Đại hội XIII: Kiều bào tại Mỹ kỳ vọng Đảng có quyết sách đúng đắn
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu (Ảnh: TTXVN)

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại New York, Giáo sư Lương Đình Dũng hiện đang giảng dạy tại Đại học New York cho rằng giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã phát triển rất bền vững, đạt được rất nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.

Chính trị được giữ ổn định, kinh tế duy trì tốc độ phát triển. Mặc dù năm 2020 cả thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn phát triển mặc dù không đạt được như kỳ vọng ban đầu. Đây là những thành tựu rất ấn tượng.

Đề cập tới những cơ hội và thách thức của Việt Nam thời gian tới, Giáo sư Lương Đình Dũng nhấn mạnh thách thức lúc nào cũng có, nhưng nếu vượt qua được thì đó chính là cơ hội.

Thực tế, năm vừa qua Việt Nam đã vượt qua thách thức lớn nhất, đó chính là kiểm soát tương đối tốt đại dịch COVID-19, người dân được bảo vệ và nền kinh tế được bảo toàn. Cơ hội của Việt Nam rất rõ ràng.

Giáo sư Lương Đình Dũng cho rằng, những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm vừa qua đã tạo một nền móng vững chắc. Để tiếp tục phát triển trên cái nền đó, giống như xây một ngôi nhà, cần phải có những người thợ giỏi.

Theo Giáo sư Lương Đình Dũng, trong công cuộc xây dựng đất nước thì những người thợ đó chính là đội ngũ cán bộ đảng viên, đóng vai trò đầu tàu gương mẫu.

Anh chia sẻ: “Tôi hy vọng lãnh đạo Việt Nam ở tất cả các cấp chính là những người thợ giỏi để xây dựng thành công ngôi nhà chung Việt Nam tiếp tục phát triển trong tương lai. Ngoài ra, có một điểm tôi cũng muốn nhấn mạnh là giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã thu hút rất thành công tất cả các nguồn lực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong tương lai nguồn vốn quý nhất chính là chất xám của đội ngũ trí thức người Việt đang sống và làm việc ở trong nước cũng như nước ngoài. Tôi rất kỳ vọng Đại hội Đảng lần này sẽ đề ra được các quyết sách hay định hướng cụ thể hơn nữa cho việc tận dụng nguồn lực đáng quý đó”.

(Ảnh: TTXVN)

(Ảnh: TTXVN)

Anh Nguyễn Trung, chủ cửa hàng start-up “Just Pho” rất nổi tiếng ở thành phố New York, cũng chia sẻ rằng, con đường Việt Nam đang đi rất ấn tượng.

Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới như Mỹ vẫn đang phải vật lộn đối phó với đại dịch COVID-19 thì về cơ bản các hoạt động ở Việt Nam vẫn có thể diễn ra bình thường. Việt Nam là một trong số ít các nước giữ được tăng trưởng dương. Điều này có được là nhờ Việt Nam đạt kết quả tích cực trong việc chống dịch vừa qua. Đây là điểm đáng tự hào.

Theo anh Trung, thách thức lớn nhất với Việt Nam hiện nay là khống chế thành công sự lây lan của đợt dịch bệnh mới. Mặc dù đợt bùng phát hiện nay rất nguy hiểm, song anh bày tỏ tin tưởng với những kinh nghiệm xử lý từ đợt trước, ý thức của người dân tăng lên, Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh, đưa mọi thứ trở lại bình thường.

Về cơ hội, anh Trung cũng cho rằng, Việt Nam  đang ở vị thế rất tốt so với các nước khác để phát triển trong những năm tới.

Trong khi đó, chị Trang Phạm Kelly, nghiên cứu sinh Tiến sỹ chuyên ngành an sinh xã hội của Đại học New York, bày tỏ điều gây ấn tượng nhất đối với cá nhân chị là thời gian vừa qua, Việt Nam đã thực hiện rất tốt sự phân cấp, phân quyền cho các địa phương để mở ra các cơ hội phát triển kinh tế-xã hội. Các văn bản giới luật cũng rõ ràng hơn. Ngoài ra, một ấn tượng khác là đội ngũ cán bộ ngày càng được trẻ hóa và có năng lực, trình độ ngày càng cao để đáp ứng với các yêu cầu của thời đại mới.

Chị Trang cũng nhất trí đánh giá trong bối cảnh chung của toàn cầu, cơ hội mở ra cho Việt Nam rất lớn. Sự ổn định về chính trị, xã hội của đất nước khiến rất nhiều các tập đoàn đa quốc gia đang nhắm tới Việt Nam trong quá trình dịch chuyển sản xuất. Sự dịch chuyển này sẽ tạo ra các cơ hội to lớn để Việt Nam đón nhận các luồng gió đầu tư mới, nhưng đó cũng là thách thức.

Vì Việt Nam sẽ phải nỗ lực cải thiện năng lượng, cơ sở hạ tầng để có thể tiếp nhận các nguồn vốn đó phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần nâng cao tính chủ động, tích cực.

Nữ nghiên cứu sinh cho rằng các văn kiện và chính sách của Việt Nam đã tương đối rõ ràng, nhưng điều mà nhiều người quan tâm là cần phải có xu hướng mở hơn nữa, nhất là tạo điều kiện và cơ hội để người dân có thể phản biện để các cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện hơn, đem lại lợi ích cho chính người dân./.

  Nguồn: TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất