trong những vấn đề trọng tâm cốt lõi trong dự thảo Báo cáo chính trị, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Xây dựng thể chế phát triển nhanh và bền vững, với ý nghĩa là một thể chế mang tính chất bao trùm, là một vấn đề quan trọng, cấp thiết, vừa phản ánh nhu cầu phát triển khách quan của đất nước vừa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững là dư địa quan trọng nhất để tạo ra động lực mới cho đất nước cất cánh cao hơn trong giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.
Thể chế phát triển nhanh và bền vững thể hiện sự vận hành đồng bộ của 3 yếu tố: Các tổ chức, chủ thể tham gia; các quy tắc vận hành, cơ chế thực thi; môi trường mà các chủ thể và các quy tắc vận hành, cơ chế thực thi trong đó. Đối với mỗi quốc gia, thể chế phát triển là sự tương tác tổng hợp của 4 lĩnh vực cơ bản: Chính trị, kinh tế, xã hội và quốc phòng-an ninh; là sự gắn kết, tác động hài hòa của 3 thể chế thành phần chủ yếu: Thể chế chính trị, thể chế kinh tế và thể chế xã hội. 3 thể chế thành phần này có vai trò và chức năng khác nhau, nhưng liên quan mật thiết, tương tác và chế định lẫn nhau theo quy luật nhân-quả, hình thành nên các mô hình thể chế phát triển khác nhau, vận hành trong mối quan hệ cốt lõi giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Muốn xây dựng được thể chế phát triển nhanh và bền vững thì chúng ta phải xây dựng đồng bộ thể chế về chính trị, kinh tế, xã hội phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam qua từng giai đoạn. Bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững và củng cố quốc phòng, an ninh. Xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững phải được coi là hướng ưu tiên, là đột phá chiến lược của đất nước trong giai đoạn mới. Trong đó cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bổ sung nội dung quốc phòng, an ninh trong quy hoạch các vùng, miền có tầm quan trọng chiến lược đối với quốc phòng, an ninh./.
Đỗ Phú Thọ
Nguồn: qdnd.vn